Người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã từ chối chấm dứt việc chiếm giữ một khu trung tâm của Bangkok trong hai tháng qua.
Tin bài mới |
---|
Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban (Ảnh AP) |
Họ tuyên bố không từ bỏ trừ khi phó Thủ tướng nước này “nộp mình” với cảnh sát để đối mặt với những cáo buộc về vai trò của ông trong một chiến dịch đối phó với người biểu tình gây chết người.
Phe Áo đỏ - những thành viên tin rằng chính phủ hiện tại ở Thái nắm quyền lực một cách bất hợp pháp và yêu cầu cuộc bầu cử mới – đã nhất trí về nguyên tắc những đề xuất mà Thủ tướng Thái Lan đưa ra trong đó có tổ chức tuyển cử vào tháng 11. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban trả lời về những cái chết trong vụ đụng độ giữa người biểu tình và quân đội hồi tháng 4.
Ông Suthep đã gặp các nhân viên điều tra tội phạm vào sáng nay (11/5) tại Cơ quan Điều tra Đặc biệt (DSI) để nghe về những đơn kiện chống lại ông một ngày trước đó do đại diện áo đỏ đưa ra.
"Tôi sẵn sàng bắt đầu tiến trình luật pháp”, ông Suthep nói với báo giới. “Không phải vì yêu cầu của người biểu tình, mà vì tôi tôn trọng pháp luật”.
Tuy nhiên, lãnh đạo người biểu tình đã bác bỏ hành động của ông Suthep khi coi đây là sự vô nghĩa vì cơ quan trên là một phần Trung tâm Giải quyết Tình trạng Khẩn cấp của chính phủ.
Thay vào đó, họ yêu cầu phó Thủ tướng Thái Lan trình diện với cảnh sát quốc gia tại Đơn vị chống Tội phạm - được coi là có sự “đồng cảm” nhiều hơn với người biểu tình. "Chính phủ không nên cố gắng lừa dối chúng tôi”, Weng Tojirakarn, lãnh đạo phe Áo đỏ nói. “Phụ trách DSI là cấp dưới của Suthep. Chừng nào ông ấy ra trước pháp luật, chúng tôi sẽ chấm dứt biểu tình”, Weng nhấn mạnh.
Phe Áo đỏ còn yêu cầu cả Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đối mặt với khả năng cáo buộc vì bạo lực bao gồm ba vụ đụng độ khiến 29 người thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương. Chưa có cáo buộc tội phạm nào được đưa ra chống lại ông Abhisit cũng như Suthep - người đứng đầu an ninh chính phủ chịu trách nhiệm phản ứng với người biểu tình bắt đầu từ 12/3.
Cuộc biểu tình kéo dài hai tháng đã làm tê liệt trung tâm Bangkok – nơi tập trung các khu mua sắm và khách sạn, gây tổn thất kinh tế nhiều triệu USD, làm điêu đứng công nghiệp du lịch.
Hơn 20 lãnh đạo phe áo đỏ đã chịu nhiều cáo buộc từ vi phạm quy định tình trạng khẩn cấp đến vi phạm yêu cầu sử dụng vũ khí và tấn công quan chức chính phủ. Tội nghiêm trọng nhất liên quan tới làm ngừng trệ, phá vỡ dịch vụ vận tải công cộng, cơ sở hạ tầng, giao thông liên lạc nếu bị kết án có thể phải chịu 20 năm tù và nộp phạt 1 triệu baht (31.000 USD). Chưa ai bị bắt giữ tới thời điểm này.
Phe Áo đỏ còn yêu cầu kênh truyền hình của họ được phép hoạt động trở lại. Chính phủ Thái Lan đã đóng cửa kênh vệ tinh này cùng hàng chục trang web vì cho rằng chúng kích động thù hận trong nước.
-
Kỳ Thư (Theo AP)