(TinnhanhVietNamNet) – Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đề nghị Thượng viện thông qua quỹ tài chính trị giá 80 tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân đang có dấu hiệu “già cỗi” của nước này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Số tiền này sẽ được sử dụng trong vòng 1 thập kỷ tới nhằm duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân hiện có ở Mỹ trên cơ sở tuân thủ theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược đã từng cam kết trước đó.
Để được phê chuẩn, quỹ tài chính này sẽ phải nhận được sự đồng thuận của 2/3 (67/100) nghị sỹ trong Thượng viện. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất cho mục tiêu phát triển vững mạnh kho vũ khí hạt nhân của Mỹ kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh (1991) cho đến nay.
Chú thích ảnh: Mỹ hiện là một trong những quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới (Nguồn: obamawerds) |
Theo đề nghị của Tổng thống Obama, trước mắt trong năm 2011, quỹ sẽ chi 7 tỷ USD để duy trì kho vũ khí và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Số tiền này tăng gần 10% so với năm 2010 (6,4 tỉ USD). Dự tính đến năm 2018, con số duy tu, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vục cho kế họach hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được nâng lên mức 9 tỷ USD.
Cùng ngày, Tổng thống Obama đã trình lên thượng viện xem xét và phê chuẩn Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược mới (START II) vừa kí với Nga hồi tháng 4.
Đây được xác định là một động thái để nối lại đàm phám với Nga sau khi 2 quốc gia này liên tục xảy ra những xung đột về vấn đề hạt nhân dưới thời cựu tống thống Bush.
Theo nội dung Hiệp ước mới này, thì cả Mỹ và Nga đều phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước xuống còn 1.550 đơn vị trong vòng 7 năm tới, giảm 30% so với hiện tại. Thêm vào đó số phương tiện mang đầu đạn hạt nhân của mỗi nước cũng phải cắt giảm xuống còn 700 - 800 đơn vị.
Hồi đầu tháng, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên tiết lộ về quy mô kho vũ khí hạt nhân của nước này. Theo đó, tính đến ngày 30/9/2009, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có 5.113 đầu đạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định “Nước Mỹ sẽ tốt đẹp hơn với hiệp ước mới này. Nó sẽ góp phần tăng cường an ninh quốc gia của cả 2 nước đồng thời thúc đẩy sự ổn định chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân”.
Về phía Nga, Tổng thống Dmitry Medvedev cũng khẳng định, “Hiệp ước START II này là văn kiện quan trọng và theo đó toàn bộ tình hình thế giới phụ sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải trừ hạt nhân”.
Trước đó, Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START I) được ký tháng 7/1991, trước khi Liên bang Xôviết tan rã, tuy nhiên nó chỉ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/1994. Hiệp ước này yêu cầu các bên tham gia cắt giảm đáng kể vũ khí tiến công chiến lược (chủ yếu là đầu đạn hạt nhân, ngoài ra còn có tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom) xuống mức không quá 1.600 phương tiện, đồng thời đề ra thủ tục giám sát quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Việc kí kết hiệp ước START II để thay thế hiệp ước START I được đánh giá là kế hoạch toàn diện cho việc duy trì một hệ thống kiềm chế hạt nhân trong giai đoạn mới.
- Thiên Thư (Theo Reuters)