Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới châu Á là tín hiệu cho thấy, chính quyền Obama muốn duy trì sự lãnh đạo của Mỹ ở khu vực quan trọng này, đồng thời khẳng định đây là thế kỷ Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AFP)
Khi Hillary Clinton tới châu Á tuần này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà đã phá vỡ truyền thống thăm châu Âu và Trung Đông trước tiên.
Không chỉ có vậy, với chuyến đi này, quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng thể hiện quyết tâm của chính quyền Obama về việc thực hiện một chính sách ngoại giao mới, ít đối đầu hơn ở châu Á, xếp Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác ở nấc thang ưu tiên ngoại giao cao hơn so với chính quyền Bush.
Trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, Hillary đã mô tả sự khác biệt giữa các chính sách của Tổng thống Obama và ông Bush.
TIN LIÊN QUAN
"Mọi người cho rằng, có lẽ chúng ta đã không quan tâm thích đáng tới châu Á trong những năm qua", bà phát biểu tại Viện nghiên cứu châu Á ở New York, hai ngày trước khi lên đường.
Bà Hillary cũng kêu gọi "hợp tác mạnh mẽ và bền bỉ" không chỉ với Trung Quốc, mà cả với Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc.
Chuyến thăm Nhật Bản của Hillary đã nhận được sự hoan nghênh. Việc này cũng được coi là một dấu hiệu cho thấy, chính quyền Obama sẽ không hờ hững với Tokyo - một trong những đồng minh lâu năm nhất của Washington ở Đông Bắc Á.
Trong quá khứ, đã có những lo ngại rằng nếu phe Dân chủ lên nắm quyền, Nhà Trắng có thể bỏ rơi Tokyo vì bận tâm quá nhiều tới các vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn như cuộc chiến ở Afghanistan hay một nước Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh về kinh tế.
Khi đặt chân tới Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên, bà Hillary ngay lập tức đã nhấn mạnh sự quan tâm tới việc tăng cường quan hệ Mỹ-Nhật. Bà nói rằng, việc CHDCND Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật trong quá khứ là vấn đề rất đáng lo ngại mà bà muốn giải quyết, cùng với 5 quốc gia khác trong các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ gặp gỡ một số thân nhân của các gia đình có người bị bắt cóc. Chính quyền Bush đã coi bắt cóc là vấn đề gây chia rẽ đối với các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ vẫn tập trung nhiều vào Trung Quốc mặc dù đây là nước cuối cùng trong chuyến công du lần này. Bà nói rằng, Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn trong các quan hệ với Bắc Kinh bằng cách tăng cường đối thoại song phương.
Hillary tuyên bố, Nhà Trắng sẽ không đi theo đường lối trước đây của chính quyền Bush vốn coi Trung Quốc là một đối thủ chứ không phải đối tác. Bà cho biết, Mỹ chẳng có gì phải sợ một Bắc Kinh đang lớn mạnh về kinh tế.
Chính quyền Bush đã giới hạn các mối quan hệ với Bắc Kinh ở những vấn đề kinh tế hẹp, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái. Hillary nói rằng, bà sẽ ép các lãnh đạo Trung Quốc về những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, bà sẽ làm việc đó sao cho không đe dọa tới cuộc gặp quan trọng đầu tiên với các lãnh đạo Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ chọn Indonesia thay vì Ấn Độ trong chuyến thăm lần này bởi Indonesia là nền dân chủ Hồi giáo lớn nhất thế giới và là một câu chuyện cực kỳ thành công. Hơn nữa, trước đây, chính quyền Bush đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Do vậy, chính quyền mới sẽ tập trung nhiều vào các nước châu Á khác.
Theo bà Hillary, Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn vào hiện đại hóa Indonesia, đất nước Hồi giáo 235 triệu dân nằm trên các tuyến hàng hải quan trọng. Indonesia sẽ trở thành một cường quốc trong tương lai và nền kinh tế nước này sẽ vượt qua nhiều quốc gia châu Âu vào năm 2020.
Những quốc gia châu Á mạnh như vậy nằm gần Trung Quốc có thể "kiềm chế Bắc Kinh và góp phần đảm bảo hòa bình ở Đông Bắc Á", Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
-
Minh Sơn (theo IHT, LA Times, FP)