221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1237843
Khởi đầu mới cho G20?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Khởi đầu mới cho G20?
,

- Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 3 trong năm đã kết thúc vào hôm thứ 6 sau 2 ngày làm việc lên tục. 

Bất chấp sự phản đối của hàng nghìn người biểu tình bên ngoài trụ sở họp tại Pittsburgh, hội nghị lần này được đánh giá là đã mang đến những quyết định mang tính lịch sử cho chính bản thân nó cũng như kinh tế thế giới.
 

Lãnh đạo các nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Ảnh: AP

Sự kết thúc của G7/G8?

Xét từ góc độ của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ, Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một thành công khi tiếng nói của họ đã trở nên có trọng lượng hơn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế quốc tế.

Cụ thể, các nước này đã giành được thêm 5% số phiếu trong hệ thống quyền lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nâng tổng số phiếu nắm giữ liên quan đến các quyết định quan trọng trong IMF của nhóm nước này lên con số xấp xỉ 50%.

Với thắng lợi trên của các nền kinh tế mới nổi, có thể nói một trật tự thế giới mới trên lĩnh vực kinh tế đã được xác lập và chính thức xác nhận. Các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng G20 sẽ thay thế G7 trở thành “diễn đàn cấp cao chính thức trong hợp tác kinh tế quốc tế”. Đây là một xu thế không thể đảo ngược nếu xét đến mức đóng góp hơn 50% của các thị trường mới nổi vào nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đặt ra những vấn đề mới cho việc cân bằng cán cân quyền lực giữa các nền kinh tế. Bản thân các nước G8 không thể tự chống chọi với cuộc khủng hoảng mà phải cần đến sự tham gia, phối hợp của tất cả các nước liên quan.

G20 sẽ không phải là G8 +12 cũng như sân chơi chung giờ đây đã không thể thiếu được những những “người chơi mới” có tầm ảnh hưởng lớn đến từ thế giới các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định của chính phủ các nước này, từ việc duy trì chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đến vấn đề tiêu thụ năng lượng cac-bon kích thích hiệu ứng nhà kính hay kiểm soát các dòng chảy tài chính nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự trong tương lai đã, đang và sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn và có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các nước khác.

Tuy nhiên, phía trước các nhà lãnh đạo G20 vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa trật tự thế giới mới đang được xác lập đi vào ổn định và phát huy hiệu quả định hướng cũng như kiểm soát đối với nền kinh tế toàn cầu. Không ai bầu lên G20 mà tự bản thân nó phải chứng tỏ được vai trò và giá trị của mình trong việc điều hành nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, với việc nhiều “người chơi” được bổ sung và sân chơi như thế, việc đạt được các quyết định quan trọng có lẽ sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi phải có những luật chơi mới. Do đó, đây có lẽ mới chỉ là bước khởi đầu cho công cuộc tái thiết trật tự kinh tế quốc tế mà cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua góp phần đem lại mà thôi.

Số phận các gói kích thích kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đạt được sự đồng thuận khá cao trong việc quyết định số phận các gói kích thích kinh tế.

Hầu hết lãnh đạo các nước thành viên của G20 đều có chung nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa đi đến hồi kết và do vậy bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để ngừng các gói trợ giúp kinh tế.

Quyết định này không hề gây ngạc nhiên nếu xét đến tốc độ hồi phục kinh tế chậm chạp của các nước thành viên cũng như tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở Mỹ.

Các vấn đề khác đáng quan tâm

Bất chấp những quyết định mang tính “lịch sử” của G20, hội nghị lần này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Sự nhất trí bước đầu giữa các quốc gia về việc qui định tiền thưởng cho lãnh đạo các ngân hàng không làm thỏa mãn các chuyên gia kinh tế khi mà các thỏa thuận liên quan đến việc điều chỉnh hạn mức vốn của các ngân hàng, nội dung được đánh giá mang tính cốt lõi trong việc giải quyết các vấn đề về tài chính vẫn chưa thể đạt được.

Ngoài ra, việc lãnh đạo các nước vẫn chưa thể hiện được sự nhất quán trong việc giảm lượng khí thải toàn cầu chắc chắn sẽ làm không ít nước châu Âu không hài lòng trong bối cảnh khi mà hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới đây.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng khó có thể trông chờ gì hơn tại một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày. Sẽ cần nhiều Pittsburgh hơn nữa cho đến khi các vấn đề được giải quyết triệt để và Canada 2010 sẽ là câu trả lời cho những tham vọng của các nhà điều hành kinh tế thế giới tại hội nghị lần này. 

  • Sơn Tùng - Huy Trung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,