Cả một triết lý nhân sinh quan sâu sắc hiện diện trong những vườn cây của ông. Cả ngàn gốc cây, với không biết bao nhiêu gốc trị giá bạc tỉ, đã biến ông thành một tỉ phú giữa quê nghèo.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Lão nông Phạm Văn Vĩnh nói vui: “Tôi coi vườn cây của mình như “ngân hàng xanh”, vừa giữ của, vừa để chơi, vừa sinh lời, lại an toàn tuyệt đối”. Cứ cần tiền, ông lại rút từ “ngân hàng xanh” một vài cây trong số cả ngàn cây của mình đem bán để giải quyết khó khăn. Bán vài cây nhỏ, ông đủ nuôi mấy người con ăn học đại học. Bán vài cây nữa, đủ xây cho 3 cậu con trai và cô con gái nhà cửa khang trang. Năm 2008, ông Vĩnh bán cho ông Điệp ở Hải Dương 5 cây, thu về 6 tỉ đồng, mua một miếng đất mấy trăm mét vuông ở Hà Đông. Giờ miếng đất ấy lên giá mười mấy tỉ đồng. Vừa rồi, bán 3 cây nữa, thu 6 tỉ, ông ôm lên Hà Nội xây biệt thự. Ngôi biệt thự này sẽ là nơi ở của con cháu khi lên Hà Nội học hành, du lịch.
Một phần "ngân hàng xanh" của ông Phạm Văn Vĩnh. |
Lão nông này bảo: “Hiện giờ chưa thấy khó khăn gì, nên chẳng bán cây nào nữa. Các đại gia cứ kéo về xem cây, định giá, song tớ chỉ cười cho vui thôi”. Ông Phạm Văn Vĩnh nhìn cây sanh cổ quái, có tuổi hàng trăm năm, đặt trước ngôi nhà của ông với niềm kiêu hãnh tràn trề. Đầu năm 2010, ông Vĩnh mang cây sanh này và cây đa búp đỏ đi dự thi Festival cây cảnh ở Hải Phòng. Cây sanh đoạt huy chương vàng, cây đa búp đỏ đoạt huy chương bạc. Nhiều đại gia đã muốn bứng cây sanh và cây đa búp đỏ đi, trong đó có “sát thủ săn cây” Toàn “đô-la” và Phiến “cá”, song ông Vĩnh không dám đưa ra giá.
Bà Trần Thị Hồng, vợ ông Vĩnh kể: “Đêm rằm, trăng lên, ông Vĩnh thường đứng hàng giờ dưới gốc cây sanh trước nhà để ngắm. Tôi cũng không hiểu nó đẹp thế nào mà ông ấy ngắm mãi không chán. Sáng sớm, vừa mở mắt, đã lại thấy ông ấy đứng ngắm cây. Cầm kéo nâng lên hạ xuống có khi cả ngày mới dám cắt một cái lá. Không biết có phải do yêu cây, vui với cây không, mà độ này trông ông ấy trẻ ra, phong độ hơn xưa rất nhiều. Ông ấy thường nói, cây cũng như người, mình yêu cây, thì cây rung rinh cành lá, mình buồn, cành lá cũng ủ rũ theo. Ông ấy nói thế thì biết thế, chứ chả hiểu có đúng không nữa”.
Rồi bà Hồng kể về quãng đời vất vả của chồng bà. Ông Vĩnh sinh năm 1946, từng có nhiều năm trong quân ngũ. Từ miền Nam trở ra, ông làm ở hợp tác xã Hải Phương. Tuy nhiên, nhà nghèo quá, lại đẻ liền tù tì 4 đứa con, lương cán bộ hợp tác xã không đủ ăn, nên ông bỏ ngang đi làm nghề tẩy giun, hoạn lợn. Vì là cán bộ hợp tác xã, nên ông nắm vững chuyên môn hoạn lợn và tẩy giun.
Sanh có thể mọc kiên cường trên đá. |
Hàng ngày, khi gà gáy, ông Vĩnh lại dắt chiếc xe đạp ra khỏi ngôi nhà cấp 4 xập xệ, đeo túi dụng cụ trên vai, gò lưng đạp xe sang các xã lân cận, các huyện xung quanh rao: “tẩy giun đê ê ê ê… hoạn lợn đê ê ê ê…”. Vì có nghề hoạn lợn, nên người dân trong vùng gọi ông là ông Vĩnh “hoạn lợn”. Ông đạp xe rạc cẳng suốt ngày, lại đói ăn, nên người gầy nhẳng, chỉ được chưa đầy 40kg.
