- Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2010 cả nước đã xảy ra 26 vụ chống lại CSGT làm nhiệm vụ. Hậu quả làm 1 công an hy sinh, 8 bị thương. Riêng Hà Nội đã xảy ra 12 vụ - Thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt.
CSGT liên tục bị xúc phạm, chống đối
Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng 12h40 ngày 27/10, tổ công tác Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh gồm thượng sỹ Phùng Văn Quyết và Thượng sỹ Trần Tuấn Anh đang làm nhiệm vụ tại chốt Cầu Đen đường Phùng Hưng, quận Hà Đông thì phát hiện xe ô tô khách BKS 29Y-4840 do Trương Văn Tuấn (SN 1978, ở Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình) điều khiển có hành vi đón trả khách không đúng nơi quy định (khu vực trước tượng đài Nguyễn Trãi, vườn hoa Hà Đông).
Bị tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng lái xe Tuấn không chấp hành mà còn điều khiển xe đâm thẳng vào thượng sỹ Trần Tuấn Anh. Do phản xạ kịp thời thượng sĩ Tuấn Anh đã nhảy lên bám vào cần gạt nước bên trái của xe ôtô và hô dừng lại. Thế nhưng lái xe Tuấn vẫn không chấp hành mà tiếp tục lái xe đi.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ lái xe cố tình húc thẳng vào CSGT rồi hất lên nắp capô hoặc kéo lê trên đường. Mới đây nhất, vào ngày 5/9, Công an phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) đã tạm giữ tài xế Nguyễn Đức Vui (quê Hưng Yên) vì đã vi phạm luật giao thông, đâm thẳng vào người CSGT Quách Anh Tuấn và hất lên nắp capô rồi bỏ chạy làm anh Tuấn bị mài chân xuống đường. Vui chạy được khoảng 300m thì bị người dân chặn lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngoài ra, tối 6/10, tại ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh - Lê Trọng Tấn (Hà Nội), khi phát hiện Đặng Quang Dân đi xe mô tô BKS 30L5 – 4536 không đội mũ bảo hiểm, thiếu úy Nguyễn Thành Trung (thuộc đội 3, phòng CSGT Hà Nội) đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, Dân (24 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên) đã không chấp hành mà còn bỏ chạy. Chạy được 10m, đối tượng dừng xe lại và chửi thề đối với tổ công tác thuộc đội 3. Sau khi bỏ chạy, Dân quay lại ngã tư nơi tổ công tác đang làm nhiệm vụ và dùng gạch ném về phía tổ công tác CSGT đội 3.
Thấy vậy, thiếu uý Trung bước qua dải phân cách để yêu cầu đối tượng không được manh động. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn không dừng lại mà ném thẳng viên đá vào mặt thiếu úy Trung.
Ngày 4/10, tại ngã tư Khâm Thiên – Tôn Đức Thắng – Đê La Thành – Tây Sơn (Hà Nội), tổ CSGT thuộc đội 3 cũng phát hiện chiếc xe SH mang biển số tứ quý có nghi vấn nên yêu cầu người điều khiển dừng lại để kiểm tra hành chính.
Mặc dù có lệnh yêu cầu được kiểm tra nhưng đối tượng điều khiển xe SH vẫn không xuất trình giấy tờ mà còn có nhiều lời lẽ xúc phạm người làm nhiệm vụ.
Khi đội CSGT tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và biên bản tạm giữ phương tiện thì đối tượng này đã nhổ nước bọt vào mặt 1 trung uý CSGT.
Chống người thi hành công vụ: Biện pháp nào để xử lí?
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì “người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật…” là cấu thành tội chống người thi hành công vụ.
Đối tượng hành hung CSGT bị khống chế và bắt giữ (Ảnh CAND) |
Tuy nhiên, trên thực tế thì những vụ chống người thi hành công vụ phần lớn chỉ được xử lý khi bị hại có thương tích, còn việc đối tượng “dùng vũ lực, đe dọa…” diễn ra hàng ngày, hàng giờ, rất phổ biến thì không bị xử lý hoặc chỉ bị phạt hành chính. Bởi thế, rất cần các biện pháp mạnh tay từ phía các cơ quan chức năng. Xử lý nghiêm khắc các hành vi lăng mạ, chống đối người thi hành công vụ nói chung cũng như lực lượng CSGT làm nhiệm vụ để tạo sự răn đe, lập lại trật tự trên lĩnh vực này, đang là vấn đề cấp bách cần được các cơ quan chức năng thực hiện.
Mặt khác, người CSGT cũng cần nâng cao hình ảnh và vị trí của mình trong quần chúng nhân dân. Là người thi hành nhiệm vụ, người CSGT cần có cách xử lí tình huống thông minh mỗi khi gặp đối tượng chống đối, có nhất thiết phải lao lên nắp capô để khống chế đối tượng không? ...Bởi, nếu hành động như thế vô hình trung sẽ gây hình ảnh không đẹp, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.
Lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ cũng phải nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong làm việc và thận trọng trong hành xử để các hành vi chống người thi hành công vụ được kiềm chế ở mức tối đa. Mỗi người CSGT cần tự xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân bảo vệ cuộc sống bình yên. Có như vậy, người dân sẽ tự ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông và có cái nhìn thiện cảm hơn.
Thông tư 27/2009/ TT- BCA có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT) như sau: CSGT khi làm nhiệm vụ chỉ được dừng phương tiện để kiểm tra khi phát hiện được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; trong trường hợp thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề. Khi thực hiện phải có lệnh bằng văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự. CSGT cũng có quyền dừng phương tiện khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi kiểm tra phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.... |
- Anh Ngọc