Nỗi đau của người sống sót sau sóng thần ở Indonesia. (Ảnh: AP)
Quan chức cứu trợ thảm họa, Ade Edward cho biết, trận sóng thần cao tới 3m do động đất gây ra đã cuốn nhiều người ra biển hoặc chôn vùi họ trong cát.
Hôm 28/10, các tàu cứu trợ đầu tiên đã tới các đảo Mentawai, nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất. Chính phủ Indonesia tuyên bố chi hàng triệu đôla cho nỗ lực cứu trợ song các nhà hoạt động cho rằng còn rất nhiều nhu cầu khác cần được đáp ứng.
Các cơ quan cứu trợ cho biết, người dân vùng thiên tai đang cần khẩn thiết thực phẩm và nơi trú ẩn. Cách đó vài trăm cây số, Indonesia cũng đang phải đối phó với sự tàn phá của núi lửa Merapi phun trào ở Trung Java, với hơn 30 người thiệt mạng tính đến thời điểm này.
Khi quy mô của thảm họa sóng thần trở nên rõ ràng hơn, ông Edward đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về cơ hội tìm thấy thêm người sống sót.
"Trong số những người mất tích, chúng tôi nghĩ có khả năng đã chết 2/3, hoặc bị cuốn ra biển hoặc bị vùi trong cát. Khi bay bên trên khu vực, chúng tôi thấy rất nhiều thi thể. Đầu và chân họ trồi lên khỏi cát. Một số người thì mắc trên cây".
Ông Edward ước tính có khoảng 200 người nữa thiệt mạng.
Theo hãng thông tấn Antara của Indonesia, 468 ngôi nhà đã bị sóng thần san phẳng.
Các nạn nhân núi lửa Merapi đã được chôn cất. (Ảnh: Getty)
Bốn ngày sau thảm họa, những người may mắn sống sót đã bắt đầu chôn cất cho thân nhân xấu số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thi thể nằm đó, dưới những gốc cây dừa hoặc ở chỗ này chỗ khác.
Trong khi đó, đảng của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đang cố gắng xoa dịu một cuộc tranh cãi chính trị ngày càng nóng bỏng xoay quanh những lời bình mà một thành viên cao cấp của đảng đưa ra.
Trong những bình luận được đưa lên trang web Jakarta Globe, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Marzuki Ali gợi ý tái định cư những người dân sống cạnh biển và nói thêm: "Những ai sợ sóng thì đừng nên sống gần bờ biển".
Các chính trị gia đối lập chỉ trích tuyên bố này là "vô ý" và đảng của Tổng thống Yudhoyono đã phải xin lỗi.
Trước đó, ông Yudhoyono đã cắt ngắn lịch trình chuyến công du tới Việt Nam để trở về giám sát nỗ lực cứu hộ. Máy bay chở ông cũng mang theo thực phẩm cùng nhiều vật dụng cơ bản khác tới những khu vực khó tiếp cận.
Các quan chức Indonesia cho hay, người dân địa phương không được cảnh báo về sóng thần vì hệ thống cảnh báo công nghệ cao và tốn kém được lắp đặt sau trận đại hồng thủy năm 2004 không hoạt động.
Indonesia nằm trên Vành Lửa Thái Bình Dương, một trong những khu vực nhiều động đất và sóng thần nhất thế giới.
Hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong một trận động đất ngoài khơi Sumatra hồi tháng 9/2009. Còn hồi tháng 12/2004, trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi bờ biển Aceh đã gây ra sóng thần ở Ấn Độ Dương, giết chết 200.000 người ở 13 quốc gia, trong đó có Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.
- Thanh Hảo (Theo BBC, AP, CSM)