Cuộc sống vốn đã khốn khó, lại càng khốn khó hơn vì thú chơi cây của ông Vĩnh “hoạn lợn”. Ông Vĩnh cũng chả biết thú chơi cây ngấm vào máu ông từ khi nào. Trong quá trình lang bạt làm nghề, hễ thấy ngoài bờ dậu, bờ ao nhà ai có cây đẹp, là ông săm soi, gạ mua cho bằng được.
Cách đây 20-30 năm, cây cối rẻ như củi, chứ đâu có như bây giờ. Có những câu chuyện mà kể ra đây, ít người có thể tin nổi. Ví như, Toàn “đô-la”, từng mua cây sanh ở bờ dậu của một gia đình ở cạnh khu công nghiệp Thụy Vân với giá 5 triệu đồng, sau khi tỉa tót, đưa lên chậu, đã bán được 3 tỉ đồng, đủ mua cho vợ chiếc BMW mui trần. Một tay chơi cây ở Phụng Công (Văn Giang) từng mua gốc ổi của dân có 27 triệu, chỉ sau vài động tác lành nghề, nó đã được chuyển nhượng với giá 2,7 tỉ đồng.
Vì cây cối ngày đó rẻ, giá tính bằng hào, bằng đồng, nên cứ sau mỗi ngày rạc cẳng đi tẩy giun, hoạn lợn, ông lại tha về một vài gốc cây. Vợ con thì đói, trông vào mấy đồng lẻ của chồng để mua thức ăn, nhưng chiều nào cũng vậy, toàn thấy ông Vĩnh tha cây về. Cây nhiều đến nỗi ông trồng kín mảnh vườn rộng hơn mẫu. Cây ăn quả ông chặt hết, nhường chỗ cho cây cảnh. Vợ con nhìn cảnh đó tím cả mặt, nhưng nói mãi ông chẳng nghe. Làng xóm ai cũng bảo ông Vĩnh hâm nặng.
Vườn nhà kín mít gốc cây, không còn chỗ để, ông Vĩnh tha về gửi ở vườn nhà bố vợ, rồi vườn nhà ông thông gia, khiến bà Hồng muối cả mặt. Có lúc bà giận ông Vĩnh cả tháng trời, khi ông Vĩnh đi vay tiền ngân hàng mà không nói với bà một câu. Chỉ đến khi ngân hàng gửi giấy thông báo trả lãi, bà mới biết ông vay ngân hàng 10 triệu đồng. Hỏi vay tiền làm gì, ông Vĩnh bảo mua cây hết rồi. Số tiền 10 triệu ngày đó là một gia sản lớn.
Năm 1991, không kiếm được chỗ nào để đặt cây nữa, ông Vĩnh vay mượn, dồn hết gia sản mua mảnh đất rộng gần 5.000 mét vuông để trồng cây. Miếng đất ao sâu, ruộng thụt được vợ chồng ông và đàn con chịu khó san lấp rồi cũng thành mảnh vườn. Ông dựng một ngôi nhà cấp 4 bám mặt đường rồi mở đại lý bán cám con cò, không đi tẩy giun, hoạn lợn nữa. Từ bấy đến nay, ông Vĩnh có biệt danh Vĩnh “cám cò”.
Ông Vĩnh kể: “Tôi chơi cây vì đam mê, vì bị cây hút mất hồn. Các cụ thường nói sắc đẹp đàn bà làm nghiêng nước nghiêng thành, nhưng với tôi thì vẻ đẹp của cây mới làm tôi rối trí. Sắc đẹp của đàn bà có thời, có lúc, chứ sắc đẹp của cây thì đi hết bao nhiêu đời người. Tôi chơi cây vì mê cây, chứ ngày trước đâu có nghĩ nó sinh ra tiền. Ai ngờ, tự dưng chục năm nay, thú chơi cây lan ra khắp nước, thế là tôi có của. Cứ như giấc mơ ấy”.
Ông Vĩnh dẫn tôi đi miên man dưới vườn cây của mình. Những gốc tùng hiên ngang trong gió, những gốc sanh dẻo dai, bền bỉ chắt lọc từng giọt nước để sống trên đá, rồi những gốc vân du nghiêng nghiêng như mây bay, thác đổ, cây đa như tái hiện lại cổng làng… Cả một triết lý nhân sinh quan sâu sắc hiện diện trong những vườn cây của ông. Cả ngàn gốc cây, với không biết bao nhiêu gốc trị giá bạc tỉ, đã biến ông thành một tỉ phú giữa quê nghèo. Con đường trở thành tỉ phú của ông lão hoạn lợn cứ như một giấc mơ. Ông bảo: “Làm giàu hóa ra không khó, chỉ cần có đam mê”. Triết lý làm giàu của lão nông này thật giản dị.
(Theo VTC)