Khi hội nghị thượng đỉnh G20 đến gần, đã có nhiều cuộc bàn luận về “hợp tác quốc tế” trong phòng họp báo của Nhà Trắng. Chính trong bản thân những lời bình luận đã mang trong nó ý nghĩa rằng “thương mại tự do” thống nhất với “hợp tác”, một niềm tin vẫn được thể hiện rõ trong cuộc họp cuối cùng của G20. Ở đó, cứ theo cách “hành động thống nhất” mà các nhà lãnh đạo thế giới đồng tình thì họ sẽ không áp dụng bất cứ biện pháp bảo hộ mới nào. Nhưng không hiểu sao, cũng từ đó, các biện pháp bảo hộ lại cứ thế gia tăng. Thay vì hợp tác toàn cầu, chúng ta lại thấy điều ngược lại: căng thẳng trên trường quốc tế lên cao khi tranh chấp thương mại gay gắt hơn.
Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu? (Ảnh: Times) |
Đơn cử, chính quyền Obama đã áp mức thuế 35% đối với lốp xe Trung Quốc, còn Trung Quốc đáp lại sự kiện này bằng việc đe dọa trả đũa với các sản phẩm gà và phụ tùng ô tô Mỹ.
Tiếp theo đó, yêu cầu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm thứ sáu rằng châu Âu sẽ đánh thuế các bon đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia không tuân theo quy định về mức trần khí thải.
Cuộc “đụng độ” Mỹ - Trung có tầm ảnh hưởng rất lớn, bởi mối quan hệ này hết sức quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc vẫn tỏ ra im lặng trong nhiều năm qua khi Mỹ áp thuế đối với nhiều sản phẩm của nước này, nhưng cũng chính sự im lặng này khiến Obama tiến hành những hành động tiếp theo. Phản ứng tức thì của Trung Quốc cho thấy một điều rõ ràng: thế là đã quá đủ.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đã cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ không chỉ vi phạm quy định của WTO mà còn đi ngược lại chính những cam kết của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G20, hình thành sự lạm dụng các giải pháp cứu trợ thương mại và tạo ra một tiền lệ xấu trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế thế giới trong khủng hoảng.
Một khía cạnh nữa của “tiền lệ xấu” là thuế quan có thể khiến những doanh nghiệp Mỹ áp dụng sự bảo hộ đối với riêng Trung Quốc, có thể châm ngòi cho một dòng thác thuế quan mà Trung Quốc không thể không đáp lại. Những thứ đó tất cả được gọi là bảo hộ.
Nếu quan hệ Trung - Mỹ xấu đi, phần nào đó của nền kinh tế thế giới có thể cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Một sự kiện thương mại khác gần đây cũng trở nên gay gắt giữa hãng Boeing có trụ sở tại Mỹ và Airbus tại châu Âu. Nhiều năm trước có những khiếu nại với Tổ chức Thương mại thế giới rằng Airbus nhận được trợ cấp không công bằng từ các chính phủ châu Âu (hiện vụ việc này vẫn đang chờ giải quyết). Quyết định sơ bộ được công bố rằng châu Âu đã trợ cấp trái phép cho Airbus, và kết quả cuối cùng thì vẫn chưa ai được biết.
Hậu quả tức thì của vụ tranh chấp là yêu cầu của một số nghị sĩ quốc hội Mỹ rằng hợp đồng quân sự trị giá nhiều tỷ đô la nên được trao cho Boeing thay vì Airbus. Các chính trị gia cũng đang sử dụng khẩu hiệu mang tính dân tộc “mua hàng Mỹ” để gây áp lực lên chính phủ ký hợp đồng với Boeing và kết quả thu được là cả núi đô la tiền thuế thay vì “trao” số tiền đó cho phía đối tác châu Âu. Nếu chính phủ Mỹ đẩy Airbus ra khỏi thị trường rộng lớn của mình thì các biện pháp trả đũa quy mô lớn sẽ nhiều khả năng xảy ra. Và như thế mầm mống của cuộc xung đột đã được gieo trồng.
Vì thế, không chỉ hàng tỷ đô la của Boeing đã cho phép nó mua chuộc các chính trị gia, mà điều này cũng ngoài tầm với của Airbus. Trong khi những người đứng đầu công đoàn lại vẫn khuyến khích công nhân cùng tập đoàn lớn này đấu tranh chống lại một đối thủ ở nước ngoài. Cũng Boeing ấy đã đe dọa rời tiểu bang Washington đến với nơi phương nam có điều kiện thuận lợi hơn.
