Ngày hôm qua, hàng nghìn người Nhật đã tụ tập trên hòn đảo miền nam Okinawa để đòi căn cứ hải quân của Mỹ phải được di dời khỏi khu vực này, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày trước chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barrack Obama.
Những căng thẳng về việc di chuyển căn cứ không quân Futenma đang đe dọa làm chậm lại quá trình tổ chức lại 47.000 nhân viên quân sự Mỹ tại Nhật Bản và làm xấu đi mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, điều được 2 bên coi là nòng cốt của an ninh khu vực trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và một Triều Tiên hạt nhân.
Người biểu tình tụ tập phản đối căn cứ Mỹ ở Ginowan (Ảnh: The Independent)
Điều này cũng sẽ khiến Yukio Hatoyama phải đau đầu, khi tỷ lệ ủng hộ ông đang giảm kể từ khi ông thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 8.
Yoichi Iha, thị trưởng thành phố Ginowan, nói trước đám đông ủng hộ đổ ra bên ngoài một nhà hát bên bờ biển: "Tương lai của Okinawa là do chúng ta, những người dân Okinawa quyết định. Chúng ta không thể để người Mỹ quyết định thay chúng ta".
Những người tổ chức biểu tình đã thu hút được tới 21.000 người tham gia.
Theo thỏa thuận Mỹ-Nhật năm 2006, căn cứ hải quân Futenma tại trung tâm thành phố Ginowan sẽ bị đóng cửa và thay bằng một căn cứ được xây dựng trên một phần trên khu đất hoang ở Henoko, vùng xa hơn của hòn đảo, vào năm 2014.
Thỏa thuận này là một phần của kế hoạch tổ chức lại quân đội Mỹ và giảm bớt gánh nặng lên Okinawa bằng việc di chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ tới Guam.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thúc giục Nhật đồng ý kế hoạch trước chuyến thăm của Obama, được dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 12/11.
Hatoyama, người cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ, nói trong cuộc tranh cử rằng căn cứ này sẽ bị di dời hoàn toàn khỏi hòn đảo này.
Quan điểm này đã được 70% số người sống ở Okinawa ủng hộ trong cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành tháng này trên tờ báo Mainichi.
Okinawa, bị Mỹ kiểm soát cho tới năm 1972, chỉ chiếm 0,6% diện tích đất của Nhật Bản, nhưng là nơi đóng quân của khoảng 1/2 số lính Mỹ tại nước này. Những người sống quanh các căn cứ này thường phàn nàn về sự mất trật tự, tội phạm, ô nhiễm và các vụ tai nạn.
Hiroshi Ashitomi, người vận động phản đối căn cứ này đã nhiều năm nay nói: "Đây là một nơi tuyệt vời. Chẳng có nghĩa gì khi xây dựng nó ở đây cả".
Hatoyama nói rằng ông cần thời gian để xem xét lại kế hoạch về căn cứ quân sự hiện tại, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật lại có vẻ đã đồng ý với thỏa thuận hiện tại.
- Đình Ngân (Theo The Independent)