Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể buộc một số quốc gia cân nhắc khi chọn lựa đầu tư vào châu Phi, nhưng Trung Quốc thì không như vậy.
Tuần này, chính phủ Nigeria tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi khoảng đầu tư trực tiếp hiện tại từ 3 tỉ USD lên 6 tỉ USD hầu hết vào lĩnh vực dầu khí của Nigeria.
Tiền đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu vào dầu khí, khai mỏ ở châu Phi (Ảnh Wordpress)
Tuần trước, chính phủ Guinea cho biết, một hãng Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 7 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng khai thác dầu khí, khai mỏ để đổi lại ưu đãi trong toàn bộ dự án khai thác mỏ ở Guinea.
Việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc làm gia tăng quan ngại trong các nhà hoạt động nhân quyền. Họ cảnh báo rằng, tiền của Trung Quốc đổ vào Zimbabwe, Sudan, và Cộng hoà Congo sẽ làm gia tăng nạn tham nhũng, và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi lại rất hoan nghênh việc này khi khẳng định, tiền đầu tư đại lục giúp họ tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội kinh doanh ở châu Phi – nơi khá nhiều công ty phương Tây còn e ngại.
"Khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các công ty châu Phi cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đã giúp cho sự phát triển của châu lục. Trung Quốc mang đến những gì châu Phi cần: đầu tư và tiền bạc cho chính phủ, tập đoàn”, Tổng thống Rwanda Paul Kagame nói với Nhật báo Kinh doanh Đức Handelsblatt hồi đầu tháng 10.
"Những liên quan của Mỹ và châu Âu không mang lại cho châu Phi tiến bộ”, ông Kagame nhấn mạnh trong khi than phiền về những rào cản thương mại Tây phương.
Các công ty Trung Quốc, rất nhiều trong số đó là quốc doanh, thường xuyên đấu thầu các dự án xây dựng lớn với mức chi phí mà các công ty phương Tây không thể nào đưa ra được. Thêm vào đó, Bắc Kinh còn có chính sách không can thiệp vào chuyện nội bộ. Điều này cho phép Trung Quốc làm ăn tại những khu vực ở châu Phi, như Sudan, nơi các công ty phương Tây bị hạn chế vì quan ngại nhân quyền.
Nhiều nước phương Tây gặp trở ngại khi đầu tư vào một quốc gia như Zimbabwe nhưng người Trung Quốc lại được đón nhận.
Trung Quốc có một lợi thế so với các nước phương Tây - những quốc gia mà viện trợ chính phủ và lợi ích kinh doanh tách biệt nhau, ít nhất trên giấy tờ.
Khi một công ty khai thác mỏ của Mỹ đề xuất chi trả để giành quyền khai mỏ, họ hoàn toàn tự làm việc này. Nhưng khi một hãng Trung Quốc, - phần lớn do nhà nước sở hữu – tham vọng dự án tương tự, họ có thể có cam kết từ chính phủ trong việc hỗ trợ xây dựng đường sá, hệ thống nước, dự án điện - điều mà không một công ty tư nhân phương Tây nào có thể hoàn thành.
Chính phủ Trung Quốc cũng “lắm tiền nhiều của”. Trong khi những nước khác đơn giản là rút lại các dự án viện trợ phát triển thì Trung Quốc lại tăng cường đầu tư với 552 triệu USD trong nửa đầu năm 2009. Hồi tháng 5, Bắc Kinh tuyên bố rằng, sẽ gia tăng đầu tư cho Quỹ phát triển Trung Phi - quỹ đã đầu tư 400 triệu USD ở châu lục đen kể từ năm 2006 - bằng cách tăng thêm 2 tỉ USD.
Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi hiện đạt giá trị 100 tỉ USD/năm - phần lớn từ tiêu thụ khoáng sản, dầu khí. Con số này cao gấp 10 lần so với thập niên 80.
Trung Quốc đầu tư ở Sudan và mang về đại lục hơn 60% toàn bộ sản lượng dầu khí Sudan. Các thoả thuận hợp tác có hữu ích với Sudan, hoặc ít nhất là với chính quyền tại Khartoum khi hơn 80% thu nhập của Khartoum đến từ dầu mỏ.
-
Kỳ Thư (Theo Csmonitor)