Đau đớn để đẹp đẽ là một quan niệm thường thấy với hầu hết phụ nữ - những người sẵn sàng ép, nhuộm và “hành hạ” mái tóc, chênh vênh trên những đôi giày cao gót hay thậm chí phẫu thuật kéo dài chân, làm đẹp các bộ phận trên cơ thể…
Tin bài mới
(Ảnh gozino)
Tuy nhiên, câu chuyện về hàng triệu phụ nữ Trung Quốc trải qua một cách làm đẹp đau đớn khác hẳn thì ai khi nghe cũng không khỏi rùng mình, và không đủ dũng khí để được đẹp theo kiểu ấy.
Đó là tục bó chân để có được đôi “gót sen ba tấc”.
Tục bó chân lần đầu tiên bị cấm vào năm 1912, nhưng vẫn có một số người bí mật bó chân. Những người cuối cùng còn sống sót của cách làm đẹp ghê rợn này đang ngụ tại Liuyicun, một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Vân Nam.
Vương Lâm Phần mới chỉ 7 tuổi khi mẹ bà bắt đầu thủ tục bó chân cho con: bà bẻ gãy các ngón chân của Vương và bó chúng quặp về lòng bàn chân bằng những dải vải băng. Sau khi người mẹ qua đời, Vương vẫn tiếp tục công viẹc này. Giờ đây, khi ở tuổi 79, bà vẫn nhớ lại những ký ức đau đớn.
Xương mềm
"Vì tôi tự mình bó chân nên tôi có thể nắn chúng một cách nhẹ nhàng hơn cho tới khi xương bị gẫy gập. Xương của người còn nhỏ tuổi thường mềm, và dễ bẻ gẫy hơn”, bà nói.
Vào thời phong kiến, bó chân là một biểu tượng thể hiện uy tín, địa vị và sắc đẹp của phụ nữ, là cách duy nhất để người phụ nữ có thể bước chân vào gia đình danh giá. Trong trường hợp của Vương, mẹ chồng bà đã yêu cầu mai mối tìmcho con trai họ một người vợ có bàn chân xinh xắn, bé nhỏ.
Và chỉ sau đám cưới, khi cuối cùng Vương được gặp người chồng lần đầu tiên, bà mới phát hiện ra rằng, chồng bà nghiện thuốc phiện. Và Vương trải qua hai cuộc sống, hai kỷ nguyên luôn trong tình trạng cấm đoán. Tác giả Dương Dương, người có cuốn sách viết về những phụ nữ bó chân cho biết: "Họ là những phụ nữ bị hai kỷ nguyên lảng tránh. Khi còn trẻ, tục bó chân bị cấm, họ phải bó chân trong bí mật. Khi chế độ mới bắt đầu, cách thức sản xuất thay đổi, họ phải làm công việc đồng áng, và một lần nữa, họ bị tránh xa".
Đối phó với lệnh cấm
(Ảnh Dailycognition)
Bên ngoài một ngôi chùa ở Liuyicun, có những người phụ nữ già đang ngồi trò chuyện, vài người “phơi” bàn chân tong teo bé tí dưới ánh mặt trời.
Chục năm trước, còn có khoảng 300 phụ nữ bó chân trong ngôi làng này. Nhưng kể từ đó tới nay, rất nhiều người đã qua đời. Ngôi làng này trước đây khá sầm uất, với ngành nghề kinh doanh dệt vải, và đây là lý do khiến hầu hết các gia đình đều bó chân cho con gái từ lúc còn nhỏ. Tục bó chân tiếp tục diễn ra thời gian khá lâu kể cả sau khi tục này bị cấm vào năm 1912.
Bà Chu Quế Chân nhớ lại những ngày nhân viên chính phủ đi kiểm tra. "Khi họ tới kiểm tra chân của chúng tôi, mẹ tôi đã dùng vải băng kín, sau đó bắt tôi đi một đôi giày lớn”, bà Chu kể lại. “Nhân viên chính phủ tới, chúng tôi khiến họ nghĩ rằng, chúng tôi có bàn chân lớn”.
Bà Chu đã 86 tuổi, luôn đi không vững trong đôi giàu lụa xanh thêu hình phượng.
Quyết định đầy nuối tiếc
Bà Chu mở cánh cửa vào ngôi nhà một phòng tối tăm, nền đất cửa sổ chắn trống hoác. Mọi giá trị đã đảo ngược ngay từ thời niên thiếu. Bà nói, tục bó chân từng được xem là thể hiện đẳng cấp thì gờ đây nó lại giống như biểu tượng của sự nô dịch phụ nữ.
"Tôi tiếc vì đã bó chân”, bà Chu cho biết. “Tôi không thể nhảy máu, không thể tham gia nhiều hoạt động. Tôi rất tiếc, nhưng vào khi ấy, nếu bạn không bó chân, sẽ không ai chịu kết hôn với bạn”.
Theo tác giả Dương Dương thì: “Dải vải để bó chân phụ nữ dài khoảng hơn 3 mét, nên những người bó chân rất khó làm vệ sinh đôi chân. Họ chỉ rửa chân hai tuần một lần, nên đôi chân bốc mùi kinh khủng. Khi còn nhỏ, tôi sống rất tự do, và thường không vâng lời mẹ, mẹ khó có thể chạy nhanh với đôi chân bị bó đẩ bắt tôi hay đánh tôi”.
Mặc dù tự gây tổn thương cho mình, những những người phụ nữ bó chân vẫn sống sót và tồn tại. Bà Vương thường bế trẻ con hàng xóm, hay cõng chúng sau lưng khi làm việc nhà. Khi chỉ dẫn về những đôi giày bé xíu của mình, rõ ràng là bà Vương vẫn còn chút tự hào bởi có “gót sen ba tấc”.
"Khó có người nào ở Liuyicun có thể đi vừa giày của tôi”, bà Vương kể. “Khi thế hệ tôi ra đi, mọi người sẽ không thể thấy những đôi chân bó, kể cả khi họ rất mong muốn như thế”.
Xuất hiện trong những hoạt động công cộng là điều không tưởng với thời trẻ của những phụ nữ bó chân, khi đôi chân khác lạ đã giới hạn chính sự tự do của họ, giữ họ quanh quẩn trong nhà.
Một nhà truyền giáo phương Tây vào thế kỷ 19 mô tả về tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc: "Cô gái có đôi bàn chân bé khoảng 7cm, thậm chí thật gớm ghiếc, sẽ có nhiều cơ may lấy chồng hơn một thiếu nữ có đôi bàn chân bình thường". Người phụ nữ có "gót sen vàng" được đánh giá là thượng lưu, có thể đạt tới một địa vị xã hội cao quý.
-
Kỳ Thư (Theo NPR)