Gần nửa cuộc đời mang hạnh phúc đến cho hàng trăm gia đình, hàng ngàn người hiếm muộn với bài thuốc quý chữa bệnh vô sinh. Khi tuổi già đang xuôi về cuối dãy núi, bà thấy mình hạnh phúc vô cùng bởi được người đời gán cho nhiều cái tên như người “hàn gắn hôn nhân” hay bà "mát tay"... bà chính là mế Tặng Thị Mụi. Để tìm hiểu thêm về những bí mật trong bài thuốc chữa vô sinh độc đáo và nổi tiếng khắp nơi này, VietNamNet xin đăng tải toàn bộ nội dung bài phóng sự đăng tải trên báo Suckhoe&doisong để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về bài thuốc quý của bà.
TIN BÀI KHÁC |
|
|
Người đàn bà “hàn gắn hôn nhân”
Người ta hay gọi bà với cái tên thân mật là mế Tặng Thị Mụi, 88 tuổi, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa.
Đường lên nhà mế bùng nhùng trong núi rừng miền Tây xứ Thanh, hỏi thăm đường ở cái huyện miền biên này, đâu đâu người ta cũng biết đến mế Mụi, có người nói, trước mế ở bản Pù Quăn, nhưng nay đã chuyển ra bản Hạ Sơn rồi.
Mế Mụi trước ở tận trên đỉnh Pha Luông (Mộc Châu - Sơn La) cao chót vót, đến khi lấy chồng, rồi cuộc sống nay đây mai đó, sang cả bên Lào xa xôi, sau mới chuyển về bản Pù Quăn rồi sang bản Hạ Sơn, Pù Nhi này. Và bằng kinh nghiệm mấy chục năm hái thuốc, mế đã giúp nhiều người lành bệnh, mang hạnh phúc đến cho rất nhiều cặp vợ chồng.
Mế Mụi kể, để có được bài thuốc chữa bệnh vô sinh tốt như hiện nay, mế được gia đình nhà chồng, ông bà ngoại truyền lại cho rất nhiều kinh nghiệm. Ở dân tộc Dao có cái rất hay, đó là thường truyền các bài thuốc chữa bệnh lại cho con dâu hoặc con gái, chứ con trai thì ít hơn.
Ngày trước, cách lấy thuốc, làm thuốc của người được chọn khó khăn lắm và phải tuân theo nhiều luật lệ mà đến giờ mế cũng không thể lý giải bằng thực tế được. Như mế chẳng hạn, để được gia đình bên chồng truyền cho bài thuốc chữa vô sinh này, mế phải hết tuổi sinh con, hoặc đẻ... hết con thì thôi. Mế kể, ngày trước, học cách lấy thuốc, làm thuốc khó khăn lắm và phải tuân theo nhiều luật lệ mà đến giờ mế cũng không thể lý giải.
Bây giờ, các nàng dâu mới về nhà chồng đều được mẹ chồng phá lệ mà truyền cho cách thức nhận biết các loại cây thuốc quí. Đời mế thì mẹ chồng "quy định" chỉ khi nào... đẻ hết con thì mới được tiếp cận đến bí quyết truyền đời của gia đình. Theo phong tục của người Dao, nếu người phụ nữ vẫn còn khả năng sinh sản, dù có lên rừng may mắn hái được thuốc quí thì thuốc cũng "mất thiêng", chẳng chữa khỏi bất cứ bệnh gì. Thậm chí, nếu không tuân theo luật lệ mà bao đời đã định, thuốc sẽ phản tác dụng, có khi còn dẫn đến... chết người!
Bí mật "thần dược phòng the"
Lời nguyền để lại, nếu ai đó lạm dụng kiếm tiền bất chính thì bài thuốc sẽ mất hiệu quả. Ngay việc tìm người kế nhiệm, tìm truyền nhân cũng không đơn giản chút nào. Phải tìm được người con gái, con dâu có phẩm tiết, đạo đức để truyền nghề là thế. Nên bây giờ con dâu của mế vừa 50 tuổi mới được thay mế vào rừng hái thuốc và học một cách cặn kẽ về các bài thuốc. Cái tính mẹ truyền con nối như một sợi dây xuyên suốt vĩnh cửu, không thay đổi, không truyền cho người ngoài cũng là thế.
Người ta bảo mế là "cầu nối hạnh phúc" cho các cặp vợ chồng. Vì không biết đọc, biết viết nên các cặp vợ chồng lên đây chữa bệnh, mế đều không ghi lại được. Ai có bệnh thì đến bốc thuốc, điều kiện ở xa thì ở lại nhà với mế có khi 7 - 8 ngày, ở một tháng cũng được. Thời gian đó họ vừa ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình mế và được mế cắt thuốc cho uống kết hợp với tắm thuốc bổ của người Dao.
Để có được những bài thuốc quý, mế phải đi vào rừng có khi 2 - 3 ngày trời và phải mang theo thức ăn, nước uống. Mỗi lần về, trên lưng mế lại có được 2 - 3 bao thuốc với đủ thứ loại, mà chỉ có mế biết chúng có tác dụng gì. Thảo dược để bào chế những thang thuốc trên, mế bảo, nhiều loại chỉ ở trên Pù Quăn mới có.
