Có một dòng sông đang chảy dưới đáy biển Đen
Cập nhật lúc 16:59, Thứ Hai, 02/08/2010 (GMT+7)
Một con sông có chiều dài khoảng 60km và độ sâu lên tới 35m chảy dọc dưới đáy biển Đen vừa được các nhà khoa học Anh phát hiện.
Để tìm ra con sông này, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Leeds (Anh) đã phải sử dụng một tàu ngầm robot để thăm dò dưới đáy biển Đen. Kết quả là phát hiện ra một dòng sông uốn lượn từng khúc, thậm chí có cả thác, ghềnh giống như một con sông trên đất liền.
Hình ảnh 3D của con sông được phát hiện dưới đáy biển Đen |
Ban đầu các nhà khoa học dự đoán con sông này có chiều dài khoảng 4.000 km và rộng chừng vài km. Tuy nhiên, kết quả thăm dò chính xác cho thấy con sông này có chiều dài khoảng 60 km, rộng gần 1km và sâu 35m. Dòng chảy của nó kết thúc khi tiếp giáp với thềm lục địa của biển Đen.
Các nhà khoa học cũng đo đạc được rằng con sông này có tốc độ chảy khoảng 6.4km/giờ với lưu lượng chảy là 22.000m3/giây, con số này gấp khoảng 350 lần sông Thames và gấp hơn 10 lần sông Rhine – sông lớn nhất châu Âu. Nếu ở trên cạn, con sông này sẽ có lưu lượng chảy lớn thứ 6 thế giới.
Dòng sông này được hình thành do sự chênh lệch về độ mặn của 2 dòng chảy giữa biển Địa Trung Hải và biển Đen. Nước biển từ Địa Trung Hải chảy vào biển Đen qua eo biển Bosphorus, nhưng do có độ mặn lớn hơn nên nước biển Địa Trung Hải chìm xuống dưới, lâu ngày hình thành nên một rạch nhỏ và dần lan rộng tạo thành một dòng sông dưới đáy biển.
Con sông này hiện chưa có tên. Tuy nhiên việc phát hiện ra con sông này sẽ góp phần vào việc giải thích quy luật tồn tại của cuộc sống dưới lòng đại dương.
Tiến sĩ Dan Parson, thuộc khoa Trái đất và Môi trường của Đại học Leeds cho biết: “Con sông này tạo ra các các vùng sa mạc dưới đáy biển giống như vùng đồng bằng trên đất liền, vì vậy dòng chảy của nó sẽ đóng vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho các sinh vật sống trong sa mạc đáy biển. Vì nước nặng hơn, nên khi chảy nó mang theo một lượng lớn trầm tích”.
“Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó giống như một động mạch cung cấp sự sống cho các cơ thể sống ở dưới sâu lòng đại dương”, ông cho biết thêm.
- Đỗ Hoàng (Theo Telegraph)
,