Gordon Brown muốn làm Thủ tướng thêm nhiều năm nữa. Tham vọng của ông cháy bỏng tới nỗi nó làm lu mờ quan hệ giữa ông và Tony Blair.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thủ tướng Anh tuyên bố rời bỏ vị trí lãnh đạo Công đảng (Ảnh BBC) |
"Tôi sẽ làm hết sức mình", ông nói với báo chí khi đi qua cánh cửa Số 10 phố Downing khi lần đầu tiên bước lên ghế thủ tướng vào tháng 6/2007.
Nhưng cuối cùng, nỗ lực hết sức của ông vẫn chưa đủ. Ông tuyên bố rời nhiệm sở sớm hơn ba năm - thời gian chỉ vừa hơn James Callaghan, thủ tướng cuối cùng của Công đảng được bổ nhiệm mà không chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử. Ít người biết lần đần đầu tiên ông Brown đặt cả tâm trí vào công việc này là khi nào.
Nhưng kể khi ông trúng cử vào quốc hội năm 1983, nhiều người đã lờ mờ nhận thấy rằng, Số 10 chính là đích đến của ông. Ông thăng tiến một cách nhanh chóng, cùng với người bạn là Tony Blair gia sức thúc đẩy bộ máy nội các lập sẵn bởi Neil Kinnock.
Tuy nhiên, khi Kinnock thay thế vị trí của John Smith (do qua đời đột ngột) năm 1994, không phải ông mà là Blair lại đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Công đảng.
Thỏa thuận với Blair
Ông Brown chấp thuận đứng sang bên nhưng chi tiết một bản thỏa thuận đầy ám ảnh vẫn được nhiều người nhắc tới. Trong nội các chính phủ, ở cương vị Bộ trưởng Tài chính, ông Brown đem lại cho Ngân hàng Anh sự độc lập nhất định và ban đầu đã giành được sự yêu mến của người dân khi duy trì tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ lạm phát thấp. Ông nắm giữ quyền kiểm soát những lĩnh vực lớn hơn trong chính sách nội địa, làm các đồng minh của Tony Blair phải vỡ mộng. Ông tái tạo lại hệ thống thuế và phúc lợi.
Sau 10 năm chờ đợi, Brown sung sướng rời Bộ Tài chính để tới phố Downing mùa hè năm 2007 với cam kết thay đổi và phục hồi lòng tin trong chính phủ.
Quan hệ giữa ông Brown và Tony Blair là điều quyết định với chính phủ Công đảng (Ảnh Getty Images) |
Được cổ vũ bởi tỉ lệ ủng hộ cao, sự lạc quan của các cộng sự, ông còn thích "tiêu khiển" với quyết định đột ngột kêu gọi tổ chức bầu cử mùa hè 2007, tuy nhiên sau đó ông ngập ngừng và cuối cùng thì hủy bỏ. Những người đối lập chỉ trích ông dao động và tỉ lệ ủng hộ ông bắt đầu sụt giảm.
Đảng do ông dẫn đầu mất dần vị trí trong các cuộc bầu cử - từ thị trưởng London, đến các thành phố lớn ở Anh, xứ Wales, và các cuộc bầu cử phụ tại Crewe và Glasgow. Ông đưa ra một quyết định về thuế và nhận lại sự phản đối mạnh mẽ khiến chính ông sau này phải thừa nhận đó là sai lầm.
Thách thức tài chính
Rồi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Nói một cách khác, những điều tiếng của ông trong năng lực kihn tế bắt đầu khiến người ta hoài nghi. Northern Rock là một ngân hàng lớn của Anh trải qua cú sốc đầu tiên. Có nhiều câu hỏi về sự điều chỉnh trong tài chính, về việc ông cho phép mức độ thiếu hụt tài chính ngày một lớn.
Những cũng có những tán dương về cách mà ông và Bộ trưởng Tài chính Alistair Darling đối phó với cuộc khủng hoảng như tái sắp xếp cơ cấu vốn ngân hàng, nhất trí gói kích thích kinh tế theo con đường của nhiều nước.
Giữa tất cả những điều ấy, ông Brown đã mang Peter Mandelson ra để tăng cường cho đội ngũ của mình, một đội ngũ bị chao đảo vì vụ bê bối mà nhân vật trung tâm chính là cố vấn thân cận nhất Damian McBride của ông. Quan chức cao cấp tại phố Downing này đã buộc phải từ chức sau khi bị tiết lộ nhiều dữ liệu do chính ông ta "sưu tầm" về cuộc sống riêng tư của các thủ lĩnh đảng Bảo thủ, mục đích chính là để bôi nhọ đảng phái đối lập hàng đầu này tại Anh.
Việc Damian McBride sử dụng những "công nghệ PR bẩn" lần này lại bất ngờ trở thành đòn "gậy ông đập lưng ông" giáng vào uy tín của Công đảng cầm quyền mà giới phân tích từng đánh giá có khả năng sẽ thất bại trước đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Quốc hội 2010.
Và mùa hè năm ngoái, khi dân Anh tức giận với bê bối chi tiêu của các nghị sĩ Anh, phản ứng của ông Brown lại chậm chạp hơn nhiều so với các đối thủ.
Khủng hoảng lãnh đạo
Ông Brown luôn luôn bị chỉ trích ngay trong Công đảng và vào mùa hè 2008, thậm chí đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về khả năng lãnh đạo đầu tiên khi một số bộ trưởng và nghị sĩ công khai đề nghị ông từ chức.
Mùa hè 2009, ông trải qua sự xáo trộn cực lớn khi hàng loạt thành viên nội các từ chức - Hazel Blears, Jacqui Smith và cả James Purnell ra đi vào đúng lúc một cuộc bỏ phiếu kết thúc tại các điểm bầu cử địa phương châu Âu và Công đảng chỉ đứng thứ ba với 16% phiếu bầu.
Sau tất cả, ông vẫn trụ lại. Vào tháng 1 năm nay, hai cựu bộ trưởng Nội các là Patricia Hewitt và Geoff Hoon - đã kêu gọi một cuộc bầu cử lãnh đạo mới để giải quyết vị thế của Brown theo cách "một lần cho tất cả".
Cuộc vận động tranh cử đang diễn ra, thì ông gặp người phụ nữ có tên là Gillian Duffy, đã nghỉ hưu đến từ Rochdale. Lãnh đạo Công đảng khi đó đã có cuộc thảo luận với bà Duffy về khoản nợ của Anh, về thuế và chính sách nhập cư. Sau đó, ông Brown lên xe và rời đi. Nhưng không may lúc đó ông vẫn đeo radio micro, khiến phát thanh viên có thể nghe trọn đoạn hội thoại của ông với một trợ lý. “Thật kinh khủng”, ông Brown nói về cuộc gặp gỡ. “Đừng bao giờ để tôi gặp người phụ nữ đó – Đấy là ý tưởng của ai thế?”, ông hỏi. “Bà ta là kiểu phụ nữ mù quáng”.
"Mù quáng" đã được ghi lại, và phát lại cho ông trong một cuộc phỏng vấn. Mặt ông cắt không còn giọt máu, ông giơ tay ôm đầu. Brown đã tới tận nhà của người phụ nữ về hưu để xin lỗi, nhưng tổn thất hình ảnh không bao giờ lấy lại được.
Ông bước vào cuộc bầu cử với niềm tin rằng, sự vững vàng và kinh nghiệm của mình sẽ đánh bại mọi mong muốn, kêu gọi đổi mới. Ở thời khắc cuối cùng, niềm tin ấy, sự vững vàng ấy, đã không đủ...
-
Kỳ Thư (Theo BBC)