Mỹ sẵn sàng xem xét thay đổi các kế hoạch tên lửa phòng thủ trong đó có tính tới các quyền lợi của Moscow. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết như vậy hôm 13/2, một động thái nhượng bộ trước sự phản đối của Nga.
Lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu là nguyên nhân bất đồng Nga Mỹ (Ảnh: Rian)
Điện Kremlin đang ép Washington nhượng bộ về kế hoạch lá chắn tên lửa Đông Âu để đổi lấy việc Nga giúp đỡ Mỹ về hậu cần trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan - một ưu tiên của Tổng thống Obama. Washington và Moscow trong quá khứ đã đàm phán về sự tham gia của Nga vào kế hoạch lá chắn tên lửa này song những cuộc đàm phán đó đã đổ vỡ trong những ngày cuối cùng của chính quyền Bush.
"Washington để ngỏ khả năng hợp tác cả với Nga và các đối tác của NATO về cấu trúc mới của lá chắn tên lửa. Cấu trúc này sẽ sử dụng các nguồn lực mà mỗi chúng ta có", hãng tin Interfax trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns.
Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã xác nhận lời nói của ông Burns. Cựu Đại sứ Mỹ này đã ở Nga trong tuần này để đàm phán với các quan chức Nga. Ông không đưa ra chi tiết về cấu trúc mới của lá chắn tên lửa song những ngôn từ mà ông sử dụng dường như đã đi xa hơn những đề xuất mà Mỹ đưa ra trước đây nhằm giảm bớt những quan ngại của Nga.
Đại sứ Nga tại NATO là Dmitry Rogozin cho biết Moscow sẽ phải đợi xem Washington sẽ hành động như thế nào sau những tuyên bố của ông Burns. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu Mỹ xem lại kế hoạch tên lửa phòng thủ, "đó sẽ là một món quà lớn đối với Nga, châu Âu và nhân dân Mỹ vì chúng ta sẽ có thể tìm ra giải pháp thay thế cho việc bảo vệ nhân dân chúng ta khỏi các quốc gia thù địch".
Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông muốn điều chỉnh lại các quan hệ ngoại giao với Nga - mối quan hệ đã xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh tới nay, dưới thời của Tổng thống Bush.
Chính quyền Bush đã thúc đẩy các kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một trạm radar ở CH Séc nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa có thể xảy ra từ "các quốc gia thù địch" với Mỹ, đặc biệt là Iran.
Moscow cho rằng Tehran chưa có khả năng chế tạo tên lửa vươn tới châu Âu và coi lá chắn đó nhằm vô hiệu hóa kho hạt nhân của Nga. Nga đã đe dọa triển khai tên lửa sát biên giới với Ba Lan nếu Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch này.
Chính quyền Obama đã nói rằng sẽ tiếp tục kế hoạch nếu kế hoạch đó được chứng minh là khả thi và hiệu quả về chi phí - động thái mà Moscow coi là dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp của Washington.
Các cuộc đàm phán dưới thời chính quyền Bush tập trung vào việc cho phép các quan chức Nga thẩm tra rằng các bộ phận tên lửa phòng thủ không nhằm chống lại Nga. Nga cũng đề xuất một hệ thống tên lửa phòng thủ chung, trong đó Lầu Năm góc được tiếp cận với dữ liệu từ một trạm radar do Nga kiểm soát ở Azerbaijan, giáp Iran. Tuy nhiên, cả hai đề xuất này đều không thể lấp được bất đồng căn bản giữa hai bên.
Afghanistan là một quân bài mặc cả lớn đối với Nga trong các cuộc đàm phán về lá chắn tên lửa. Lầu Năm góc muốn Nga hợp tác để tiếp tế cho lực lượng ở Afghanistan vì các đoàn xe hậu cần đi qua Pakistan thường bị các chiến binh tấn công. Tuần này, các quan chức Nga cho biết sẵn sàng hợp tác về việc này với Washington.
-
Minh Sơn (theo Reuters, AP)