TIN BÀI NỔI BẬT |
|
---|---|
Giải Cảnh sex tồi nhất trong tiểu thuyết
Courtney Love đang trao tặng một bàn chân thạch cao cho cây bút thắng giải năm 2006 Iain Hollingshead vì cuốn "Hai mươi thứ gì đó".
Trước khi cho "ra lò" một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, các nhà văn nên bảo đảm rằng họ đã dồn chút ít tâm sức thực sự trong việc khắc hoạ các cảnh yêu đương nóng bỏng, nếu không họ rốt cuộc có thể giành giải "Cảnh sex tồi nhất trong tiểu thuyết". Đây là giải thưởng hàng năm do tạp chí Bình luận văn học của Anh bình chọn và trao tặng cho những trang viết tồi nhất về cảnh quan hệ xác thịt trong văn học. Theo các nhà sáng lập, giải thưởng này "nhằm hướng sự chú ý tới việc sử dụng các đoạn miêu tả cảnh sex không cần thiết một cách thiếu tinh tế, thô lỗ và thường hời hợt trong tiểu thuyết hiện đại, đồng thời đả phá lối viết đó".
Giải thưởng này không chỉ dành cho những cây bút tầm thường. Trong số những người thắng giải trước đây còn có cả những nhà văn sáng giá như Tom Wolfe và Norman Mailer. Nhiều tiểu thuyết gia nổi tiếng khác cũng từng được đề cử nhận giải. Những người thắng cuộc sẽ được trao tặng một bàn chân thạch cao tại một buổi lễ được tổ chức ở London.
Người thắng giải nổi tiếng nhất:
Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng một trong những người đoạt giải nổi tiếng nhất chắc chắn là Nicholas Royle, tác giả cuốn "Vấn đề của trái tim" - người được trao tặng bàn chân thạch cao năm 1997 vì đã viết những câu pha trò ướt át kiểu như "cô ấy rên xiết như lai tạp giữa tiếng hải cẩu mắc cạn và tiếng còi cảnh sát".
Giải Pigasus
Giải Pigasus hầu như mỗi năm đều được James Randi, một ảo thuật gia tên tuổi, một người theo chủ nghĩa hoài nghi và lật tẩy "các hiện tượng huyền bí" trao tặng. Như ông miêu tả, giải này nhằm tìm kiếm và "vinh danh" những kẻ bịp bợm và lừa đảo chuyên tuyên bố có các khả năng huyện bí, siêu thực và đồng cốt đặc biệt. Randi gần như trao giải một cách không chính thức kể từ năm 1982. Có nhiều hạng mục giải khác nhau để vinh danh mọi loại lừa đảo, bao gồm cả ví dụ tồi nhất về giả khoa học và nghệ sĩ biểu diễn thiếu trung thực nhất.
Trong số những đối tượng từng đoạt giải trước đây có chương trình Montel Williams Show vì liên tục sử dụng bà đồng Sylvia Browne làm khách mời và Tiến sĩ Colin A. Ross, một chuyên gia tâm thần học người Canada tuyên bố có thể dùng mắt của mình bắn ra các tia phóng xạ điện từ. Randi không chính thức trao giải thưởng; thay vào đó, ông khẳng định đã sử dụng siêu năng gửi nó cho những người thắng giải và nói nếu họ không nhận được cúp thì chắc chắn là vì họ "thiếu tài năng dị thường".
Người thắng giải nổi tiếng nhất:
Người nổi tiếng nhất từng thắng giải Pigasus là Uri Geller, một nghệ sĩ biểu diễn những điều huyền bí luôn bị Randi công kích là kẻ lừa đảo. Thực tế, trong phiên bản đầut iên, giải Pigasus còn được gọi là "giải Uri". Geller, người nổi tiếng vì làm uốn cong thìa và biểu diễn những trò huyền bí khác với khả năng được danh xưng là ngoại cảm của ông, đã nhiều lần kiện Randi về tội bôi nhọ và vu khống nhưng chẳng mấy thành công.
Giải Lanterne Rouge (Đèn lồng đỏ)
Wim Vansevenant, cuarơ giữ kỉ lục về số lần đoạt giải "Lanterne Rouge".
Việc trao giải cho người về nhất một cuộc thi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong môn đua xe đạp còn có một giải kỳ khôi nữa có tên "Lanterne Rouge" (dịch nghĩa theo tiếng Pháp là Đèn lồng đỏ - được cho là ám chỉ ngọn đèn đặt phía sau toa dành cho bảo vệ tàu hoả) để vinh danh những người về cuối cùng trong cuộc thi. Danh hiệu này cũng trở nên nổi tiếng cùng với giải đấu Tour de France và được trao thưởng không chính thức mỗi năm kể từ năm 1903.
