Ông Obama cần đi xa hơn những mục tiêu thông thường khi nói chuyện với giới lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm lần đầu tiên tới nước này.
Tổng thống Obama (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại London hồi đầu năm nay. (Ảnh: Reuters) |
Khi Nhà Trắng chuẩn bị cho chuyến công du của ông Obama tới Trung Quốc, họ đứng trước hai khả năng về việc chuyến thăm sẽ đạt được điều gì.
Thứ nhất là tuân theo quy trình thủ tục thông thường nhưng an toàn, có nghĩa là đưa ra một danh sách dài, đôi khi là quá cồng kềnh, những mục tiêu chính sách, những điều mà Trung Quốc có hoặc không thể nhận thấy phù hợp lợi ích của mình.
Danh sách này bao gồm những chủ đề quan trọng như môi trường, năng lượng và tiền tệ. Đưa ra những vấn đề này ở cấp tổng thống sẽ có thể giúp dẫn đến những tiến bộ đáng kể, nhưng những chủ đề này cũng có thể đạt được tiến bộ thông qua cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược ở cấp bộ trưởng.
Tổng thống Obama đang ở vị trí hiếm có để có thể phá vỡ khuôn mẫu của một cuộc thượng đỉnh cấp nguyên thủ. Đó chính là cách tiếp cận thứ hai. Có ba vấn đề có thể nêu ra mà nếu thực hiện được thì sẽ định hình lại được quan hệ Trung - Mỹ và giải quyết những thử thách nghiêm trọng mà hai nước đang phải đối mặt.
Thứ nhất, thiết lập một cơ chế giữa lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. Trung Quốc là nước hỗ trợ quan trọng nhất của Pakistan bởi vì sự gần gũi về địa lý và cũng bởi Trung Quốc coi Pakistan như một đối trọng với Ấn Độ.
Chính sách hợp tác và hỗ trợ cho Pakistan sẽ mang lại kết quả xứng đáng cho cả 3 quốc gia. Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc là hòa hợp ở Pakistan: tiêu diệt hoạt động cực đoan, ổn định giới lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi Pakistan và Afghanistan vẫn là những thử thách lớn nhất đối chính chính sách của Mỹ, một chính sách kết nối Afghanistan và Pakistan lại không phù hợp với Trung Quốc, bởi vì hai nước này mang hai ý nghĩa khác nhau với Bắc Kinh và Washington.
Đối với Trung Quốc, Pakistan có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và địa chiến lược. Còn Afghanistan chủ yếu mang ý nghĩa kinh tế và một chút giá trị chiến lược.
Nước Mỹ nên nói rõ rằng họ không muốn xóa bỏ ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Islamabad, thay vào đó một cách tiếp cận ba bên sẽ giúp chia sẻ lợi ích và mang lại nhiều kết quả khả quan hơn ở Pakistan.
Thứ hai là đẩy nhanh tiến trình khai mỏ ở Khu dự trữ đồng Aynak ở Afghanistan, nơi tập đoàn quốc doanh China Metallurgical Group của Trung Quốc đang được quyền khai thác trong khi các nhà chức trách Afghanistan lại muốn bảo vệ mỏ đồng này.
Aynak nằm cách phía đông bắc Kabul khoảng 20 dặm và đó là một trong những mỏ đồng chưa được khai thác lớn nhất thế giới.
Với hợp đồng trị giá gần 3 tỷ USD, bao gồm cả việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở tỉnh Logar, tỉnh có mỏ Aynak và được người Afghanistan coi là "cửa ngõ đối với phong trào thánh chiến hồi giáo", hợp đồng này sẽ mở ra cơ hội phát triển cho khu vực quan trọng này.
Một bước đột phá tại Aynak với sự hiện diện của quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ mang ý nghĩa biểu tượng lớn. Hơn nữa, Trung Quốc có đủ tiền để phát triển những vùng đất ở khu vực cấm này. Bất cứ một bước tiến nào có thể tạo ra việc làm để gia tăng ổn định sẽ có những tác động tốt trong cộng đồng ở khu vực.
Thứ ba là ủng hộ Sáng kiến Sanya, một sáng kiến ít người biết nhưng là một chương trình quan trọng kết nối những quan chức quân đội đã nghỉ hưu của Mỹ và Trung Quốc. Cuộc gặp đầu tiên đã được tổ chức năm ngoái ở thành phố nghỉ dưỡng Sanya ở Trung Quốc và năm nay sẽ được tổ chức ở Hawaii, sau đó sẽ đến Washington và New York.
Sáng kiến này quan trọng bởi nó mở ra những kênh thông tin mới. Hơn nữa, về bản chất, nó tạo ra sự minh bạch hơn về hoạt động quân sự và có thể dẫn tới sự hiểu biết nhiều hơn giữa hai phía.
Trong trường hợp diễn ra khủng hoảng, kênh này có thể giá trị hơn nhiều nếu những kênh thông tin chính thức đã bị chặn lại.
Sáng kiến Sanya hiện đang được những tổ chức tư nhân tài trợ. Tuy nhiên, để chương trình thực sự thành công, nó cần sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo của cả Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, việc củng cố mối quan hệ quân sự sẽ có bước tiến, đặc biệt là khi cả hai phía đều đồng ý rằng mối quan hệ quân sự giữa họ hiện chưa xứng tầm.
Mỹ và Trung Quốc nên cố gắng xây dựng và sử dụng những mối liên hệ không chính thức khác trên các vấn đề an ninh. Điều này sẽ cho phép họ thảo luận những chủ đề vốn khó khăn và nhạy cảm trong những kênh chính phủ chính thức.
Ngày nay, mọi người thường nghe điệp khúc rằng Mỹ đang trở thành một vệ tinh kinh tế của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Chuyến đi của ông Obama tới Bắc Kinh sẽ là một cơ hội để đưa mối quan hệ sang một giai đoạn can dự tích cực vào những khu vực có lợi ích chung như: bình ổn Pakistan, thúc đẩy lợi ích quyền lực mềm ở Afghanistan, hợp tác trên những vấn đề an ninh và chia sẻ thách thức ở Đông Á.
Tác giả của bài viết là Mark Brzezinski, đã từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Clinton và Mark Fung, một nghiên cứu sinh tại trung tâm Fairbank của đại học Harvard, là tổng lãnh sự của Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh.
-
Hạnh Khuê (theo NYT)