Các ông nghị ở Iraq bỏ túi hơn 1.000 USD/phút cho công việc chỉ tốn 20 phút trong năm nay. Ngoài ra, họ còn được hưởng những ưu đãi đáng kinh ngạc khác.
Làm thế nào các chính trị gia Iraq lại có cuộc sống tuyệt vời đến vậy?
Chính trị gia Iraq được trả thù lao 90.000 USD và lương hàng tháng là 22.500 USD mà không phải làm gì, lại được ở trong những khách sạn xịn nhất ở Baghdad.
Thông tin về mức thù lao ngất ngưởng và lương tháng của các nghị sĩ được tiết lộ khi 325 nhà lập pháp nước này chuẩn bị tham gia kỳ họp Quốc hội thứ 2 kể từ cuộc bầu cử vào tháng 3.
Hiện, người dân Iraq đang bất bình trước việc các chính trị gia có một cuộc sống quá sung sướng trong khi phần dân số còn lại của Iraq phải vật lộn với cuộc sống.
Viên chức chính phủ tầm trung ở Iraq được trả 600 USD/tháng và dân thường hiện vẫn khốn khổ vì thiếu dịch vụ cơ bản như điện và nước. Lương cơ bản của một chính trị gia ở nước này là 10.000 USD, ít hơn nghị sĩ Mỹ chỉ 4.500 USD/tháng. Ngoài ra, một nghị sĩ Iraq lại được trợ cấp tiền nhà và bảo vệ hàng tháng là 12.500 USD, nên tổng số tiền họ được trả một tháng lên tới 22.500 USD.
Các nghị sĩ còn được nghỉ đêm miễn phí tại khách sạn Rasheed ở Baghdad, nằm trong khu vực tương đối an toàn - Vùng Xanh, bất kể là họ có đi họp Quốc hội hay không. Ngoài ra, mỗi nghị sĩ sẽ được nhận công tác phí 600 USD/ngày, bất kể đi làm ở trong hay ngoài Iraq.
Một khi hết nhiệm kỳ, các nghị sĩ được nhận 80% lương hàng tháng cho tới hết đời và tiếp tục giữ hộ chiếu ngoại giao thêm 8 năm.
Kể từ tháng 6, khi các nghị sĩ nhóm họp lần đầu tiên trong 20 phút, Quốc hội được bầu thứ 2 của Iraq, kể từ khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ vào 2003, chưa họp lại lần nào.
Sự phân chia sâu sắc giữa các đảng phái chính trị đã ngăn cản việc thành lập một chính phủ mới, chưa có một luật nào được đem ra tranh cãi. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn quyết định mở phiên họp để cho phép các nghị sĩ nhận được thù lao 90.000 USD để trang trải các chi phí cho 4 năm tới.
Trong một bài thuyết giảng tại thánh đường, trợ lý giáo sĩ Shi’ite cấp cao ở Iraq đã kêu gọi Quốc hội hạ thấp lương nghị sĩ khi họ nhóm họp vào lần tới. Ông Ahmed al-Safi nói: "Là phù hợp khi đề nghị mức lương các nghị sĩ không nên chạm tới mức xa hoa. Đây là một vấn đề quan trọng, tôi không hiểu tai sao họ cứ nhắm mắt làm ngơ".
Tuy nhiên, các nghị sĩ nhận lương và bổng lộc cao lại lập luận rằng họ đã đánh cược tính mạng khi tham gia tiến trình chính trị. "Chúng tôi phải đối mặt với những vụ bạo lực ngay trong nhà, trên đường phố và thậm chí ngay cả ở trong Quốc hội", Sheik Haidar al-Jorani, một nghị sĩ từ Basra thuộc đảng của Thủ tướng nói.
-
Hoài Linh (Theo Mail)