Trước kia, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản và tiến hành một vụ thử hạt nhân. Giờ đây, họ bị cáo buộc phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Điều này đã dấy lên phản ứng giận dữ của nhiều nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mỹ và các nước láng giềng của CHDCND Triều Tiên - gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga - nhắc nhở lẫn nhau rằng họ chẳng được lợi gì từ một cuộc đối đầu dai dẳng, chứ chưa nói đến một cuộc chiến tranh. Từng bước một, các lệnh cấm vận được áp đặt. Các cuộc hội đàm được tiến hành. Về phần mình, Triều Tiên ngay lập tức bóng gió rằng nước này có thể bị lôi kéo vào việc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Rốt cục, vòng tuần hoàn lại bắt đầu.
Nhà Trắng đánh cược rằng, cuộc khủng hoảng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, bắt nguồn từ vụ chìm tàu hồi tháng 3, cũng sẽ tiêu tan chứ không leo thang. Nhưng nguy cơ lớn, như luôn thế, là những gì xảy ra nếu Triều Tiên đi sai một nước cờ quan trọng.
Trong quá khứ đã không có sự leo thang hành động sau cuộc đột kích năm 1968 vào dinh Tổng thống Hàn Quốc, hoặc khi Triều Tiên bắt giữ tàu do thám Pueblo của Mỹ vài ngày sau đó, hoặc vào năm 1983, khi đa số trong Nội các Hàn Quốc thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Rangoon, Myanmar, hoặc vào năm 1987, một máy bay của Hàn Quốc bị các điệp vụ Triều Tiên cho nổ tung, giết chết 115 người.
Vậy lần này có gì khác. Dưới đây là 5 tình huống có thể dẫn đến chiến tranh.
Một vụ việc trên biển
Minh họa từ ảnh của Choi Jae-Ku/Yonhap. |
Kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc nhờ một thỏa thuận ngưng bắn, hai miền bán đảo thường xuyên tranh chấp - đôi khi xảy ra đụng độ - về vị trí chính xác của "Giới tuyến Bắc" - lằn ranh phân chia hải phận hai nước.
Vào tháng 3 vừa qua, tàu tuần tra Cheonan của hải quân Hàn Quốc bị chìm. Lần đầu tiên trong danh sách các mối quan ngại của chính quyền Obama có một vụ việc trên biển mà có thể biến thành một trận chiến hỏa lực kéo dài. Bất cứ một sự ràng buộc chặt chẽ nào cũng có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc vì nước này là một đồng minh lớn của Hàn Quốc, chịu trách nhiệm chỉ huy nếu nổ ra một cuộc xung đột lớn.
Cho đến trước khi cuộc điều tra của nhóm chuyên gia 5 nước kết luận rằng tàu Cheonan bị trúng ngư lôi, Hàn Quốc và các đồng minh của nước này vẫn không nghĩ hạm đội tàu ngầm mini của Triều Tiên đủ sức đánh chìm một tàu chiến được trang bị "tận răng" của Hàn Quốc.
Nã pháo vào Vùng Phi quân sự (DMZ)
Minh họa từ ảnh của Chung Sung-Jun/Getty Images. |
Các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Mỹ hàng ngày vẫn tập luyện phản ứng trong trường hợp đội quân 1,2 triệu binh sĩ Triều Tiên đổ vào DMZ như kiểu những năm 1950. Nhưng chỉ vài người thực sự nghĩ điều đó xảy ra.
Trong một biện pháp trả đũa hồi tuần trước, Hàn Quốc mở lại các chương trình tuyên truyền qua loa phóng thanh tại DMZ. Những năm qua, các chương trình như vậy chỉ binh lính Hàn quốc nghe được và giờ đây vùng đất "không người ở" này lại chỉ toàn động vật hoang dã.
Tuy nhiên, biện pháp này đủ mạnh để khiến cho ban lãnh đạo Triều Tiên dọa bắn vỡ hệ thống loa phóng thanh Hàn Quốc. Điều đó có thể dẫn tới các cuộc đọ súng "ăn miếng trả miếng" và dẫn tới một sự đe dọa bắn vào Seoul từ phía Triều Tiên - khoảng cách mà đạn cối dễ dàng đáp tới. Nếu điều đó xảy ra, hàng nghìn người có thể chết và các nhà đầu tư của nền kinh tế Hàn Quốc chắc chắn sẽ hoảng loạn.
