Đã hơn 60 năm trôi qua, người dân Đồng Tháp Mười vẫn còn lưu giữ giấy bạc Cụ Hồ như để kỷ niệm một thời hào hùng của quân dân Nam Bộ.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Nhân chứng sống
Chiếc đò nhỏ đưa chúng tôi đi dọc kênh Dương Văn Dương và cập một bến nước ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Vừa hỏi thăm xưởng in tiền, chúng tôi đã được người dân địa phương chỉ đến nhà một người từng chỉ huy đội bảo vệ xưởng này. Đó là ông Trần Kiện Toàn, 82 tuổi, đại tá quân đội nghỉ hưu. Nghe tin chúng tôi đi tìm xưởng in tiền Cụ Hồ, ông Toàn phấn chấn: “Xưởng ngày xưa hiện là căn nhà ngói cổ, rêu phong nằm đằng kia”.
Khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình - Hà Nội được 3 tuần thì Nam Bộ lại phải đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Do các đô thị lớn đã bị Pháp tái chiếm nên Ủy ban KCHC Nam Bộ buộc phải chuyển về chốn bưng biền Đồng Tháp Mười. Tuy là vùng cách mạng nhưng mọi giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân Đồng Tháp Mười lúc này đều dùng giấy bạc Đông Dương do thực dân Pháp phát hành. Cũng có lúc, người dân sử dụng đồng “bi-đê” của Nhật để mua bán, trao đổi hàng hóa.
Tuy giấy bạc Đông Dương có giá trị nhưng thực dân Pháp hạn chế lưu hành trong vùng cách mạng nên người dân Đồng Tháp Mười nảy ra sáng kiến xé đôi nó để sử dụng. “Tiền xé đôi chỉ có giá trị giao dịch trong nội bộ người dân ở vùng cách mạng quản lý. Trước tình hình này, Ủy ban KCHC Nam Bộ kiến nghị lên Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa cho phép in và phát hành tiền tại vùng Đồng Tháp Mười để thay thế tiền Đông Dương” - ông Toàn cho biết.
Theo ông Toàn, tháng 11-1947, sau khi được phép in và phát hành giấy bạc Cụ Hồ, Ban Ấn loát giấy bạc Nam Bộ lập tức ra đời, do ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông, đặc phái viên Chính phủ tại Nam Bộ, làm trưởng ban. Hai phó trưởng ban là kỹ sư Kha Vạn Cân, Giám đốc Sở Kinh tế Nam Bộ và luật sư Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ. Ông Huỳnh Văn Giám, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An lúc ấy, làm tổ trưởng tổ in tiền. Ủy ban KCHC Nam Bộ cũng điều động giáo sư Phan Văn Hộ, giảng viên ngành chạm - khắc đồng, về Đồng Tháp Mười cùng thực hiện việc in tiền.
Khi xưởng in tiền đi vào hoạt động, Ủy ban KCHC Nam Bộ tổ chức canh phòng, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Lúc đó, ông Trần Kiện Toàn được giao nhiệm vụ chỉ huy trung đội B bảo vệ xung quanh xưởng. “Xưởng in tiền được tổ chức bảo vệ nhiều vòng, có cả trăm người tham gia nhưng mục tiêu của ai thì người đó biết, tuyệt đối không được hoán đổi nơi canh gác khi chưa có lệnh của cấp trên” – ông Toàn nhớ lại.
Sức sống mãnh liệt
Qua tin tình báo, biết Ủy ban KCHC Nam Bộ có xưởng in tiền, thực dân Pháp liền ra lệnh triệt phá, hủy diệt cho bằng được. Ngày cũng như đêm, địch điều động lực lượng và tàu chiến, xe lội nước đánh vào căn cứ kháng chiến nhưng không lần nào trúng xưởng in tiền. Trên trời, địch liên tục cho máy bay quần thảo, dội bom bất cứ mục tiêu nào mà chúng nghi ngờ là xưởng in tiền Cụ Hồ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tồn tại, xưởng in tiền và những người làm việc trong đó đều bình an vô sự.
Cứ thế, các loại giấy bạc kháng chiến loại 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng nối nhau ra đời, chẳng những lưu thông trong vùng Đồng Tháp Mười mà còn lan tỏa khắp các vùng kháng chiến khác của Nam Bộ. Người dân vùng Đồng Tháp Mười quen gọi đây là giấy bạc Cụ Hồ hay tiền Cụ Hồ vì trên các loại giấy bạc đều có in chân dung Người.
Không hủy diệt được bằng sức mạnh quân sự, thực dân Pháp thực hiện chủ trương bao vây, cấm vận toàn vùng Đồng Tháp Mười thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang ngày nay. Bên cạnh đó, địch còn mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ rằng giấy bạc Cụ Hồ không hợp pháp, in trên giấy xấu, dễ rách, không giá trị sử dụng và sẽ bị tịch thu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, người dân vùng Đồng Tháp Mười vẫn kiên trì sử dụng giấy bạc Cụ Hồ thay tiền Đông Dương, bất chấp mọi thủ đoạn phá hoại của địch.
Đầu năm 1954, Ủy ban KCHC Nam Bộ chủ trương in và phát hành loại giấy bạc mệnh giá 200 đồng và 500 đồng. Tờ giấy bạc 200 đồng vừa in xong thì cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Hiệp định Geneva ra đời, đất nước chia đôi. Vì vậy, xưởng in tiền Cụ Hồ ở Đồng Tháp Mười cũng kết thúc vai trò lịch sử của mình vào tháng 11-1954. Các loại giấy bạc Cụ Hồ in và lưu hành từ năm 1947 đến năm 1954 ước khoảng 3,6 tỉ đồng.
Theo tài liệu của Bảo tàng Long An, tuy chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng sức sống của giấy bạc Cụ Hồ rất mãnh liệt. Hiện nhiều người dân Đồng Tháp Mười vẫn còn gìn giữ loại giấy bạc này để kỷ niệm một thời quật khởi chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân Nam Bộ.
Không chịu đổi tiền Ông Phan Văn Nhẫn, nguyên phó giám đốc Đài Phát thanh Long An, người từng công tác tại Đồng Tháp Mười lúc kháng chiến chống Pháp, xúc động kể lại: “Sau Hiệp định Geneva, Ủy ban KCHC Nam Bộ thông báo rộng rãi sẽ đổi giấy bạc Cụ Hồ bằng tiền Đông Dương để người dân tiêu xài. Tuy nhiên, không một người dân Đồng Tháp Mười nào mang tiền Cụ Hồ đến đổi. Vì vậy, Ủy ban KCHC Nam Bộ nghĩ ra cách vẹn cả đôi đường là làm biên nhận tiền Cụ Hồ của từng người dân để sau này quy đổi, chi trả”. Sau ngày 30-4-1975, miền Nam giải phóng, ai còn giữ biên nhận này đều được quy đổi, thanh toán bằng loại tiền mới. Phần lớn người dân trong vùng Đồng Tháp Mười còn giữ tiền nhưng biên nhận thì đã thất lạc. Tuy nhiên, không ai thắc mắc, đòi hỏi gì về việc có đổi được tiền hay không, bởi họ nhận thấy được sống trong một đất nước độc lập, thống nhất là quá đủ rồi. |
(Theo: Người lao động Online)