Thêm vào đó, việc đua tranh để trở thành nhà vô địch "Lanterne Rouge" cũng căng thẳng và lôi cuốn chẳng kém giải trao cho người cán đích đầu tiên tại Tour de France. Lí do là vì nhà vô địch thường trở thành người anh hùng được đông đảo hâm mộ và có thể kiếm được khối tiền nhờ những lần xuất hiện trước công chúng. Vấn đề nảy sinh và năm 1980 khi các nhà tổ chức Tour de France cho áp dụng quy định cuarơ về cuối trong mỗi chặng đua sẽ bị loại khỏi cuộc thi. Theo lẽ tự nhiên, các tay đua sẽ cố là người về thứ hai từ dưới lên trong mỗi chặng đua để chung cuộc có thể tuyên bố là nhà vô địch "Lanterne Rouge".
Người thắng giải nổi tiếng nhất:
Người đàn ông giữ kỉ lục về số lần đoạt danh hiệu "Lanterne Rouge" nhiều nhất là Wim Vansevenant, một cuarơ người Bỉ về cuối cùng 3 năm liên tiếp 2006 - 2009. Ông đã giải nghệ sau lần cuối cùng giành chức chức vô địch "Lanterne Rouge" và trở thành một nông dân (ảnh trên).
Giải Ig Nobel
Trong khi giải Nobel trao thưởng cho những đối tượng tạo nên các bước đột phá trong khoa học, văn học và kinh tế thì giải thưởng anh em nhưng đối nghịch hoàn toàn Ig Nobel lại nhằm vinh danh các nhà phát minh có thể biến áo ngực thành mặt nạ phòng độc hoặc chiết xuất hương vanilla từ phân bò. Ig Nobel là giải thưởng nhại lại giải Nobel và được tạp chí Annals of Improbable Research trao tặng hàng năm cho những phát minh và thành tựu "đầu tiên làm con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ".
Ig Nobel nổi tiếng là giải vinh danh các nghiên cứu kỳ quặc và tầm thường nhưng các nhà tổ chức khăng khăng rằng họ chỉ đang cố gắng làm nổi bật các công trình giàu tính tưởng tượng, giúp khuyến khích công chúng quan tâm tới khoa học. Điều này không ngăn cản một số người coi Ig Nobel là một sự ca tụng mang tính châm biếm. Năm 1995, cố vấn khoa học cho chính phủ Anh đã yêu cầu các nhà khoa học nước này không nên nhận giải Ig Nobel nữa vì điều đó tạo ra nguy cơ biến các nghiên cứu hợp pháp thành đối tượng bị chế nhạo. Bất chấp mọi chỉ trích, Ig Nobel vẫn tiếp tục là một trong những giải thưởng nổi tiếng nhất, nếu không muốn nói là uy tín nhất, trong lĩnh vực khoa học.
Đối tượng thắng giải nổi tiếng nhất:
Một trong những đối tượng thắng giải Ig Nobel nổi tiếng nhất là Không quân Mỹ. Lực lượng này đã được trao giải Ig Nobel Hoà bình năm 2007 vì dự án "Bom đồng tính", một thiết bị về lý thuyết có thể rải chất dẫn dụ nữ tính lên binh lính kẻ thù và khiến họ trổ nên hấp dẫn giới tính lẫn nhau.
Các Giải tiểu thuyết hư cấu Bulwer-Lytton và Little-Lytton
Giải Bulwer-Lytton được Khoa Tiếng Anh của trường Đại học San Jose (Mỹ) trao tặng mỗi năm. Đây là một giải thưởng về viết lách. Tuy nhiên, không giống giải báo chí Pulitzer và Giải Sách quốc gia (Mỹ), giải Bulwer-Lytton nhằm vinh danh những cây bút mới, có thể tạo ra câu mở đề tồi nhất trong mọi câu có thể mở đầu một tiểu thuyết hư cấu. Cuộc thi được đặt tên theo tiểu thuyết gia thế kỉ 19 Edward George Bulwer-Lytton, tác giả cuốn Paul Clifford với câu mở đầu hiện bị ghét nhất trên thế giới: "Đó là một đêm tối tăm và bão tố".
Người thắng giải nổi tiếng nhất:
Mỗi người một ý kiến nhưng không ít người coi Martha Simpson - người được trao giải năm 1985 là tiểu thuyết gia có câu mở đầu tác phẩm tồi nhất: "Đồng hồ đếm ngược đã dừng ở điểm T - 69 giây khi Desiree, con khỉ cái đầu tiên đi vào không gian, nháy mắt một cách tinh quái với tôi và bĩu cặp môi dày sụ của nó không lẫn vào đâu được - cái đầu tiên trong rất nhiều sự tiến bộ như vậy trong suốt cái được chứng minh là một cuộc du hành vũ trụ dài nhất và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi".
-
T.A (Theo Toptenz)