Ảnh minh họa. (Ảnh: talkcarswell.com)
Hôm thứ 2, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế sơ bộ chống bán phá giá với sản phẩm "ni-lông 6", một chất tổng hợp được sử dụng trong các sản phẩm từ quần soóc cho tới bàn chải đánh răng. Theo quyết định này, trật tự đánh thuế tăng dần với hàng nhập khẩu từ Đài Loan, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ, trong đó, các công ty Mỹ phải chịu mức thuế cao nhất. Honeywell và một đơn vị có trụ sở tại Mỹ thuộc công ty BASF của Đức lần lượt chịu mức thuế 36% và 30%, so với mức chỉ 4% với cùng sản phẩm từ một số quốc gia khác.
Các đạo luật chống bán phá giá, sẽ phạt công ty nào bán sản phẩm ở nước ngoài với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất, vốn từ lâu đã là chất kích thích trong thương mại quốc tế. Lập luận cho những đạo luật như thế là chúng ngăn cản hoạt động thương mại không công bằng và làm cho thương mại tự do càng trở nên chấp nhận được về mặt chính trị. Việc định giá khác nhau ở các thị trường khác nhau là điều bình thường trong kinh doanh, và quy định chi phí sản xuất có thể là quá trình mềm dẻo mang tính chính trị.
Tuy nhiên, việc đánh thuế như thế có thể sẽ leo thang thành những hành động ăn miếng trả miếng, làm tăng chi phí thương mại chung. Trung Quốc đánh thuế chống bán phá giá với các công ty Mỹ trong 17 trường hợp, trong đó có ni-lông, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cuối năm 2001. Theo chiều ngược lại, Mỹ cũng đã đánh thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp 59 lần với Trung Quốc trong cùng giai đoạn, và số vụ còn đang gia tăng. Từ năm 2003-2006, chỉ có 10 vụ được lưu hồ sơ tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, con số này đã là 42.
Đây có vẻ là công cụ được ông Obama quan tâm. Những người tiền nhiệm của ông đã tối thiểu hóa thiệt hại từ các vụ chống bán phá giá bằng việc củng cố thiện ý tự do thương mại theo những cách khác, chẳng hạn như đàm phán hiệp định thương mại tự do. Ông Obama lại không làm như thế. Ông không có nhiều động thái tiến hành các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Colombia và Panama.
Tổng thống Obama đã châm ngòi cho cuộc xung đột thương mại với Mexico về vấn đề xe tải, và tháng trước, Mỹ đã đánh thuế 35% lên lốp xe nhập khẩu Trung Quốc. Ông Obama và những cố vấn của mình cũng tuyên bố rằng việc thực thi như thế là hòn đá tảng trong chính sách thương mại của mình.
Vụ ni-lông cho thấy Bắc Kinh đang gặp khó khăn hơn trước áp lực trong nước về việc phải sử dụng các biện pháp bảo hộ khi Washington đang không công bằng với Trung Quốc. Mei Xinyu, chuyên gia thương mại có liên quan tới Bộ Thương mại nói với hãng truyền thông Dow Jones Newswires tuần này rằng: "Luôn rút lui trong tranh chấp thương mại chỉ khuyến khích các đối tác thương mại tiến hành bảo hộ mỗi khi có xung đột với Trung Quốc". Cách nghĩ như thế có thể giải thích tại sao từ thời điểm này, các công ty Mỹ sản xuất ni-lông sẽ phải chịu thêm thứ thuế nặng nề này.
Theo Chad P. Bown thuộc nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ví dụ không tốt về việc chống bán phá giá của Mỹ cũng đang ngày càng xấu hơn ở Trung Quốc. Trên toàn thế giới, số vụ điều tra chống bán phá giá của các chính phủ từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay đã tăng 53% so với cùng giai đoạn năm ngoái. Số vụ đánh thuế tăng lên 21% trong 9 tháng đầu năm so với cùng giai đoạn năm trước.
Việc tăng bảo hộ kiểu này làm tăng chi phí trên tổng thể nền kinh tế toàn cầu ngay cả khi nó không trở thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Một chính sách thương mại tập chung vào việc ban hành luật có thể là cần thiết, nhưng nó có thể sẽ làm cho mọi thứ trở nên đắt đỏ rất nhanh chóng.
- Đình Ngân (Theo Tạp chí Phố Wall)