221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1027496
Người dân ở đâu trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long?
1
Article
null
Người dân ở đâu trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long?
,

(VietNamNet)- Rất có thể dự đoán này trở thành hiện thực bởi 990 năm Thăng Long - sự kiện lớn để tập dượt cho Đại lễ 1000 năm (2000) và 1000 ngày đếm ngược về 1000 năm Thăng Long đã cho thấy rõ tính nghi lễ, hình thức mà không có người dân tham gia.

>> Sốt sắng vì 1000 năm Thăng Long có làm ai phật lòng?
>> Nhà nước có nên "đẩy cờ" cho dân?
>> GS.Lê Văn Lan khẩn khoản đề nghị "cáo lỗi với mai sau"
>> 1000 ngày đếm ngược về Thăng Long nghìn năm 

Người dân ghé mắt xem lễ hội đếm ngược 1000 ngày đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long hôm 13/1/2008.

Người dân chỉ được ghé mắt, kiễng chân... xem

13/1, đồng hồ đếm ngược được khai trương, đánh dấu sự kiện "1000 ngày đếm ngược về Thăng Long nghìn năm". Người dân Hà Nội háo hức chờ đợi một ngày lễ hội, như quảng bá trên khắp các phương tiện truyền thông, để được sống trọn một ngày trong không gian Hà Nội xưa hồi đầu thế kỷ 20 với chợ phiên lao xao dưới chòi mái rạ chen chân cùng những áo tứ thân, váy thâm, khăn mỏ quạ; thở chút hương quê qua những tấm bánh nếp, bánh tẻ, chè lam, ô mai, kẹo vừng... ngắm nghía những món đồ thủ công mỹ nghệ đã làm nên Thăng Long 36 phố phường.

Vẫn chưa hết, Ban tổ chức còn hứa sẽ có những trò chơi dân gian, những màn biểu diễn trang phục Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến những năm chống Mỹ. Nghĩa là các nhà tổ chức sự kiện 1000 ngày đếm ngược về 1000 năm Thăng Long đã rất ý thức xây dựng một lễ hội của người dân, và người dân không phải là khán giả đứng ngoài cuộc mà họ là thành phần chính làm nên phần hội.

Trong kế hoạch hoành tráng này còn thấy cả lễ hội đền Bát Đế (Bắc Ninh), lễ hội Đức Thánh Trần (Nam Định), lễ hội Lam Sơn (Thanh Hóa).... Đây là những lễ hội của người dân bản xứ, cách xa Hà Nội nhưng người Hà Nội hầu như năm nào cũng chia dòng chia lũ đến tận nơi tham gia. Nên nhã ý của người lên chương trình là đưa phần này vào để người dân được dự phần, vừa tạo được mối cộng cảm sâu xa, vừa thể hiện những dấu tích oai hùng gắn liền mạch hình thành, phát triển để làm nên 1000 năm Thăng Long văn hiến.

 "Chẳng có gì để người Hà Nội được dự phần, để khách du lịch may mắn có mặt tại Hà Nội đúng dịp lễ hội được hiểu phần nào về Hà Nội những ngày xưa đầy hào hùng"
Vậy nhưng, vì những lý do đến nay vẫn không được thông báo, toàn bộ phần hội của người dân trong ngày 13/1 đã được "hô biến" khỏi chương trình trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người quan tâm đến sự kiện 1000 năm Thăng Long.  Chương trình tưởng rầm rộ cả ngày, giờ chỉ còn gói gọn trong khoảng sân sau tượng đài Lý Thái Tổ, sơ sài gần đến mức "chẳng có gì để xem" ngoài triển lãm 180 bức ảnh "Hà Nội xưa và nay", mấy tiết mục văn nghệ bán chuyên nghiệp trên sân khấu, vài sạp viết chữ Nho.

Chẳng có gì để người Hà Nội được dự phần, để khách du lịch may mắn có mặt tại Hà Nội đúng dịp lễ hội được hiểu phần nào về Hà Nội những ngày xưa đầy hào hùng nhưng cũng đầy lãng mạn. Người Hà Nội ngơ ngác, khách du lịch thản nhiên. Chỉ có những người biết lo cho "Hà Nội 1000 năm" là thật sự lo lắng, một lễ hội "quy mô nhỏ" còn chẳng làm được, đến Đại lễ biết xoay sở làm sao?

Tiếc tiền tổ chức hay thiếu tầm nhìn?

Có người sẽ bảo, chỉ là lễ hội đánh dấu 1000 ngày đếm ngược thôi mà, cần gì phải cầu kỳ? Người thực tế hơn thì "Chẳng cần tổ chức gì, dành tiền đó mà lo cho người nghèo còn ý nghĩa hơn". Những lập luận ấy không sai, nếu Hà Nội đã có kinh nghiệm đầy mình trong việc tổ chức lễ hội, nếu những phần việc chuẩn bị cho Hà Nội 1000 năm đều đang nhịp nhàng đúng tiến độ, nếu mọi người dân đang sống ở Hà Nội đều có đủ tự hào và trách nhiệm với dịp đại lễ của thành phố mình, nếu việc quảng bá hình ảnh Hà Nội đã đủ tốt...

