221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1143776
Kinh tế thế giới: Phía trước vẫn là khủng hoảng!
1
Article
null
Kinh tế thế giới: Phía trước vẫn là khủng hoảng!
,

Khủng hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng, thấm sâu vào từng nền kinh tế, trong đó có cả Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, đoạn đường hầm phía trước vẫn chưa thấy ánh sáng.

Phần 1: Một số dấu mốc đáng nhớ của khủng hoảng kinh tế 2008

Đoạn đường hầm phía trước vẫn chưa thấy ánh sáng. Ảnh AP.

2009 tiếp tục là một năm bất lợi

Có vẻ như sau một năm 2008 nhiều bất lợi, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phải trải qua thêm 12 tháng của năm 2009 với nhiều khó khăn hơn, khi mà các nhận định mới nhất đều cho thấy xu hướng đi xuống.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng các nền kinh tế chính trên thế giới đang trên bờ suy thoái và ít có cơ hội phục hồi vào năm tới. Với nhận định này, OECD là tổ chức quốc tế mới đây nhất thừa nhận khủng hoảng toàn cầu đã thực sự lan rộng từ lĩnh vực tài chính sang kinh tế.

OECD dự đoán, năm 2009, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ là 0,9%, trong khi đó Nhật Bản dưới 0,1% và các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dưới 0,5%, với tốc độ suy thoái mạnh nhất trong quý IV/2008 và quý I năm sau. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng cũng chậm lại ở các thị trường đang nổi như Braxin, Ấn Độ và Trung Quốc.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc OECD, Jurgen Elmeskov, khẳng định rằng "tình trạng hỗn loạn" mà nền kinh tế thế giới đang phải gánh chịu do khủng hoảng tài chính đã tác động mạnh mẽ đến các nước giàu cũng như các nước nghèo, sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9/2008. Trong đó, những tác động xấu lớn nhất là tình trạng thất nghiệp, trao đổi thương mại quốc tế, giá cả bất động sản và kinh doanh ô tô đều giảm mạnh.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thừa nhận kinh tế thế giới sẽ tồi tệ hơn trong năm tới khi đưa ra dự đoán tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu năm 2009 thấp hơn so với dự kiến.

Cụ thể, theo IMF, tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu trong năm 2009 sẽ là 2,2% thấp hơn so với dự đoán trước đó, 3%.

Trong đó, IMF dự đoán rằng tốc độ phát triển của các nước phát triển sẽ là 0,3% trong năm tới, tức thấp hơn 0,5% so với dự báo một tháng trước. Đây cũng là mức dự báo thấp nhất về các nước phát triển kể từ Đại chiến thế giới lần thứ II.

Tồi tệ nhất sẽ là Anh, giảm tới 1,3% so với báo cáo trước đó, tiếp đến là Đức giảm 0,8%, sau đó là Mỹ và Tây Ban Nha 0.7%.

Tốc độ phát triển của các nền kinh tế mới nổi cũng giảm, với Trung Quốc giảm từ 9,3% còn 8,5%, Ấn Độ từ 6,9% còn 6,3% trong khi Nga giảm từ 5,5% còn 3,5%.

Đầu tàu kinh tế toàn cầu gặp nhiều trở ngại

Đáng lưu ý là việc đầu tàu kinh tế toàn cầu dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại trong năm mới. Một khi đầu tàu gặp khó, cả đoàn tàu kinh tế thế giới sẽ không thể suôn sẻ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa qua đã phải giảm dự báo của họ về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 xuống mức thấp và chuẩn bị cho khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Fed giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2008 xuống mức giữa 0 và 0,3% từ dự đoán là 1 và 1,6% hồi tháng 6. Sang năm 2009, Fed cho rằng tốc độ tăng trưởng có thể giảm 0,2%.

Bên cạnh dự đoán ảm đạm về tăng trưởng, các quan chức Fed còn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao lên mức 6,3 đến 6,5% trong năm 2008 và ở mức 7,1 đến 7,6% năm 2009.

Fed cũng đề cập đến một lo ngại mới đó là khả năng giảm phát tăng dần. Giảm phát được coi là một mối nguy đối với nền kinh tế vì việc giảm giá có thể khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn hoạt động mua bán để đợi giá giảm hơn, đẩy hoạt động kinh tế suy giảm.

Nhà Trắng cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng kinh tế Mỹ trong quý IV/08 sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với quý vừa qua.

Theo các quan chức trong chính phủ Mỹ thì tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc "Đại suy thoái" hồi đầu những năm 1930.

Mỹ - Đầu tàu kinh tế toàn cầu vẫn sẽ gặp nhiều trở ngại. Ảnh AP.

Các cường quốc đối mặt với nguy cơ đổ vỡ mới

Trong lúc thị trường tài chính vẫn đang ngổn ngang thì lại thêm một đòn nặng nề giáng vào các nền kinh tế hàng đầu thế giới, khi các ngành công nghiệp chủ chốt của các cường quốc công nghiệp đã ngấm đòn.

Hiện có nhiều dự báo về các ngành công nghiệp chủ chốt của các cường quốc và đáng lưu ý là các dự báo không loại trừ khả năng sụp đổ của công nghiệp ôtô và một khi ngành công nghiệp ôtô sụp đổ sẽ tác động xấu tới nền kinh tế.

Trung tâm nghiên cứu ô tô tại Ann Arbor, bang Michigan (Mỹ), vừa công bố một báo cáo cảnh báo rằng nếu các tập đoàn sản xuất ô tô ở Detroit (Mỹ) thu hẹp hơn nữa sản xuất hoặc bị sụp đổ, thì nền kinh tế Mỹ sẽ bị giáng một đòn nặng nề.

