Ở Nhật Bản, mất việc có thể đồng nghĩa với mất luôn nhà. Khi các công ty lớn cắt giảm lực lượng lao động vì suy thoái kinh tế, nhiều nhân công bị đẩy ra hè phố vì phải rời khỏi các phòng ở tập thể.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật ngày một gia tăng trong bối cảnh suy thoái kinh tế (Ảnh bloombergtelevision)
Sadanori Suzuki nằm trong số đó. Chàng trai 26 tuổi này mất việc làm tại nhà máy ô tô hồi tháng 12/2008, và giữa tháng 1 anh bị tống cổ ra khỏi phòng ngủ tập thể do công ty quản lý. Anh chuyển từ quán cà phê Internet - nơi thường có phòng riêng - tới các "khách sạn nhộng", có ngăn riêng như quan tài, chỉ dành để ngủ. Nhưng trong vòng hai tuần, anh gần như khánh kiệt và phải ra đường.
Anh tìm đường tới điện thờ Shinto ở Kawagoe, ngoại ô Tokyo để kiếm một nơi trú ẩn tạm thời. Nhưng phòng dự lễ bị khoá. Bực tức, Suzuki châm lửa đốt điện thờ, sau đó gọi cho cảnh sát từ hộp điện thoại tự động gần đó và tự thú. Khi bị bắt tuần trước, anh chỉ còn vỏn vẹn 10 yên (11 xu).
Ở một đất nước mà việc làm suốt đời từ lâu vẫn được giữ vững như một chuẩn mực lý tưởng hoá, người Nhật Bản đang nhanh chóng nhận ra rằng bảo hiểm thất nghiệp cho các lao động bán thời gian, tạm thời và cả lao động hợp đồng đã trở nên khó khăn.
"Tại Nhật Bản, mọi người đúng là thường trở thành vô gia cư ngay khi họ mất việc làm", Makoto Yuasa, đứng đầu Trung tâm Duy trì sự sống độc lập, nói. "Chẳng có sự bảo hộ nào cho những người có thể làm việc nhưng bị sa thải".
Đầu tuần rồi, chính phủ Nhật tuyên bố nền kinh tế nước này thụt lùi với tốc độ nhanh nhất trong 35 năm vào quý IV (12,7%) và không hề có dấu hiệu về phục hồi nhanh chóng. Con số này cao gấp ba lần so với mức 3,8% tại Mỹ cùng quý.
Theo đánh giá mới nhất của chính phủ đưa ra tháng trước, khoảng 125.000 lao động bán thời gian sẽ mất việc làm vào tháng 3. Các quan chức lao động không thể theo dõi điều gì xảy ra với tất cả những người thất nghiệp, nhưng trong số 45.800 người họ quan sát, có 2.700 người trở thành vô gia cư.
Những ước tính từ các tổ chức cá nhân còn cao hơn nhiều - lên tới 400.000 lao động thất nghiệp mới vào cuối tháng tới - và cho hay hơn 30.000 người trong số họ sẽ trở thành không nhà cửa, gần gấp đôi con số vô gia cư trên toàn quốc. Con số này hiện tại là 16.000 người và giảm không đáng kể trong vài năm qua.
"Đây chỉ là bước khởi đầu", Hitoshi Ichikawa, một quan chức Bộ Phụ trách các chính sách lao động cho hay. "Sẽ còn nhiều hơn trong các tuần và tháng tới".
Long đong lao động thời vụ
Việc sử dụng rộng rãi các lao động tạm thời vào sản xuất chỉ được hợp pháp hoá năm 2004, giúp các "gã khổng lồ" như Toyota Motor Corp. và Canon Inc. dựa vào hợp đồng thời vụ. Quyết định này cho phép các công ty điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu nước ngoài thông qua việc thuê trung gian và cung cấp nhà ở tập thể cho công nhân.
Gần một phần ba lực lượng lao động Nhật Bản là lao động thời vụ. Nước này đang cố phát triển mạng lưới trung gian và người môi giới cho phép các tập đoàn thuê lao động mà không phải trả tiền trợ cấp - và sau đó thải loại họ theo ý muốn.
Theo nhà nghiệp đoàn độc lập Makoto Kawazoe, các công nhân thời vụ thường nhận lương thấp, làm các công việc nặng nhọc, mức lương cơ bản trung bình hàng tháng là khoảng 150.000 yen (1.650 USD), chỉ vừa đủ sống mà không mắc nợ. Khi họ bị sa thải và đuổi khỏi nơi ăn chốn ở do người sử dụng lao động cung cấp, họ thường không còn tiền dành dụm. Ba phần tư lao động tạm thời của Nhật Bản kiếm được dưới 2 triệu yên (21.740 USD)/năm.
"Họ chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc nhờ các đại lý việc làm tìm một công việc khác có chỗ ở tập thể", ông Kawazoe nói. "Bạn từng mắc vào cái vòng luẩn quẩn đó thì rất khó bước ra".
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản tháng 12/2008 lên tới 4,4%, tăng 0,5% so với tháng trước. Điều đó có nghĩa là 2,7 triệu người mất việc làm, tăng 390.000 người so với năm trước. Số người nhận trợ cấp thất nghiệp của chính phủ đã tăng lên hơn 46.000 kể từ năm ngoái. Tại Tokyo và các thành phố lớn của Nhật, tiền chi trả cho trợ cấp thất nghiệp tăng tới 35% chỉ tính riêng trong tháng 1.
Trong cuộc tranh luận tại quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Kaoru Yosano thúc giục các công ty nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ người lao động. "Các công ty lớn có trách nhiệm xã hội duy trì lực lượng lao động", ông kêu gọi. "Sẽ thật vô dụng nếu lờ đi trách nhiệm đó".
Và không ít hãng tuyên bố hưởng ứng. Toyota tuyên bố sẽ cắt giảm 1.700 lao động tạm thời vào tháng 3 - từ dự kiến 4.700 lao động - nhưng cũng hứa nâng một số lao động thời vụ lên làm việc cả ngày hay chuyển họ sang các công ty con.
- Kỳ Thư (Theo AP)