Các quan chức Mỹ tin rằng người Hàn sẽ nghĩ lại về chiến thuật dùng lo phóng thanh tuyên truyền.
Một cuộc đấu tranh quyền lực hoặc đảo chính
Minh họa từ ảnh của Kenji Fujimoto, Reuters.
Khi hỏi các nhà phân tích tình báo Mỹ rằng điều gì có thể làm cho tình hình leo thang hoặc dẫn tới một cuộc khủng hoảng tương lai, họ nêu cái tên Kim Jong-un, con trai út 27 tuổi của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, người đã được chọn kế nhiệm cha mình.
Theo một số thông tin, nhiều người ở tầng lớp thượng lưu Triều Tiên xem Kim Jong-un là chưa qua thử thách và không xứng đáng. "Chúng ta sẽ chứng kiến những dấu hiệu căng thẳng bên trong hệ thống Triều Tiên", một quan chức Mỹ nói.
Một khả năng khác là cuộc chiến nội bộ liên quan đến người kế nhiệm ông Kim Jong-il có thể sẽ khiến cho bạo lực lan rộng ở Triều Tiên, lôi kéo các cường quốc bên ngoài vào can thiệp để ngăn chặn đổ máu.
Sụp đổ nội bộ
Minh họa từ ảnh của Fred R. Conrad/The New York Times.
Chiến lược lâu dài nhất của Mỹ về Triều Tiên rút cục lại không phải là một chiến lược; đó là một lời cầu nguyện cho nước này sụp đổ. Harry Truman, Dwight Eisenhower và John F. Kennedy đều hy vọng điều đó. Dick Cheney cũng cố gắng đẩy nhanh theo hướng này.
Nhưng chính quyền Bình Nhưỡng vẫn trụ vững qua tất cả.
Vậy liệu Triều Tiên có đổ vỡ khi xảy ra một cuộc đấu tranh quyền lực? Rất có thể.
Một sự khiêu khích về hạt nhân
Minh họa từ ảnh của Digitalglobe, AP
Với căng thẳng tăng cao, các vệ tinh do thám của Mỹ đang tìm kiếm bằng chứng Triều Tiên sắp thử một vũ hí hạt nhân nữa - như khi họ làm năm 2006 và 2009 - hoặc là phóng thử thêm các tên lửa tầm xa.
Trong quá khứ, những cuộc thử nghiệm như vậy đã gây căng thẳng. Nhưng đó không phải là nỗi lo lớn nhất của chính quyền Obama vì Triều Tiên được cho là chỉ có đủ nhiên liệu cho từ 8 đến 12 quả bom.
Đáng lo hơn nhiều là một quyết định xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng và người Mỹ không biết được.
Nhiều năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã bỏ lỡ bằng chứng Triều Tiên đang xây dựng một lò phản ứng ở hoang mạc Syria, gần biên giới Iraq. Người Israel phát hiện ra cơ sở này và xóa sổ nó trong một vụ oanh kích năm 2007. Giờ đây, cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm xem có nước nào đang sử dụng công nghệ của Triều Tiên, thậm chí tệ hơn là nhiên liệu bom của Triều Tiên.
Tóm lại, nỗi lo lớn nhất là Triều Tiên có thể quyết định rằng dạy người khác cách chế tạo vũ khí nhân là cách nhanh nhất để thách thức một vị Tổng thống Mỹ từng tuyên bố ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ số 1 của ông.
Chưa biết hiện giờ ngành tình báo Mỹ đã thu thập được những tín hiệu mà họ bỏ lỡ ở Syria hay chưa. Nếu rồi, một cuộc khủng hoảng có thể không chỉ giới hạn ở bán đảo Triều Tiên, nó có thể lan tới Trung Đông hoặc bất kỳ nơi nào mà Triều Tiên tìm được khách hàng.
- Thanh Hảo (Theo NY Times)