Trong bối cảnh cân bằng quyền lực tại châu Á sẽ được định hình bằng các sự kiện ở rìa Ấn Độ Dương cũng như Đông Á, Tokyo muốn tăng cường mối quan hệ với New Delhi nhằm thúc đẩy ổn định, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng tại châu Á.
Thủ tướng Nhật Hatoyama gặp Thủ tướng Ấn Độ Singh. (Ảnh: AP)
Thực chất Nhật Bản và Ấn Độ đã là đồng minh tự nhiên của nhau, vì không chỉ chia sẻ các mục tiêu chung nhằm xây dựng cơ chế hợp tác và ổn định tại châu Á, cả hai nước không có bất cứ xung đột lợi ích nào. Hơn nữa, giữa Nhật Bản và Ấn Độ không tồn tại các di sản xấu của lịch sử hay những vấn đề chính trị chưa được giải quyết, hình ảnh 2 nước đều được đánh giá rất cao trong lòng nhân dân mỗi bên.
Chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối năm 2009 của Thủ tướng Hatoyama, với mục đích thực hiện cam kết song phương về việc duy trì cuộc họp thượng đỉnh hàng năm, thể hiện mong muốn của vị tân thủ tướng trong việc theo đuổi ưu tiên dính líu chặt chẽ hơn với cường quốc Nam Á, vốn đã được 4 vị lãnh đạo tiền nhiệm thực hiện đầy đủ.
Rời xa Mỹ và xích lại gần Ấn Độ
Tuy nhiên, việc cam kết sẽ tái định hướng chính sách đối ngoại của Nhật và tìm kiếm mối quan hệ “cân bằng” với Mỹ, mà không đề cập nhiều tới Ấn Độ của thủ tướng Hatoyama cũng như Đảng Dân chủ Nhật Bản có thể sẽ dẫn tới sự “dè chừng” từ đồng minh tự nhiên này.
Hôm 30/12, Tokyo đã gửi tín hiệu tới Washington rằng Nhật không thể tiếp tục là một người phục vụ trung thành cho các chính sách của Mỹ bằng quyết định xem xét lại Hiệp ước 2006 và tuyên bố chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương. Giờ đây, Nhật không được xem là một nhân tố bất biến trong chính sách châu Á của Mỹ.
Điều này còn được thể hiện rõ ràng hơn khi Thủ tướng Hatoyama ra lệnh điều tra các hiệp định bí mật của chính phủ tiền nhiệm với Mỹ, liên quan tới một vấn đề hết sức nhạy cảm với đất nước là nạn nhân duy nhất của vũ khí nguyên tử, là cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện diện trên lãnh thổ nước Nhật.
Ngược lại với việc “tái định hướng” chính sách với Mỹ, New Delhi cần nhìn nhận chuyến thăm của ông Hatoyama là dấu hiệu tiếp nối chính sách với Ấn Độ của chính quyền mới. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy khi châu Á đang trong quá trình chuyển giao, với nguy cơ tiềm ẩn về mất cân bằng quyền lực đang ngày càng lan rộng, Tokyo mong muốn liên kết chặt chẽ hơn với Ấn Độ về mặt chiến lược và kinh tế.
Đối trọng với Trung Quốc
Là nước châu Á đầu tiên thành công trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, Nhật Bản luôn là tấm gương sáng cho các nền kinh tế khác trong khu vực. Nhờ vậy, sau gần 2 thế kỷ tụt hậu, châu Á đang quay lại trường quốc tế với sự nổi lên của các nền kinh tế mới và đặc biệt là dấu ấn của “rồng” Trung Quốc và “hổ” Ấn Độ.
Tuy nhiên, điều ít được dự đoán nhất tại châu Á trong thế kỷ mới chính là sự nổi lên về mặt chính trị của Nhật Bản, vốn đã được thủ tướng Koizumi “nhấn nút khởi động” và được trông chờ sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ dưới thời thủ tướng Hatoyama.
