221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1253461
Biến đổi khí hậu: bao giờ thì hết "khởi đầu"?
1
Article
null
Biến đổi khí hậu: bao giờ thì hết 'khởi đầu'?
,

 – Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở Copenhagen trong bối cảnh các tranh luận gay gắt nổ ra giữa các nước về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu..

a

Hội nghị khí hậu LHQ kết thúc mà không đạt được nhiều điều đáng kể một cách thực tế. Ảnh: Wordpress.

 

Thực ra chủ đề này không hề mới. Ngay từ cuối những năm 1960, nhà sinh thái học người Mỹ là Garrett Hardin đã nêu khái niệm “Bi kịch cha chung không ai khóc” (Tragedy of the Commons). Theo đó, mỗi thành viên trong cộng đồng hành động độc lập theo lý trí nhằm phục vụ lợi ích cục bộ có thể tối đa hóa lợi ích đó trong ngắn hạn nhưng sẽ làm cạn kiệt tài sản chung. Kết quả là trong dài hạn, lợi ích của mỗi thành viên trong cộng đồng đều bị xâm hại khi mà nguồn tài nguyên/tài sản chung đó đã bị cạn kiệt hay hủy hoại.

Dễ dàng nhận thấy chủ đề môi trường và khí hậu đang ở trong một “Bi kịch cha chung không ai khóc” khi các nước trên thế giới đã và đang khai thác, nhiều khi là tàn phá, môi trường để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà không chú ý đến những tác động lâu dài lên khí hậu, lên môi trường sống của chính con người. Khi tài nguyên môi trường bị cạn kiệt, khi mà khí hậu bị biến đổi thì con người sẽ phải trả giá. Cái giá phải trả không chỉ gói gọn ở việc dâng cao của mực nước biển, ở lũ lụt và hạn hán mà còn tác động tới nhiều khía cạnh khác của đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội…

Đơn cử một ví dụ là về tác động của biến đổi khí hậu và sự hủy hoại môi trường sống đối với cuộc chiến chống khủng bố. Có thể khẳng định cuộc chiến chống khủng bố sẽ căng thẳng hơn khi mà sự tàn phá môi trường và biến đổi khí hậu dẫn tới hậu quả là sự gia tăng khoảng cách giàu – nghèo. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố, cực đoan tuyên truyền, khai thác và tuyển mộ thành viên tương lai cho tổ chức mình.

Trở lại với Hội nghị Copenhagen, dễ dàng nhận thấy việc giải quyết tấn “bi kịch cha chung không ai khóc” của nhân loại còn gặp quá nhiều trở ngại và mâu thuẫn giữa các nước mặc dù hầu như không ai phủ nhận việc cần thiết có một giải pháp để giải quyết vấn đề. Trong khi nhóm các nước đang phát triển (nhóm G-77) cáo buộc các nước phát triển đang tìm cách thay thế Nghị định thư Kyoto bằng một thỏa thuận mới với nhiều ràng buộc hơn thì các nước đang phát triển cũng “phản pháo” khi nhấn mạnh Nghị định thư Kyoto không đáp ứng được nhu cầu khi chưa bao gồm Mỹ và chưa có ràng buộc nào với các nền kinh tế đang lên như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Nước Mỹ đem đến Hội nghị lời đề xuất cắt giảm 17% lượng khí thải so với năm 2005 (hay 4% so với mức năm 1990). Mặc dù được kêu gọi nâng mức cam kết cắt giảm khí thải nhưng khả năng Mỹ thực thi điều này là mong manh khi vẫn còn có quá nhiều lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực lên sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc chưa phải chịu sự ràng buộc và trách nhiệm cắt giảm khí thải nào (dưới các qui định của Nghị định thư Kyoto).

Ở phía bên kia, các nước đang phát triển cũng không chịu nhượng bộ trong vấn đề cắt giảm lượng khí thải khi mà Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục lên kế hoạch đẩy mạnh phát triển, qua đó trực tiếp tăng cường lượng khí thải độc hại ra môi trường. Đáp lại các lời kêu gọi cắt giảm lượng khí thải từ các nước, Trung Quốc cũng không hề “lay động” mà thẳng thừng tuyên bố mức độ cắt giảm khí thải của nước này sẽ được tính toán trên các cơ sở “khoa học, hợp lý”, không phụ thuộc vào các quốc gia khác, cũng như ‘không phải vấn đề đem ra đàm phán”, dội thẳng một gáo nước lạnh vào lời yêu cầu của các nước tham gia hội nghị.

Biểu tình bên ngoài trung tâm hội nghị ở Copenhagen. Ảnh: AP

 

Đây là một thực tiễn đáng buồn tại các hội nghị về môi trường, dường như đối với bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, họ sẵn sàng và nhiệt tình kêu gọi các nước khác cắt giảm khí thải trong khi bản thân mình lại không mấy mặn mà, nếu không muốn nói là thường xuyên tìm cách né tránh. Ngoài ra, bản thân chủ đề thảo luận của hội nghị lần này cũng đã bị biến dạng và méo mó đáng kể. Với việc các quốc gia tập trung quá nhiều về lợi ích kinh tế của mình, Hội nghị Copenhagen dường như đã trở thành địa điểm để các nước bảo vệ cho chính sách phát triển kinh tế của mình chứ không còn đơn thuần là diễn đàn bàn về “Biến đổi khí hậu toàn cầu nữa”.

Trên đây mới chỉ là một vài trong số vô vàn các vấn đề mà Hội nghị Copenhagen lần này gặp phải. Song cũng chỉ từng đó lí do là đủ để người ta tin rằng hội nghị lần này sẽ khó thành công, ngay từ khi nó mới chỉ bắt đầu từ 2 tuần trước. Và thực tiễn đã cho thấy rằng, kết quả của hội nghị lần này đã “không phụ lòng” những dự đoán trên của các chuyên gia.

Không ký kết, không ràng buộc, không thỏa thuận nào đáng kể, đó là tất cả những gì có được sau hơn 14 ngày họp tại Trung tâm Belle, Copenhagen. “Hiệp định Copenhagen” do Mỹ khởi xướng có lẽ là văn bản đáng chú ý nhất song ngay cả bản hiệp định này cũng có quá nhiều điều phải phàn nàn. Thứ nhất, hiệp định này không hề đi kèm ràng buộc về mặt pháp lý, nó thậm chí còn không có thời hạn cụ thể để chuyển đổi văn bản này thành các thỏa thuận mang tính bắt buộc thực hiện. Thứ hai, với việc 193 quốc gia Liên Hợp Quốc mới chỉ “nhìn nhận” chứ chưa “chấp thuận”, Hiệp định Copenhagen đã thiếu đi đáng kể sự ủng hộ cần thiết để có thể đem lại một hiệu lực nhất định nào đó. Với quá nhiều hạn chế như trên, có lẽ đi sâu tìm hiểu nội dung của hiệp định cũng chẳng còn cần thiết nữa..

Bất chấp việc Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki Moon gọi Copenhagen 2009 là một “sự khởi đầu đặc biệt” cho hoạt động bảo vệ môi trường toàn cầu, nếu được phép dùng một từ miêu tả kết quả hội nghị lần này, tôi sẽ dùng từ “khiêm tốn” cho phù hợp với các thông lệ ngoại giao còn nếu phải nói thẳng thừng, tôi sẽ dùng “thất bại” hoặc “thất vọng”, nếu không còn từ nào tệ hơn nữa. Xin chân thành cáo lỗi với ngài Ban-Ki Moon nhưng chúng tôi đã quá chán nản với các “sự khởi đầu “rồi.

  • Sơn Tùng - Huy Trung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,