Ở Israel - nơi hàng trăm nghìn gia đình có con trai thiệt mạng vì chiến trận đã vô cùng đau đớn khi con cái họ chưa để lại cho họ một đứa cháu nối dõi. Từ câu chuyện của một gia đình, một cuộc vận động cho dự luật thành lập một “ngân hàng tinh trùng” riêng cho tất cả binh sĩ nghĩa vụ và lính dự bị ở độ tuổi 18-45 tuổi ở đây đang được dấy lên mạnh mẽ.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Cậu bé Avi Borovsky mới đây đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của mình, trong khi người cha cùng tên của cậu, thượng sĩ Avi Borovsky, đã chết từ 12 năm trước trong một vụ nổ khủng bố tại một trạm kiểm soát của quân đội Israel khi chưa tròn 20 tuổi. Anh ta mới nhận được bằng tốt nghiệp trung học loại giỏi và dự định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ đi học đại học. Giống như đa số thanh niên cùng trang lứa, Borovsky vẫn chưa lấy vợ, thậm chí, còn chưa kịp có bạn gái.
Thảm kịch và niềm hy vọng
Mất đứa con độc nhất là một thảm kịch đối với Natalia Borovskaya, mẹ của Avi. Sau khi chồng chết vì tai nạn giam thông ở thành phố Chelyabinsk quê hương (Nga), chị một mình nuôi dạy con trai và cùng cậu bé di cư sang vùng đất Thánh. Natalia vẫn ấp ủ niềm hy vọng cuối cùng là trước khi nhập ngũ, Avi đã đi gửi “vật liệu di truyền” (tinh trùng) của mình tại một “ngân hàng” đặc biệt. Nhưng Avi đã không làm việc đó.
Rất may là trời đã không tuyệt đường người tốt. Các chuyên gia y tế tại “ngân hàng tinh trùng” thuộc Trung tâm y học Soraski, do Giáo sư Haim Yavetz đứng đầu, đã lấy tinh dịch từ xác Avi. Nếu được lấy ra khỏi tử thi trong vòng 72 giờ sau khi tử vong thì tinh dịch có khả năng thụ tinh cho tế bào trứng của phụ nữ.
Tiếp đó, Natalia đã phải đến nhờ các phương tiện thông tin đại chúng để tìm người phụ nữ chấp nhận thụ thai và sinh con cho người con trai đã chết của chị. Hướng ứng lời kêu gọi này, 40 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ đã nhận lời giúp Natalia mà không đòi hỏi thù lao. Trong số 40 phụ nữ này, một phụ nữ tạm gọi là Yekaterina đã được chọn. Ngẫu nhiên, cô cũng là đồng hương, từng là người Chelyanbinsk, thậm chí cùng học với Natalia ở một trường đại học, có điều là sớm hơn vài năm. Đây cũng là sự may mắn đối với Yekaterina vì ở độ tuổi xấp xỉ 40, chị cũng vẫn chưa chồng, chưa con cái.
Y học hiện nay có thể mang lại cho những người lính một thứ “sự sống sau khi chết. Ảnh: Reuters. |
Nhưng chỉ có sự đồng ý của phụ nữ nhận mang thai đứa con người lính đã hy sinh là chưa đủ. Natalia còn phải chứng minh chính chị và chỉ có chị là người thừa kế duy nhất “vật liệu di truyền” của con trai. Theo luật pháp, góa phụ, chứ không phải các bậc cha mẹ có quyền ưu tiên quyết định sử dụng tinh trùng cất giữ tại “ngân hàng” hay lấy từ xác chết.
Ngoài ra, còn có một quy định rõ ràng về “tài sản”, theo đó, đứa bé ra đời sau 300 ngày sau cái chết của người cha sinh học sẽ không có quyền thừa kế tài sản của cha. Quy định này không có quan hệ với trường hợp cụ thể của con trai Natalia. Thế nhưng bà Natalia Borovskaya vẫn phải mất hơn 1 năm trời để vượt qua những trở ngại hành chính. Nhưng điều chủ yếu nhất mà Natalia đã làm được ngay lập tức trong vòng 1 ngày là “vật liệu di truyền” lấy từ tử thi con trai bà đã được đưa vào “ngân hàng tinh trùng” cất giữ.
Bình thường thì việc giao tinh trùng đông lạnh của một quân nhân hy sinh cho gia đình sẽ chẳng có vấn đề gì, chẳng cần quyết định của tòa án. Nhưng trong trường hợp con trai Natalia chết bởi vụ nổ khủng bố thì nhất định phải có quyết định của tòa án. Vấn đề là ở chỗ Yekaterina, người đồng ý sinh con bằng tinh trùng đông lạnh của anh ta, thậm chí chẳng quen biết Avi.
Tổ chức xã hội Mishpaha Hadash (New Family Organisation, Tổ chức Gia đình Mới) đã tích cực giúp Natalia bằng cách đệ đơn lên tòa án Jerusalem về các vấn đề gia đình để tòa cho phép dùng tinh trùng của Avi Borovsky để thụ tinh.
Một trường hợp khác là Aaron, chồng của Rosalie. Anh bị chết cháy trong xe tăng trong cuộc chiến Li-băng lần thứ nhất , khi mới 23 tuổi. Mơ ước nuôi dạy 3 đứa con, nhưng hai vợ chồng chỉ sống cùng nhau chỉ vẻn vẹn 3 tháng.
