221
12025
Tin Nhanh
tinnhanh
/tinnhanh/
1305712
Hôn nhân cận huyết - hiểm họa trên đỉnh Cà Đay
1
Article
null
Hôn nhân cận huyết - hiểm họa trên đỉnh Cà Đay
,

Những cuộc hôn phối cận huyết của bà con người Chứt chốn sơn cùng thuỷ tận đã, đang và sẽ kéo dài không biết bao giờ chấm dứt trong nỗi hoang mang, sợ hãi.

TIN BÀI KHÁC

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

 Bản Rào Tre, nơi ở của bà con dân tộc Chứt nằm gọn trong thung lũng, cạnh ngọn núi mang tên Cà Đay của huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Bản làng nay đã đổi khác; những căn nhà sàn vững chãi, đường tráng nhựa thẳng tắp chạy từ đầu làng tới cuối xóm, cộng với tiếng nhạc từ những chiếc ti vi phát ra suốt ngày đêm làm gợi lên bức tranh sống động, sơn thuỷ hữu tình.

Nhưng phía sau cái vẻ “nên thơ” đó, những cuộc hôn phối tạo nên những mái ấm gia đình vẫn gói gọn trong cái thung lũng chật hẹp này…

Nhiều trẻ em ở Rào Tre đang chịu hậu quả của hôn nhân cận huyết

 Cả làng là họ hàng, vợ chồng là anh em

Hồ Thị Bình là cô dâu mới nhất của bản Rào Tre. Cô vừa sinh một cô con gái, cả gia đình nhỏ đang sống trong căn nhà gỗ giữa làng. Một năm trước, Bình còn là học trò lớp 8 nhí nhảnh của trường dân tộc nội trú trên huyện Hương Khê.

Có anh chàng tên Hồ Văn Tư người cùng bản thỉnh thoảng lên thăm. Tư luồn rừng chọn chặt những cành cây đẹp, bó gọn gàng đặt trước nhà của Bình. Bố mẹ Bình vừa ý, lấy vào đun nước, nấu cơm, thế là chuyện trăm năm của Bình đã được quyết định.

Những cuộc hôn nhân của đồng bào Chứt bao giờ cũng diễn ra chóng vánh. Điều này được lý giải một phần vì họ là anh em họ hàng, sống gần với nhau...

 Chỉ vài tháng sau, cô học trò người Chứt vác cái bụng chềnh ễnh về nhà và bỏ luôn trường lớp. Những cuộc hôn nhân ở Rào Tre lâu nay vẫn diễn ra chóng vánh, gọn gàng như thế. Và cũng như bao hôn phối khác, Tư và Bình có quan hệ họ hàng, huyết thống. Bố của Tư gọi bố Bình là anh họ. Tư và Bình có quan hệ rất gần nhau.

Cả bản có 32 hộ thì từng ấy hộ có quan hệ gần gũi với nhau. Họ gọi nhau bằng ngôn ngữ riêng của mình. Trong cách xưng hô bằng tiếng Kinh họ cũng chỉ gọi gọn lỏn bằng ông này, bà kia nhưng hỏi kỹ ra họ đều là anh em họ hàng, phi nội tất ngoại. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình này lớn lên và kết hôn cũng trong phạm vi bản làng và nối dài quan hệ anh em nội tộc ngay trong bản.

Tại bản Rào Tre này có một tổ công tác đặc biệt của Đồn biên phòng 575, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cộng đồng người Chứt ở đây. Mười năm cắm chốt, họ đã quy tụ những người vốn sống hoang dại trong rừng về đây dựng nhà lập bản, đẩy lùi cái đói, xoá mù cái chữ, thăm khám sức khỏe thường xuyên. Nhưng trong câu chuyện giữa chúng tôi và các chiến sĩ biên phòng ở đây, thì hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là việc nằm ngoài khả năng.

Thiếu tá Dương Ngọc Tịnh - một cán bộ cắm bản lâu năm ở đây ngán ngẩm: “Chuyện gì chúng tôi cũng có thể can thiệp được, ngoại trừ cái chuyện bọn trẻ vào rừng rồi ngủ với nhau”. Nhấp chén trà, anh Tịnh tặc lưỡi: “Họ sống trong rừng từ lâu, kết hôn theo kiểu cách nguyên thuỷ, đến giờ vẫn không thay đổi được. Các cặp vợ chồng ở đây là con cậu lấy con dì, con cậu lấy cháu cô, con chú lấy con bác... mà không sao ngăn cản được!”.

Theo Thiếu tá Tịnh thì pháp luật hôn nhân cho phép người trong nội tộc được kết hôn sau 3 đời nhưng 3 đời ở đây được đặt trong một khung cảnh rộng. Còn ở Rào Tre, dù có cách nhau 3 - 4 đời chăng nữa thì cũng là trong một không gian hẹp. Điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả.

Những hậu quả được báo trước

Đại uý Trần Tử Phượng, phụ trách y tế trong đoàn công tác cho biết, việc đau ốm của dân bản diễn ra như cơm bữa. Sức đề kháng của bà con rất yếu nên họ rất dễ bị các bệnh truyền nhiễm. Chưa có nghiên cứu chi tiết về thể hình của dân tộc Chứt nhưng bà con dân bản Rào Tre rất gầy guộc, nhỏ thó. Tuổi thọ trung bình chỉ 45 tuổi, người sống thọ nhất của bản hiện mới ở tuổi 70, suốt ngày nằm trên giường.

