221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1245872
Châu Á viễn đông trong toan tính của chính quyền Obama
1
Article
null
Châu Á viễn đông trong toan tính của chính quyền Obama
,

 - Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công du tới châu Á. Ảnh Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công du tới châu Á. Ảnh: Reuters

Người ta vẫn còn nhớ tới bài phát biểu của ông tại Cairo về một khởi đầu mới với thế giới Hồi giáo với những lời lẽ mềm mỏng hơn rất nhiều so với cách tiếp cận “không theo ta là chống lại ta” của chính quyền tiền nhiệm. Hiệu quả của cách tiếp cận mới này là chủ đề gây tranh cãi và cần có thời gian để trả lời. Tuy vậy, nó cũng đã phần nào giảm bớt căng thẳng trong quan hệ quốc tế so với thời kỳ cầm quyền của Tổng thống George W. Bush.

Trong bối cảnh đó, quan hệ của nước Mỹ với châu Á viễn đông cũng đã có những sự điều chỉnh nhất định. Giờ đây, người ta nói đến sự “trở lại” của nước Mỹ ở châu Á, nơi mà chính quyền Bush đã sao lãng do phải tập trung trí lực, vật lực cho cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là ở các chiến trường Iraq và Afghanistan.

Sự “trở lại” của nước Mỹ ở châu Á được đánh dấu bằng những cam kết củng cố quan hệ đồng minh với những nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,… Cụ thể hơn nữa là việc Mỹ đã đặt bút ký Hiệp định Hữu nghị và Thân thiện với các nước ASEAN sau nhiều năm trì hoãn. Đây là cơ sở tạo dựng lòng tin và gắn kết nước Mỹ với châu Á nói chung và với các nước ASEAN nói riêng.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã công du tới châu Á để khẳng định sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực này. Sắp tới đây, đích thân Tổng thống Obama cũng sẽ công du châu Á từ ngày 13 tới ngày 19/11/2009. Ông sẽ dừng chân ở Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc

Chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nhằm tăng cường quan hệ đồng minh vốn có, tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của hai nước này cũng như của khu vực. Chuyến công du Nhật Bản sẽ còn đặc biệt có ý nghĩa chiến lược hơn khi gần đây có một số thông tin về chính sách đối ngoại “độc lập” hơn đối với Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama. Chính phủ mới ở Nhật Bản cũng đã có những biểu hiện ủng hộ sáng kiến thiết lập cộng đồng Đông Á, một tập hợp mà Mỹ không phải là thành viên và do đó, không có tiếng nói có trọng lượng.

Kịch bản nguy hiểm nhất, cho dù điều này chưa có khả năng xảy ra trong tương lai gần, là khi Nhật Bản và Trung Quốc bắt tay nhau hình thành liên minh và hoàn toàn gạt Mỹ ra khỏi sân chơi địa chính trị và kinh tế ở châu Á. Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang khiến Washington đau đầu tìm giải pháp cũng là chủ đề mà Tổng thống Obama sẽ đặt lên bàn nghị sự với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, đây cũng là hai nền kinh tế lớn ở khu vực. Muốn duy trì địa vị ở châu Á và cán cân quyền lực ở đây theo hướng có lợi cho Mỹ, dù muốn hay không, chính quyền Obama cũng cần củng cố và thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Singapore

Singapore sẽ là điểm dừng chân thứ 2 của Obama trong chuyến công du 4 nước Châu Á lần này. Trọng tâm của chuyến thăm quốc đảo sư tử này sẽ là Diễn đàn Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong 2 ngày 14-15/11/2009.

Trong suốt thời gian tại vị của chính quyền Bush, APEC ít nhiều đã bị mất đi ý nghĩa của nó với tư cách là một diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và giao thương giữa các nước trong khu vực.

