Dân số thế giới đang ngày càng già hóa với tốc độ nhanh bất ngờ. Khắp nơi, từ Bờ Tây cho tới Mỹ hay Trung Quốc, đâu đâu cũng thấy nhiều người cao tuổi.
Tình trạng già hóa dân số đang có những tác động làm thay đổi thế giới cả về mặt chính trị, kinh tế và quân sự, theo những cách mà ít ai ngờ tới.
Trong ảnh trên, hai phụ nữ đang đi qua đoạn đường ray ở nhà ga Gara de Nord, Bucharest. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Romania đã khiến cho chính phủ nước này áp đặt các biện pháp khắc khổ, trong đó có việc cắt giảm lương hưu của nhân viên chính phủ xuống 15%. Hồi tháng 5 vừa qua, khoảng 50.000 người đã đổ xuống đường phố Bucharest để phản đối các kế hoạch này.
Bị chiến tranh tàn phá và chậm phát triển suốt 30 năm qua, Afghanistan phải đối mặt với vô số vấn đề về nhân khẩu học. Một mặt, nước này là một xã hội rất trẻ: 50% dân số dưới độ tuổi 15. Tuy nhiên, tuổi thọ, tính đến năm 2008, chỉ là 44 năm. Sự bất cân bằng này tạo ra một tỷ lệ phụ thuộc nguy hiểm: 113 người dưới 15 tuổi hoặc hơn 60 tuổi trên 100 người ở độ tuổi 15-59.
Một cụ già ở Ấn Độ ngồi hút thuốc trên phố ở Kolkata ngày 4/8. Ấn Độ là một nước tương đối trẻ, nhưng tỷ lệ dân ở độ tuổi trên 60 dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ năm 1991 tới 2016. Nhưng còn tồi tệ hơn nữa, với xấp xỉ 90% lực lượng lao động trong lĩnh vực không có tổ chức như nông nghiệp, xây dựng, phục vụ..., chỉ có 10% lao động có một loại lương hưu nào đó.
Hai cụ già tập thể dục tại một khu rừng sương giá ở ngoại ô Minsk ngày 10/12/2009. Belarus là một trong số ít các quốc gia Đông Âu không nâng tuổi về hưu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuổi về hưu ở nước này vẫn là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. Tổng thống Aleksandr Lukashenko mới đây khẳng định sẽ vẫn không có sự thay đổi về vấn đề này mặc dầu ông ngụ ý rằng nếu người lao động muốn tiếp tục làm việc khi đến tuổi về hưu thì "chúng tôi sẽ ủng hộ".
Yemen là một đất nước trẻ nhưng cũng đang già đi. Tuổi thọ tăng từ 46 năm hồi 1980 tới 63 vào năm 2008, một dấu hiệu hiếm hoi chứng tỏ sự ổn định ở một đất nước ngập trong nghèo đói và chủ nghĩa li khai. Tuy nhiên, vẫn có vài dịch vụ xã hội cho người già.
Trong ảnh, một cụ già người Palestine đang cầu nguyện ở thánh đường Ibrahimi thuộc thị trấn Hebron, Bờ Tây. Chính quyền Palestine đang trong quá trình cắt bớt chi tiêu của chính phủ sau khi sự tài trợ tài chính từ thế giới Ảrập bị giảm.
Tuổi trung bình của dân số ở các vùng lãnh thổ Palestine là rất trẻ, 17,5 ở Gaza và 20,9 ở Bờ Tây. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp rất cao - lần lượt là 40% và 20% - và họ không thể tận dụng được lực lượng lao động để thực hiện các kế hoạch hưu trí. Thay vào đó, người Palestine phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài để thanh toán chi phí lương hưu. Liên minh châu Âu hiện là nguồn hỗ trợ chính cho thu nhập của 84.000 viên chức và người về hưu Palestine.
Những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em nay sắp đến tuổi về hưu. Vào năm 2011, thế hệ đầu tiên sẽ bước sang tuổi 65 và điều này đè nặng lên các chương trình chăm sóc sức khỏe cũng như an sinh xã hội ở Mỹ. Thâm hụt ngân sách liên bang đã nổi lên là một vấn đề quan trọng trên chính trường nước này, nhưng sự gia tăng các chi phí chăm sóc sức khỏe và phúc lợi khi dân số già hơn có nghĩa là sự thâm hụt đấy khó mà thu hẹp được trong tương lai gần.
Hai phụ nữ chờ đến giờ học võ tại một khu ổ chuột ở Nairobi, Kenya. Theo một số thống kê, cứ 5 nạn nhân trưởng thành bị cưỡng hiếp ở nước này thì có 1 người trên tuổi 60. Quan hệ tình dục với người già được nhiều kẻ tin là mang lại may mắn, gột rửa được tội lỗi, thậm chí chữa được bệnh AIDS. Bắt đầu năm 2007, một chương trình đã được triển khai nhằm dạy cho phụ nữ cách tự bảo vệ bản thân.
Một nhóm phụ nữ Trung Quốc ngồi cạnh nhau ở Trùng Khánh ngày 16/3/2008. Trung Quốc có thể đang phát triển nhanh về kinh tế, nhưng nước này phải đối mặt với một thảm họa đang dần hiện rõ khi lực lượng dân số ở độ tuổi lao động già đi.
Vào năm 2050, dự đoán ở Trung Quốc có khoảng 440 triệu người trên 60 tuổi và hơn 100 triệu người trên 80 tuổi. Chưa đầy 1/3 người lao động có lương hưu và mặc dầu chính phủ đang nỗ lực tạo ra một mạng lưới an toàn cho người già, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang lo ngại về khả năng biến đổi xã hội do khủng hoảng già hóa.
Iran có một nền dân số trẻ ngày nay, nhưng nước này sẽ có tốc độ già hóa nhanh nhất trên hành tinh này. Trong khoảng thời gian 2010 tới 2050, số người từ 60 tuổi trở lên được cho là sẽ tăng từ 7,1% lên 28,1%.
Nhật Bản hiện là nước có nhiều người già nhất thế giới. Tính đến 2030, cứ 3 công dân thì sẽ có 1 người cao tuổi. Văn hóa kính trọng người già ở Nhật Bản có nghĩa là những bậc cao niên ở đây cảm thấy thoải mái hơn so với người già ở các nước khác.