Tiếc thay, hình như mọi cái "nếu" ấy đều chỉ là nếu. Hà Nội cần lễ hội khai trương đồng hồ đếm ngược, để nhắc nhớ về một thời kỳ nước rút cho Thăng Long 1000 năm nếu không muốn khi đó Hà Nội là đại công trường. Người Hà Nội cũng cần khơi dậy niềm tự hào bấy lâu có phần ngủ quên vì nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chưa kể, Hà Nội cần một lễ hội đúng nghĩa để tập dượt cho dịp 1000 năm không còn xa nữa.

Có thể vì vị thế thủ đô mang nhiều tính chính trị, có thể do tư duy của những người tổ chức vốn nặng nề nghi lễ, thành phố Hà Nội hầu như không có "hội". Mọi dịp kỷ niệm từ cấp trung ương đến địa phương đều được đánh dấu bằng những buổi lễ khá cứng nhắc, đơn điệu với những diễn văn chào mừng, những tiết mục văn nghệ của các đơn vị chuyên nghiệp nhưng ít sáng tạo. Người dân nếu có mặt cũng chỉ là khán giả đến xem, thậm chí ở nhà xem... truyền hình trực tiếp, hầu như không có cơ hội để đóng góp ý tưởng, nói gì đến việc tham gia?

 "Hà Nội cũng không cảm thấy sốt ruột khi những "người anh em", những thành phố trẻ hơn nên năng động hơn"
Hà Nội thu hút khách du lịch bởi sự sống động của nhịp sống hiện tại bên cạnh nét thâm trầm lịch sử, bởi cái "hồn" Hà Nội chưa mất đi khi vẫn còn đó những Hồ Gươm, Văn Miếu, phố cổ... có một không hai. Nhưng Hà Nội chỉ là điểm dừng chân trong 1, 2 ngày cho du khách, trước khi họ đặt tour đến Hạ Long, Sapa, hay vào Huế, Đà Nẵng... cũng bởi Hà Nội thiếu vắng "giá trị gia tăng" cho những thắng cảnh kia, để khách du lịch đành chịu chấp nhận việc "đi một vòng là hết".

Không cần sốt ruột?

Hình như, Hà Nội cũng không cảm thấy sốt ruột khi những "người anh em", những thành phố trẻ hơn nên năng động hơn (?), đang tìm cách khẳng định thương hiệu và thu hút khách du lịch không chỉ bằng những thắng cảnh, những điểm du lịch sẵn có, mà còn bằng những lễ hội định kỳ để tôn vinh giá trị văn hóa của từng thành phố.

Có thể kể nhanh một vài thành phố có thương hiệu như thế. Không thể không nhắc đến Huế, thành phố có tham vọng trở thành "thành phố Festival" của Việt Nam khi festival Huế tổ chức 2 năm một lần bắt đầu từ khá sớm (năm 2000), kéo dài gần chục ngày, với sự tham gia của nhiều các đoàn nghệ thuật trong nước lẫn quốc tế, những lễ hội chủ đề tôn vinh các giá trị văn hóa (như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Nam Giao, chợ quê...). Nha Trang cũng quyết tâm khẳng định thương hiệu "bãi biển đẹp của thế giới" bằng festival Biển vào những năm lẻ (bắt đầu từ 2003). Bà Rịa - Vũng Tàu chạy đua làm festival biển vào năm chẵn (bắt đầu từ 2006). Đà Lạt cũng không chịu thua kém, Festival Hoa khởi động từ 2005, cũng quyết tâm định kỳ 2 năm một lần...

Sự thành công của mỗi lễ hội là khác nhau. Mặt trái của việc các thành phố đua nhau tổ chức lễ hội đã được bình luận nhiều, cũng không phải chủ đề của bài viết này. Ngược lại, nỗ lực của mỗi thành phố trong việc khẳng định thương hiệu du lịch, thương hiệu văn hóa là đáng ghi nhận. Mỗi kỳ festival, thành phố thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, của người dân, là điểm hút khách du lịch. Được tổ chức định kỳ nên các festival này cũng sẽ có cơ hội để sửa sai, để mở rộng quy mô, nâng tầm sự kiện Và điều quan trọng hơn, người dân ở Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt... có dịp - dù nhiều hay ít - trở thành chủ nhân của những lễ hội, được tự hào về thành phố, được giới thiệu thành phố của mình cho du khách.

Người dân Hà Nội, thành phố lâu đời nhất, thành phố được xem là có nhiều giá trị văn hóa đáng tự hào nhất, chưa một lần được làm chủ nhân lễ hội để đón khách, không lẽ cũng không có được niềm tự hào nhỏ nhoi ấy vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long?

Rất có thể dự đoán này trở thành hiện thực bởi 990 năm Thăng Long - sự kiện lớn để tập dượt cho Đại lễ 1000 năm - vào năm 2000 đã cho thấy rõ tính nghi lễ, hình thức mà không có người dân tham gia. Lễ hội Khai trương đồng hồ đếm ngược vừa xảy ra như củng cố thêm cho nhận định trên không hơn không kém. Không lẽ, đến Đại lễ Thăng Long 1000 năm, người Hà Nội cũng chỉ như "du khách" trên chính thành phố của mình? 990 ngày nữa có kịp thay đổi nhận thức và cách làm?

  • Khánh Linh

Ý kiến của bạn:

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,