Thực tế, sau sự kiện 11/9 xảy ra, APEC dường như trở thành hội nghị nơi Mỹ lạm bàn về hợp tác chống khủng bố và các dịch bệnh toàn cầu. Mặc dù vậy, đối với các quốc gia thành viên APEC, không phải ai cũng sẵn sàng với hướng đi mới này và do đó, chuyến thăm tới đây của Obama với tư cách là chủ tịch APEC sẽ là cơ hội để đưa Diễn đàn này quay trở lại với quỹ đạo vốn có của mình.

Với dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang diễn ra âm ỉ trong lòng các nước thành viên APEC, đây chưa hẳn đã là lúc thích hợp để nói về tự do hóa thương mại hay tài chính nhưng sẽ là cần thiết để khởi động tiến trình này thay vì để nó nằm yên một chỗ như hiện tại.

Bên cạnh đó, chuyến thăm Singapore lần này cũng đồng thời là cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, bao gồm cả những đồng minh mà đã lâu rôi quốc gia Bắc Mỹ này không đoái hoài tới như Thái Lan, Philippines.

Việc ký Hiệp định Thân thiện và Hợp tác với ASEAN và thay đổi chính sách, cách tiếp cận đối với Myanmar là những bước đi cần thiết nhưng sẽ là chưa đủ nếu cho rằng chỉ với thế, Mỹ có thể lấy lại những gì đã mất trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trong suốt một thập kỷ qua.  

Trung Quốc

Tuy chỉ là trạm dừng chân thứ 3 song Tổng thống Obama đã dành đến 3 trong tổng số 7 ngày trong chuyến công du Châu Á của mình để ghé thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này được đánh giá là cần thiết để nâng tầm quan hệ chính trị giữa 2 nước trong bối cảnh chuyển giao quyền lực ở thượng tầng Trung Quốc đang âm thầm diễn ra, tuy không quá gấp gáp song từ từ và chắc chắn với tương lai là một thế hệ lãnh đạo mới sẽ xuất hiện ở Trung Quốc để thay thế cho các thế hệ cũ.

Nền nhà tại sảnh lễ tân của Trung tâm Hội nghị APEC tại Singapore được lát hình bản đồ khu vực APEC. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, thông qua sự hiện diện của mình ở Trung Quốc, Obama hi vọng sẽ có một cái nhìn chính xác hơn về quốc gia đông dân nhất thế giới này trên cả khía cạnh sức mạnh kinh tế cũng như các thành quả đạt được của tiến trình dân chủ hóa.

Bắc Kinh cũng sẽ là địa điểm lý tưởng để các nhà lãnh đạo 2 nước thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc giữa 2 bên.

Với Trung Quốc, đó là lo ngại của về sự trượt giá của đồng đôla trong tương lai khi mà Mỹ vẫn tiếp tục trung thành với chính sách sử dụng các gói kích cầu.

Còn với Mỹ, vấn đề mà họ muốn nêu lần này có lẽ vẫn không nằm ngoài việc chênh lệch giá trị thương mại lớn giữa nước này với Trung Quốc, vốn là nguyên nhân của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Obama chắc cũng sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội này để thúc ép Trung Quốc tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong thị trường tài chính như thả nổi đồng nhân dân tệ và giảm sự chi phối của nhà nước đến hoạt động của công ty, doanh nghiệp nhằm đem đến một thị trường minh bạch và lành mạnh hơn.    

Rõ ràng, với rất nhiều mục tiêu như vậy, 1 tuần bỗng dưng trở thành quá ngắn ngủi cho những tham vọng của Obama. Mặc dù vậy, chuyến thăm 4 nước châu Á lần này của Obama vẫn nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ các chuyên gia. Họ hi vọng những bước đi mới nhất của người đoạt giải Nobel hòa bình 2009 có thể giúp Mỹ giành lại chỗ đứng cũng như niềm tin từ châu lục lớn nhất thế giới này, điều mà nước Mỹ đã để vuột mất trong những năm vừa qua.

  • Sơn Tùng - Huy Trung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,