Chỉ ở tuổi đôi mươi, Aaron đã không tính đến việc gửi “vật liệu sinh sản” của mình vào “ngân hàng”, hồi đó cũng chẳng có ai nghĩ đến chuyện lấy ngay tinh dịch từ xác chết của anh.
Ba năm sau, em họ của Aaron chết trong một tai nạn giao thông, anh ta trước đó phòng xa đã gửi lại luật sư di chúc sinh học, cho phép sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh nhân tạo. Rosalie đã sử dụng tinh trùng này và cũng lại theo sự cho phép của tòa án. Hơn nữa là cô đã dùng tới 3 lần vì rất muốn hoàn thành ước nguyện của Aaron.
Những vấn đề pháp lý
Tòa án Jerusalem về các vấn đề gia đình về bản chất đã không chỉ đơn giản cho phép chị Natalia bất hạnh, người đã mất đứa con duy nhất, trở thành bà. Tòa án đã đưa ra một phán quyết có tính pháp lệ. Nay thì Bộ Nội vụ Israel phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ của những người cha đã chết để lại “di chúc sinh học”, tức là vật liệu di truyền tại một trong các “ngân hàng tinh trùng” của nước này.
Để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý xung quanh vấn đề này, mới đây, Knesset đã thông qua một dự luật cho phép tất cả đàn ông bất kể tình trạng gia đình thế nào đều có quyền đông lạnh tinh trùng của mình ở các cơ sở y tế thích hợp trong thời hạn 5 năm với tên thật của mình. Trước đây, những đàn ông độc thân chỉ có thể gửi tinh trùng để cất giữ lâu dài dưới tên giả. Bởi vậy, chẳng ai biết người phụ nữ nào sinh con từ tinh trùng của họ.
Đồng thời, dự luật cũng cho phép cất giữ tinh trùng lập tức sau khi quân nhân chết, nếu như thân nhân người đó đồng ý mà không đòi trả tiền.
Về nguyên tắc, bất kỳ phụ nữ nào không có khả năng nào khác để có thai cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của “ngân hàng tinh trùng”. Nhưng do có rất ít đàn ông đến hiến tinh trùng, nên các “ngân hàng tinh trùng” phải dùng tinh trùng của một người hiến thụ tinh cho nhiều phụ nữ. Ở Israel, đã có gần 10.000 đứa trẻ sinh ra nhờ tinh trùng của những người hiến tinh ẩn danh. Sự ra đời ở một nước nhỏ bé như Israel một số lượng lớn những đứa trẻ cùng huyết thống, dù chúng chẳng hề biết đến sự tồn tại của nhau, làm tăng nguy cơ hôn nhân cùng huyết thống và dẫn đến những bệnh di truyền.
Tổng cộng ở Israel đã thành lập 13 “ngân hàng” tinh trùng, lớn nhất trong số đó nằm tại một tòa nhà của khu bệnh viện Sheba ở Tel Aviv. Ở miền Bắc Israel, một “ngân hàng” lớn như thế được thành lập ở bệnh viện Rambam, Haifa.
Các “ngân hàng tinh trùng” ở Israel đã bắt đầu chiến dịch thu hút người hiến tinh trùng. Ví dụ, Đại học Technion danh tiếng nhất Israel ở Haifa thông báo trả thù lao 300 shekel (gần 80 USD) cho một lần hiến. Nếu qua được các khâu kiểm tra, một đàn ông có thể hiến hàng chục lần. Tuy vậy, người ta chỉ tiếp nhận “vật liệu sinh sản” từ những đàn ông hoàn toàn khỏe mạnh ở độ tuổi 19-25 tuổi, độc thân, không có tiền án, tiền sự.
Các binh lính và sĩ quan nghĩa vụ, cũng như lính dự bị có thể gửi “vật liệu sinh sản nam” hoàn toàn miễn phí vào một trong những “kho chứa tinh trùng”. Theo lời luật sư Irit Rosenblum, chủ tịch tổ chức “Gia đình mới”, có nhiều quân nhân các đơn vị chiến đấu đang làm như vậy. Dĩ nhiên là họ muốn tạo điều kiện cho những người vợ của mình sinh con của họ nếu họ bị hy sinh trên chiến trường.
Tổ chức “Gia đình mới” cũng đang tích cực vận động cho dự luật thành lập một “ngân hàng tinh trùng” riêng cho tất cả binh sĩ nghĩa vụ và lính dự bị ở độ tuổi 18-45 tuổi. Những người phản đối dự luật này cho rằng, việc này có thể là một yếu tố làm mất tinh thần những người lính trẻ. Hơn nữa, bản thân việc lấy tinh trùng hiến cũng chẳng phải dễ chịu và không được bảo hiểm y tế chi trả.
Cũng có lo ngại là việc sử dụng tinh trùng người chết để thụ tinh có thể bị các nhà hoạt động tôn giáo phản đối. Tuy nhiên, mới đây các giáo sĩ Do Thái khi thảo luận vấn đề các nữ tín đồ sử dụng dịch vụ của “ngân hàng tinh trùng” đã không đưa ra sự cấm đoán nào.
(Theo Đất Việt)