Khao khát trở thành cường quốc chính trị của Nhật càng trở nên mạnh mẽ trong bối cảnh vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ rơi vào tay Trung Quốc trong năm 2010. Thách thức từ Trung Quốc có thể đã đẩy Nhật vào việc tăng cường liên minh quân sự với Mỹ. Song về mặt dài hạn, Nhật Bản lại muốn hướng tới một vị thế an ninh độc lập hơn và Ấn Độ chính là đồng minh “sáng giá”để Nhật thực hiện chiến lược này.
Đối tác chiến lược toàn cầu
Mặc dù không có sự tương đồng về mặt kinh tế, Ấn Độ và Nhật Bản lại có rất nhiều điểm chung về mặt chính trị. Hai quốc gia đều là những nền dân chủ với nền chính trị luôn bất ổn và các vụ bê bối tại địa phương, cũng như thực trạng thủ tướng không phải là chính trị gia quyền lực nhất trong Đảng cầm quyền. Hơn nữa, trong khi Ấn Độ lựa chọn sự thay đổi từ chính sách không liên kết tới chủ nghĩa địa chính trị thực dụng, Nhật Bản đang dần tiến bước trên con đường chủ nghĩa hiện thực rõ nét, thể hiện trong các chính sách đối ngoại và kinh tế của mình.
Tính tương đồng ngày càng tăng trong quan hệ giữa hai nước về các lợi ích chiến lược đã dẫn tới hiệp định an ninh Ấn - Nhật 2008, một dấu mốc đầy ý nghĩa trong việc xây dựng sự cân bằng quyền lực tại châu Á. Việc các cường quốc khu vực liên kết với nhau qua các mối quan hệ hợp tác chiến lược và chia sẻ lợi ích chung đang ngày càng trở nên quan trọng nhằm đảm bảo ổn định tại thời điểm những chuyển dịch lớn về quyền lực chính trị và kinh tế đang làm gia tăng những thách thức an ninh châu Á.
Hiệp định an ninh Ấn - Nhật, được ký kết khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới thăm Tokyo hồi tháng 10/2008, được dựa theo mô hình Hiệp ước phòng thủ Úc - Nhật tháng 3/2007, và không khác nhiều Hiệp ước Úc - Ấn, được ký kết khi Thủ tướng Úc Kevin Rudd tới thăm New Delhi vào tháng trước.
Các chuyến thăm song phương của giới chức quân sự góp phần củng cố nội dung chiến lược trong “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu”, đưa ra hồi năm 2006. Không chỉ có vậy, hai nước còn đang hợp tác trong các sáng kiến chung về an ninh hàng hải, chống chủ nghĩa khủng bố, chống phổ biến vũ khí, quản lý thảm họa và an ninh năng lượng. Trong khi Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác về tên lửa phòng thủ với Israel thì Nhật Bản cũng nắm giữ một mối quan hệ tương tự với Mỹ. Tuy nhiên, hai nước nên hợp tác trực tiếp nhằm phát triển một hệ thống phòng thủ chung.
Khi cả hai nước đều đang rất muốn giành được ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, việc hợp tác để thuyết phục những cường quốc đang nắm giữ quyền phủ quyết cho phép tiến hành cải tổ tại cơ chế an ninh quan trọng nhất thế giới này là cần thiết. Không những thế, cả hai nước cần phải thuyết phục Trung Quốc rằng hòa bình và ổn định tại châu Á sẽ được đảm bảo tốt hơn nếu cả ba cường quốc châu Á đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chưa bao giờ trong lịch sử, cả ba nước Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ đều mạnh như hiện nay. Vì vậy, cả ba nước cần phải tìm ra phương cách thống nhất những lợi ích của mình tại châu Á để họ có thể cùng tồn tại hòa bình và thịnh vượng.
-
Trang Anh (theo Japan Times)