Không những chưa thể thoát khỏi ám ảnh của bóng ma khủng hoảng toàn cầu, nhiều tín hiệu đầu năm mới 2009 đang cho thấy, nền kinh tế khu vực châu Á đầy năng động vẫn đang lún sâu thêm vào khủng hoảng.
Các nền kinh tế năng động của khu vực châu Á như Singapore cũng đang gồng mình với khủng hoảng. Ảnh Reuters.
Kinh tế Thái Lan trong quý IV/08 vừa qua được tính toán là đã suy giảm lần đầu tiên trong thập kỷ qua. Trong quý IV/08, tăng trưởng GDP của Thái Lan đã xuống mức âm 2,8% so với cùng kỳ năm 2007.
Các số liệu chính thức về tăng trưởng kinh tế khi công bố, nếu trùng khớp với dự báo trên thì có thể xếp nền kinh tế Thái Lan vào tình trạng suy thoái.
Nguyên nhân suy giảm kinh tế là do xuất khẩu và du lịch đều sụt giảm, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị trong nước.
Ngoài Thái Lan các nước khác trong khu vực bao gồm Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan, Đặc khu hành chính Hồng Kông và Nhật Bản cũng đã rơi vào suy thoái kinh tế, khi nhu cầu hàng hóa của khu vực sụt giảm.
Cụ thể, theo Chính quyền Đài Loan thì kinh tế vùng lãnh thổ này có thể giảm 2,97% trong năm nay, mức giảm tính theo năm tồi tệ nhất từ trước đến nay, do xuất khẩu sa sút.
Xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính của Đài Loan - đã giảm 19,75% trong quý IV/08, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 6 năm qua là 5%.
Trong khi đó, kinh tế Đặc khu hành chính Hồng Kông có thể sụt giảm 2,5-3% trong năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, theo một dự báo của chính quyền đặc khu này.
Cũng như Thái Lan hay Singapore, kinh tế Hồng Kông “lây bệnh” của khủng hoảng toàn cầu do phụ thuộc nặng nề vào các dịch vụ tài chính, đồng thời Đặc khu này là trung tâm xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, song cả hai lĩnh vực đều đang chịu tác động nặng nề khi kinh tế toàn cầu suy thoái.
Còn ở Nhật Bản thì vừa qua, chính phủ đã thừa nhận nền kinh tế nước này thụt lùi với tốc độ nhanh nhất trong 35 năm vào quý IV (12,7%) và không hề có dấu hiệu về phục hồi nhanh chóng. Riêng tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản tháng 12/2008 lên tới 4,4%, tăng 0,5% so với tháng trước.
Trong khi các nước được coi là giàu có hàng đầu của châu Á đang lún sâu thêm vào khủng hoảng thì các nước nghèo hơn cũng không có được tình hình sáng sủa hơn. Thậm chí theo đánh giá chung thì các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nền nhất từ khủng hoảng
Đơn cử, Báo cáo chính sách mới nhất của Ngân hàng thế giới với tựa đề “Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Đánh giá rủi ro từ con mắt nghèo đói”, cho rằng có tới ¾ các nước đang phát triển không thể huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước để giảm thiểu ảnh hưởng của giảm phát. Trong đó, ¼ các nước không có khả năng tiếp cận tới các nhóm dễ thương tổn.
Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới cho rằng khoảng 40 trong số 107 nước đang phát triển có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, và các nước còn lại có khả năng bị ảnh hưởng trung bình. Chỉ có 10% các nước bị ảnh hưởng nhẹ.
“Trong khi toàn thế giới chỉ chú ý đến các gói kích thích tăng trưởng kinh tế, chúng ta không nên quên là người nghèo ở các nước đang phát triển còn rủi ro hơn nếu kinh tế ở các nước đó đi xuống. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phải có những giải pháp toàn cầu. Cần phải thảo luận cả những nhu cầu của người nghèo ở các nước đang phát triển nữa”, ông Robert B. Zoellick, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới nói.
-
Nhật Vy (Theo Market Watch, AFP, CNN)