Trước đây, khi nhà còn ở trên đỉnh núi, tự tay mế đã trồng cả vườn dược liệu. Bây giờ nhà mế đã hạ sơn, mế cũng đem những giống cây quý xuống trồng nhưng do không hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên chăm bẵm luôn tay mà chẳng cây nào chịu sống. Để có một thang thuốc "hàn gắn hạnh phúc" trên, ngoài những củ, cây, rễ, lá mà mế có thể trồng được thì phải kiếm thêm rất nhiều thành phần khác mà chỉ tìm thấy chúng khi vào chốn nước độc rừng thiêng.
Mấy chục năm vào rừng kiếm thuốc, mế đã quen từng hốc cây, khe suối. "Bản đồ phân bố" của những cây thuốc trên mế đã thuộc như lòng bàn tay, khi cần chỉ khoác gùi vào lấy. Tuy nhiên, cũng có loại cây mà đến giờ, mế cũng không thể nắm bắt được "tập quán" sinh sống của chúng. Bởi vậy, muốn tìm, phần nhiều là nhờ sự may mắn. Có lần đi thì gặp vài khóm, thế nhưng cũng có bận, mấy ngày trời kiếm tìm mỏi mắt mà chẳng thấy chúng đâu.
Có thời điểm hết loài này, mế phải đi cả dãy rừng ở Mường Lát, mà theo mế sẽ có, nhưng chẳng được bao nhiêu, thế nên mế phải nhờ những người bạn bên tận Lào lấy cho, vì có thời mế theo chồng sống ở bên đất Lào khá lâu.
Người mế có nhiều con nuôi
Mế Mụi đông con, nhiều cháu không chỉ do đẻ hết con để được tiếp cận bí quyết nghề thuốc mà gần 40 năm hành nghề, mế đã được rất nhiều người nhận làm mẹ nuôi nhờ ơn mế dành cho họ. Mế quan niệm biết bốc thuốc là để làm phúc, cứu người. Người có bệnh đến với mế dù nghèo cũng không phải lo trong túi không có tiền. Cứ đến với mế, mế thấy ưng cái bụng là khoác gùi vào rừng kiếm cho liền.
Khi chữa được bệnh thì hậu tạ mế thế nào cũng được, thậm chí một chai rượu trắng cũng xong. Chị Thào Thị È, bản Poọng, xã Quang Chiểu - một trong những bệnh nhân mang ơn trời bể của mế. Chị È tâm sự: "Tôi lấy chồng 5 năm, nhưng không có con. Ngày đó, tôi hay bị nhà chồng rủa là thằng Cả (chồng chị È) lấy phải con "trâu đực" rồi. Một lần xuống Hạ Sơn, vào nhà bạn chơi, bạn tôi mách cho gặp mế Mụi.
Sau 3 tháng uống thuốc của mế, tôi đã có tin vui và nhận mế là mẹ nuôi". Nhiều cặp vợ chồng ở xa, tận Hà Giang, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, hay tận trong TP. Hồ Chí Minh đều đến cắt thuốc của mế. Thỉnh thoảng, cũng có người quay lại thăm mế, biếu mế ít tiền, ít quà. Người ở xa quá thì cũng gửi quà biếu hoặc gửi lời hỏi thăm sức khỏe mế. Đó là điều hạnh phúc mà không phải ai cũng có được, như mế nói "tuy nghèo nhưng có niềm hạnh phúc riêng".
Theo Hội Đông y Thanh Hóa, huyện Mường Lát có nhiều tập tục văn hóa xã hội phong phú, nhất là các bài thuốc chữa bệnh gia truyền đặc sắc, trong đó có các bài thuốc phòng the của mế Mụi. Song, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu sâu rộng, chuyên biệt về bài thuốc này nói riêng và nhiều bài thuốc bí truyền khác ở miền Tây Thanh Hóa nói chung.
Để tìm hiểu rõ thực hư việc gìn giữ những bài thuốc quý, chúng tôi đã gặp ông Lương Qúy Hội, phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, ủy ban huyện đang rất quan tâm tới việc xây dựng những khu tắm thuốc kết hợp du lịch sinh thái ở những bản có nghề làm thuốc nổi tiếng.
Sắp tới, huyện sẽ tổ chức khảo sát, tìm hiểu tiềm năng cung cấp dược thảo của đồng bào Dao và nếu khả thi, dự án sẽ được tiến hành. Đó là một tin mừng với đồng bào người Dao và mế Mụi, bởi nếu dự án được triển khai thì họ, những người có trong tay những bài thuốc quí, sẽ có thêm một khoản thu nhập không nhỏ cho mình và sẽ được kiểm định, đánh giá đúng chuẩn mực khoa học và cấp phép hoạt động đúng với luật y tế.
Còn ông Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát cho biết: "Từ lâu, người Dao ở đây đã nổi tiếng về nghề làm thuốc. Với nhiều người, sau khi sinh thì thời gian ở cữ là vài ba tháng với đủ các loại kiêng khem. Còn với đồng bào người Dao, dùng những bài thuốc ấy (uống và tắm) thì chỉ chưa đầy 1 tuần, họ đã phăm phăm đi rừng, đi nương. Đây là kho tàng những bài thuốc dân gian quý báu cần bảo tồn và phát huy trong tương lai”.
Theo Suckhoe&doisong