Đại uý Phượng cho biết: “Bà con ốm yếu có thể do đời sống, cái ăn cái uống khó khăn nhưng theo tôi có nguyên nhân từ việc hôn nhân cận huyết. Rất may là chưa có trường hợp nào sinh ra dị dạng”.

Bà mẹ Hồ Thị Bình mới tròn 17 tuổi

 Cách suy nghĩ, lối sống của bà con người Chứt ở Rào Tre hiện vẫn còn hạn chế, thiếu nhạy bén trong việc phát triển sản xuất dù được nhà nước, bộ đội biên phòng tận tình giúp đỡ. Theo Đại uý Phượng, nguyên nhân của hiện tượng trên một phần do sự suy thoái gen.

Cũng theo Đại uý Phượng, hiện nay nhất cử nhất động mọi việc lớn nhỏ bà con vẫn phải dựa vào sự hướng dẫn của các chiến sĩ biên phòng. Buổi sáng các anh gọi bà con dậy đi làm, ra đồng cầm tay chỉ việc. Buổi tối bộ đội lại giục bà con lên giường đi ngủ.

Thậm chí, nền đất dưới chân nhà sàn có bị lở lói khiến cho cột nhà xiêu vẹo, bà con cũng để nguyên như vậy, chỉ đến khi bộ đội buộc bà con làm họ mới ghé tay vào. Thanh niên tình nguyện có đến đây, leo lên mái nhà lợp lại, bà con cũng chỉ ngồi dưới trông lên như chẳng phải là họ đang giúp nhà mình.

Người Chứt vốn có thói quen uống rượu. Gạo được các đoàn từ thiện đưa đến thường bị bà con quy ra rượu. Vì thế, cứ mỗi lần bà con được nhận gạo cứu trợ, trạm biên phòng lại lo ngay ngáy, phải canh chừng cả đêm để tránh việc bà con đưa gạo đi đổi rượu.

Ước mong cải thiện giống nòi

Phía bên kia dãy núi Cà Đay có Bản Chuối (xã Thanh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình) cũng là nơi định cư của một nhóm đồng bào Chứt. Luồn rừng mà đi đến bản Chuối mất một ngày đường, còn theo đường bộ thì vòng vèo hơn 100km. Tuy xa xôi trái nẻo nhưng bản này đã trở thành lối thoát cho tình trạng hôn nhân nội tộc ở Rào Tre.

Cách đây 8 năm, Hồ Thế, chàng trai bản Rào Tre đầu tiên đã làm một cuộc cách mạng cho cả bản. Thế dắt con dao sau lưng, bạt cây, ăn ngủ trong rừng để tìm đường sang bản Chuối tìm vợ. Không biết bao nhiêu lần như thế, chặt bao nhiêu bó củi cho nhà người yêu, cuối cùng Thế cũng lấy được cô vợ ở bản này tên là Hồ Hoài.

Ngày đứa con trai đầu lòng chào đời, cả bản và cán bộ trạm vui như bắt được vàng. Nay họ đã có 2 con, hai đứa nhỏ được cán bộ biên phòng đặt cho hai cái tên mang bao niềm mong mỏi là Đức và Tài.

Càng lớn, Đức và Tài càng thông minh, lanh lợi hơn những đứa trẻ khác trong bản. Biết cách tháo gỡ, suốt nhiều năm, cán bộ biên phòng đã tư vấn cho nhiều trai bản Rào Tre băng rừng sang đất Quảng Bình tìm vợ. Đến nay bản Rào Tre đã có được hai cô con dâu ở bản Chuối và một cô gái ở Rào Tre cũng đã xuất giá sang bản Chuối xa xôi ấy.

Nhưng với các cán bộ biên phòng, niềm hi vọng lớn nhất trong việc giải quyết tình trạng hôn nhân cận huyết và phát triển đời sống của dân bản Rào Tre là hai “hạt giống” Hồ Thị Xuân và Hồ Văn Kham. Xuân và Kham may mắn được nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Trường Đại học văn hoá Nghệ thuật Quân đội trong một lần về Rào Tre đã chọn đi học.

Cô gái bản Chứt nhút nhát, khờ khạo năm nào hiện đã thành một thiếu nữ nhanh nhảu hoạt bát, kéo thành thạo chiếc trơ-bon (chiếc đàn đặc trưng của người Chứt) thành những bản nhạc du dương. Xuân 17 tuổi, cái tuổi nếu ở bản đã yên bề gia thất, nhưng em nói với chúng tôi rằng không muốn lấy chồng sớm.

Cả trạm biên phòng thì đang mong ngày Xuân và Kham trở về phục vụ cho địa phương. Họ mong chờ làn gió mới mà hai em sẽ đưa về, trong đó có thể là một cuộc hôn nhân của hai em ra khỏi biên giới của những bản làng người Chứt.

(Theo: Dân Việt)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,