221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1254941
Việt Nam điều chỉnh "vai chính" trên thị trường xuất khẩu
0
Article
null
Việt Nam điều chỉnh 'vai chính' trên thị trường xuất khẩu
,

Việt Nam chịu tác động của xu thế lên và xuống toàn cầu hơn nhiều quốc gia khác. Đóng một vai trò tương đối mới trong kinh tế toàn cầu, Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng đầu tư và thu hút sự chú ý của phương Tây vào những năm 1990 và đầu thập niên này.  

a
Một số công ty may mặc vẫn trụ vững trong bối cảnh sụt giảm nhờ sản xuất những sản phẩm chuyên dụng. (Ảnh: Nytimes)

Lợi ích ấy chỉ sụt giảm khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây tại Mỹ, cách Việt Nam 12.000km.

Chiến lược cạnh tranh của Việt Nam trên vũ đài toàn cầu - tương đối thành công tới thời điểm gần đây - là xâm nhập các thị trường nơi họ có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt như hàng thủ công hay quần áo chuyên dụng mà Trung Quốc không có.

Tuy nhiên, hầu hết ngành công nghiệp xuất khẩu chính của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng tiêu thụ hàng sang Mỹ. Năm 2009, Mỹ là nhà nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Việt Nam, chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu.

Các công ty đồ gỗ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng đơn hàng sau khi doanh thu bán nhà mới ở Mỹ lao dốc vì suy thoái. "Nhiều nhà máy sản xuất nhỏ đã trải qua thời kỳ rất, rất khó khăn", Michael Gunther, quản lý nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Honai Furniture nói. Nhà máy với khoảng 900 nhân công, cách thành phố Hồ Chí Minh 32km, sản xuất nhiều mặt hàng đa dạng từ nội thất phòng ngủ đến đồ mỹ nghệ trang trí.

Khoảng 20-25 sản phẩm của Honai là xuất khẩu sang Mỹ, phần còn lại xuất khẩu sang những nước khác trên thế giới, đặc biệt là châu Âu. Theo ông Gunther, công ty chưa từng phải ngừng sản xuất, thậm chí trong bối cảnh nhiều đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn đã phải ra khỏi ngành kinh doanh này. Đây chính là xu thế khiến Honai ít nhất tự mình tồn tại.

“Khách hàng của chúng tôi đều yêu cầu chúng tôi gia tăng sản lượng, nhưng chúng tôi không thể vì đã hoạt động hết công suất", ông nói.

Tác động từ khủng hoảng

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,6% trong chín tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2008, một phần là nhờ chính phủ đã áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi một quốc gia phát triển như Mỹ sẽ vui vẻ với mức tăng trưởng như vậy, thì Việt Nam lại đặt ra mục tiêu lớn hơn. Vài năm gần đây, Việt Nam đã có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 7%.

Cùng thời gian này, Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu Việt Nam giảm 13,8% so với giai đoạn 2008, WB cho biết.

Mặc dù mức độ sụt giảm này thấp hơn hầu hết các nước đang phát triển khác, nhưng nó cũng khiến 2009 trở thành năm đầu tiên xuất khẩu giảm kể từ khi đất nước này tiến hành công cuộc cải cách kinh tế, WB đánh giá.

Sụt giảm đã tác động đáng kể tới tăng trưởng của Việt Nam - một trong những nền kinh tế xuất khẩu mới của thế giới. So với các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, Việt Nam vẫn còn ít kinh nghiệm với toàn cầu hóa.

Nhiều thập niên sau chiến tranh, kinh tế Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp. Tới khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại năm 1994, Việt Nam vẫn là một "vai phụ" trong thị trường xuất khẩu. Thậm chí vài năm sau, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam mới bắt đầu có tính cạnh tranh.

Để đối phó với nước xuất khẩu ồ ạt như Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất Việt Nam đã cố trông chờ vào những ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng tinh xảo, chuyên dụng hơn là cạnh tranh về giá hay nhân công rẻ.

Công ty Dai Viet Garment Ltd., tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có thể vững vàng trong ngành kinh doanh nhờ sản xuất hàng chuyên dụng (áo dài thắt ngang lưng cho đàn ông) chủ yếu xuất sang thị trường Ảrập Xêút và Trung Đông.

Nhờ nhu cầu tương đối ổn định, mà công ty đã giữ vững lực lượng lao động gồm 500 nhân công trực tiếp và khoảng 300 nhân công qua các nhà thầu phụ.

Lạc quan phục hồi

Nhiều chủ lao động cho hay, chi phí nhân công chiếm khoảng 20-30% giá thành sản xuất, nên việc cắt giảm công nhân, làm việc ngoài giờ hay giảm lương không giúp quá nhiều trong khả năng đương đầu với tình trạng nhu cầu sụt giảm. Thêm vào đó, mạng lưới vận chuyển phát triển nở rộ ở Trung Quốc có thể đặt Việt Nam vào thế bất lợi.

“Những gì tạo ra khác biệt là giá nhân công và thời gian phân phát", ông Diệp Thành Kiệt, Chủ tịch Dai Viet Garment nhấn mạnh.

Khi thị trường du lịch của Việt Nam tăng trưởng, đã thu hút được du khách từ nhiều quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á và những nơi khác, các nhà sản xuất đồ gỗ như Sadaco đã chuyển sang cung cấp sản phẩm riêng cho ngành này.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Sadaco, cho hay, ông cũng hướng với việc đa dạng khách hàng bằng cách tìm kiếm khách hàng ở Trung Quốc và những khu vực đang phát triển của Việt Nam như thành phố Đà Lạt, nơi các biệt thự mới được xây dựng không ngừng. Tuy nhiên, thị trường địa phương không thể thay thế tiềm năng khổng lồ của nhà tiêu dùng toàn cầu.

“Thị trường địa phương vẫn rất nhỏ so với thị trường Mỹ và tổng thể xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù không nhiều như giai đoạn trước khủng hoảng", Frederick R. Burke, luật sư điều hành Công ty Baker & McKenzie, nhà tư vấn xuất khẩu, nói.

Rất nhiều nhà kinh tế học đã lạc quan rằng, sự phục hồi toàn cầu sẽ giúp Việt Nam trở lại con đường tăng trưởng. “Chính phủ đang học hỏi từ những kinh nghiệm”, V. Bruce J. Tolentino, kinh tế trưởng của Asia Foundation, một nhóm phi lợi nhuận tại San Francisco, nói. “Họ rất thực tế, và chính sự thực tế ấy đang giúp ích cho họ".

  • Kỳ Thư (Theo Nytimes)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,