Công nhân không nên lên tiếng bảo vệ những cổ đông của doanh nghiệp đang cố tình vắt lấy lợi nhuận lẽ ra được chia cho họ. Một cách để thấy được quan điểm của công nhân về thương mại là nghiên cứu lại lịch sử. Một đánh giá đơn giản của cuộc Đại suy thoái chứng tỏ một thực tế không thể phủ nhận: các biện pháp bảo hộ của chính phủ đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng, dẫn tới chiến tranh thương mại và làm gay gắt thêm xung đột dân tộc, châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhưng vấn đề là tại sao các biện pháp bảo hộ lại đang gia tăng? Tại sao Obama trong khi vẫn luôn nói chống lại chủ nghĩa bảo hộ, lại đi áp thuế mang tính bảo hộ cùng lúc đó?
Mặc dù thương mại tự do là vấn đề trọng tâm trong hoạt động của kinh tế tư bản, nhưng mong muốn thu lợi nhuận ngắn hạn đôi khi lại thế chỗ của những tính toán dài hạn dù là rất thông minh, đặc biệt là trong cơn suy thoái.
Khủng hoảng phạm vi rộng tạo ra sự sụt giảm lợi nhuận đáng kể của các doanh nghiệp. Để giúp duy trì lợi nhuận, các doanh nghiệp đã thúc ép các chính trị gia áp dụng bức tường thuế quan để loại bỏ các đối thủ nước ngoài.
“Bình thường, thị trường được giữ an toàn bởi những thể chế như WTO. Nhưng vào thời điểm suy thoái sâu, các tổ chức này lại tỏ ra vô tác dụng. Các ngân hàng và doanh nghiệp toàn quyền kiểm soát chính trị tại mỗi quốc gia đều đòi cứu trợ khi gặp khó khăn và đòi cả những dạng bảo hộ khác ngay tại một thị trường “tự do".
Một số công ty Mỹ có thể nhận thấy rằng độc quyền bán đối với thị trường trong nước vẫn được đánh giá cao - bằng cách áp thuế - có thể thu lợi nhuận nhiều hơn là cộng tác với người Trung Quốc. Nhưng những doanh nghiệp Mỹ không phải là nhà sản xuất nhỏ trong một nước lớn, mà thực tế, họ cũng là những nhà xuất khẩu. Và trong khi họ đang tạo ra siêu lợi nhuận từ việc ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc hay nơi nào đó trên thế giới, thông qua biện pháp mà họ vẫn gọi là chống “bán phá giá” thì chắc chắn họ cũng sẽ phải nhận lấy những biện pháp trả đũa mạnh tay hơn từ phía Trung Quốc và những quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh không công bằng này.
Chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ không chỉ tạo ra xung đột toàn cầu mà còn phá hủy những thứ mà nó vẫn rêu rao bảo vệ. Khi thuế quan làm giảm các sản phẩm nhập khẩu sang Mỹ, người tiêu dùng bị buộc phải mua hàng đắt hơn, tạo ra lạm phát, để rồi cuối cùng lại ảnh hưởng tới chính nền kinh tế nước này. Quan trọng hơn, khi các doanh nghiệp Mỹ bị đóng cửa trước các thị trường nước ngoài thông qua trả đũa, việc làm bị cắt giảm và lương của người lao động cũng không ổn định sẽ là những kết quả không thể tránh khỏi.
Chừng nào nền kinh tế còn bị kiểm soát bởi những tập đoàn siêu giàu và sản xuất chỉ vì lợi nhuận của bản thân, thì kể cả là thương mại tự do hay chủ nghĩa bảo hộ đều không nên được cân nhắc đến xét trên khía cạnh lợi ích của các công nhân. Lợi nhuận của các doanh nghiệp này vẫn gia tăng trong khi người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi bởi lương thấp, hay thậm chí bị đuổi việc. Cuộc chiến thương mại dù đã có những phát súng đầu tiên, nhưng nếu các quốc gia không hành động vì lợi ích chung thì không biết điều gì có thể sẽ xảy ra, kể cả là một cuộc chiến quân sự.
- Đình Ngân (Theo Opednews)