- Cuộc họp giữa Thủ tường Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak là cuộc gặp 3 bên thứ hai của các nhà lãnh đạo 3 nước, sau lần gặp tại Nhật Bản hồi năm ngoái.
Nhưng cuộc gặp này có điều khác ở chỗ đây là nỗ lực của vị thủ tướng mới của Nhật Bản trong việc tìm kiếm sự hợp tác ngay tại khu vực láng giềng sau những biến cố lớn của nền kinh tế thế giới trong thời gian qua. Đây cũng là cuộc gặp thứ 2 trong chuyến công du châu Á và là chuyến thăm đầu tiên của vị thủ tướng này tới Bắc Kinh, nhằm xây dựng lại mối quan hệ với các quốc gia vốn trước đây có mối quan hệ không tốt với Tokyo.
Lee Myung-bak, Ôn Gia Bảo, Yukio Hatoyama tham gia họp báo sau cuộc gặp 3 bên (Ảnh: AP /Ng Han Guan)
Hội nghị đã ra tuyên bố chung về những vấn đề liên quan đến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, xây dựng mối quan hệ trong khu vực, và hợp tác chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, liệu tuyên bố chung này có thực sự sẽ là quyết tâm của cả 3 nước, hay sẽ có những rào cản làm cho chúng sẽ mãi chỉ là những tuyên bố?
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia đối thoại, tư vấn và duy trì các cuộc thảo luận đưa ra các biện pháp hòa bình để theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên,” các nhà lãnh đạo nói trong tuyên bố chung. “Chúng tôi sẽ cùng nhau nỗ lực với các bên khác về việc trở lại cuộc đàm phán sáu bên để đảm bảo hòa bình, ổn định tại Đông Bắc Á, và từ đó xây dựng một châu Á hòa bình, hài hòa, cởi mở, và thịnh vượng.”
Ba nước cũng bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, và cam kết sẽ “cùng nhau đóng góp cho kết quả thành công chung của hội nghị Copenhagen.” Không biết có phải do có ít nước tham gia vào cuộc họp này hơn nên việc đưa ra tuyên bố chung có thể dễ dàng hơn. Trung Quốc vẫn tuyên bố như vậy, nhưng đã bao giờ chấp nhận cắt giảm lượng khí thải theo Nghị Định thư Kyoto?
Ba vị lãnh đạo còn cam kết sẽ tăng cường hợp tác vượt qua khủng hoảng. Cụm từ “hợp tác” trong các cuộc hội đàm là phổ biến, nhưng với những láng giềng này thì hai từ ấy vẫn cần phải xem xét. Họ có thể hợp tác trong mọi chuyện, nhưng việc có đem lại kết quả hay không lại là chuyện khác.
Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc là những nền kinh tế lớn nhất của khu vực, chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu và đang cố gằng xây dựng một cộng đồng Đông Á lấy mình làm nòng cốt. Trung Quốc giờ đây trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và là nước nhập khẩu khẩu lớn thứ 2 của nước này, sau Mỹ.
Tuy nhiện Tokyo cũng phải đối phó với những thách thức rất lớn từ việc Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thế chỗ Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (theo nhiều nhà phân tích) vào cuối năm nay hoặc sang năm tới. Và thông thường, sự mạnh lên về kinh tế thường gắn liến với những sức mạnh quân sự hay những quyền lực khác. Liệu người Nhật có thể chấp nhận sự vươn lên của Trung Quốc, khi những sự kiện lịch sử về cuộc xâm lược của quân đội Nhật trước kia có làm cho “mối thù” trở thành những hành động gây tổn thương đến nước Nhật khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn.
Hatoyama mới nhậm chức hồi tháng trước, đang nỗ lực xóa đi những những thù hận và nghi ngờ lẫn nhau trong quan hệ giữa Tokyo với láng giềng dưới thời các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do. Có thể ông Hatoyama là người nhìn xa trông rộng khi tiên liệu trước tương lai, nên ông muốn thiếp lập mối quan hệ tốt với người láng giềng “sắp” mạnh mẽ này, vì thế, bộ ba mà báo chí nước Nhật thường nhắc đến, Nhật-Hàn-Mỹ, nên được thay bằng Nhật-Trung-Hàn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Hatoyama phát biểu: “Quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn rất quan trọng, nhưng, là một nước châu Á, tôi muốn phát triển các chính sách tập trung hơn vào châu Á.” Các nước này đang tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do, và tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập khu vực.
Tuyên bố chung nói: “Chúng tôi là những nền kinh tế có sự bổ sung cao và có tiềm năng lớn và sẽ tiến tới hợp tác ở tầm cao hơn nữa trong những lĩnh vực chủ chốt như thương mại, tài chính, đầu tư, phụ trợ, sở hữu trí tuệ, hải quan, thông tin, khoa học và công nghệ, năng lượng, bảo vệ môi trường.”
Quan hệ của Nhật với Hàn Quốc cũng chịu nhiều thử thách của lịch sử khi Nhật xâm chiếm Triều Tiên 35 năm kể từ năm 1910, sau đó lại là những việc làm không thể chấp nhận của quân đội nước này với người dân, đặc biệt là những phụ nữ Hàn Quốc trong cuộc thế chiến thứ hai.
Trong nhiệm kỳ của ông Koizumi, mối quan hệ này lại trở nên xấu hơn khi ông này liên tục đi thăm ngôi đền Yasukuni hay khi vấn đề hòn đảo Dokdo trở nên găy gắt hồi năm ngoái. Như thế có phải là họ cứ tuyên bố, còn những gì họ làm lại là những chuyện khác?
Thời gian gần đây, liên tục có những động thái giữa các nhà lãnh đạo hai nước, làm ấm thêm quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc. Liệu một Đông Bắc Á vững mạnh với các trụ cột ấy có sắp sớm hình thành, hay điều này sẽ chỉ mãi tồn tại trong những tuyên bố tuyên bố chung?
-
Đình Ngân