Nghiên cứu trên cũng cho rằng, chính phủ của Tổng thống mới đắc cử Barack Obama cần hành động kiên quyết để tăng cường trợ giúp tài chính cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Nhìn sang đối tác thân quen nhất của Mỹ bên kia bờ đại dương, ở Nhật, ngành sản xuất ôtô gặp khó khăn và cũng đang tác động tới cả nền kinh tế...

Tác động của ngành công nghiệp ô tô tới ngành sản xuất thép và kính là dễ nhận thấy nhất. 4 công ty cán thép lớn nhất Nhật Bản đã phải tuyên bố giảm sản lượng thép thô. Quy mô giảm sản lượng thép lần này có thể lên tới 1,8 triệu tấn.

Quá trình cơ cấu nhân sự, cắt giảm nhân viên bắt đầu được tiến hành mạnh hơn, đặc biệt là đối với những nhân viên không chính thức. Từ cuối tháng 6/08, Toyota đã ngừng ký mới hợp đồng với những lao động có thời hạn. Dự kiến đến tháng 3/09, số lao động hợp đồng có thời hạn của Toyota sẽ chỉ còn 3.000 người, giảm 60% so với 8.800 người hồi tháng 3/08.

Như vậy, ngoài mối lo về việc thị trường tài chính vẫn đang ngổn ngang thì việc các ngành công nghiệp chủ chốt của các cường quốc công nghiệp đã bắt đầu ngấm đòn lại đang là một nguy cơ đáng sợ nữa, có thể giáng thêm một đòn nặng nề vào các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Một năm ảm đạm chờ đón đầu tàu kinh tế châu Á

Năm cũ 2008 đầy gian khó đã qua đi, song một năm mới cũng được dự báo là rất ảm đạm đang chờ đón đầu tàu kinh tế châu Á - Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế ngày càng ảm đạm với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực sẽ giảm 0,8% trong tài khóa 2008 (kết thúc vào tháng 3/09) và tăng trưởng GDP thực chỉ ở mức 0% trong tài khóa 2009.

Chính phủ Nhật Bản đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế tài khóa 2008 từ mức tăng trưởng thực 1,3% và mức tăng trưởng danh nghĩa 0,3% đưa ra hồi tháng 7 do nền kinh tế nước này bị tác động mạnh bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu, hiện đang làm giảm nhu cầu trong và ngoài nước. Trong quý I và quý II của tài khóa 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đều giảm.

Chính phủ Nhật Bản cũng tỏ ra bi quan về khu vực doanh nghiệp, chủ yếu do xuất khẩu giảm. Ước tính, đầu tư kinh doanh có thể giảm 4,7% trong tài khóa 2008, mức giảm mạnh nhất trong vòng sáu năm qua, và giảm 4,2% trong tài khoá tiếp theo. Đầu tư cho nhà ở dự kiến giảm 4,1% trong tài khóa 2008, nhưng có thể tăng 4,7% trong tài khóa 2009. Mức tiêu dùng của khu vực tư nhân dự kiến cũng sẽ từng bước phục hồi và đạt mức tăng trưởng 0,4% trong tài khóa 2009 sau khi tăng 0,2% trong tài khóa 2008.

Nhìn chung, những số liệu thống kê công bố gần đây cho thấy tình hình kinh tế ở Nhật đang diễn biến xấu đi. Chỉ số niềm tin của các hãng sản xuất công nghiệp chính ở Nhật đã sụt giảm với tốc độ mạnh nhất trong vòng 34 năm trở lại đây.

Các hãng xuất khẩu lớn như Nissan, Canon và Sony đều đang thu hẹp sản xuất, giảm đầu tư, sa thải nhân công… Hàn thử biểu Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo đã sụt giảm hơn 40% kể từ đầu năm tới nay.

Đây là lần suy thoái đầu tiên của Nhật từ năm 2001.

Ảnh AFP.

Thống đốc BoJ Masaaki Shirakawa mới đây nhận định, các điều kiện kinh tế tại Nhật đang ở trong tình trạng tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái thập niên 1930 tới nay.

Các nước mới nổi thậm chí chịu hiểm nguy nhiều hơn Mỹ

Về tác động của khủng hoảng từ các trung tâm kinh tế thế giới nói trên tới các nước đang phát triển, trong bài viết mới đăng trên tờ Project Syndicate, 2008, Nhà kinh tế học Mỹ, GS Joseph E.Stiglitz, người đã được giải Nobel Kinh tế 2001, đã nhận xét rằng, với sự lan rộng của cuộc khủng hoảng "Made in USA" thì các nền kinh tế mới nổi và ít phát triển lại chịu hiểm nguy nhiều hơn là chính nước Mỹ phải chịu.

Theo GS Joseph E.Stiglitz, thế giới đang lấn sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu và toàn diện, có khả năng là một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 1/4 thế kỷ trở lại đây, mà cũng có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng.

"Giờ thì cuộc khủng hoảng đã lan rộng, và có thể nhìn thấy trước, rằng nó còn lan toả và hoành hành mạnh ở các nền kinh tế mới nổi và ít phát triển - những nền kinh tế mà sức đề kháng kém hơn. Thật đáng để lưu tâm, rằng nước Mỹ - tâm bão tài chính - sẽ vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất đối với những người cầm tiền trong bối cảnh này. Có thể đảm bảo một điều rằng những gì mà chính phủ Mỹ đảm bảo cho giới tài chính luôn chắc chắn hơn một đảm bảo tương tự từ một nước thuộc thế giới thứ 3", GS Joseph E.Stiglitz nhận xét.

Theo GS, khi nước Mỹ dùng tới cả tiền tiết kiệm của thế giới để giải quyết vấn đề khủng hoảng của mình, rõ ràng khủng hoảng sẽ lan rộng và tăng cấp, và thương mại, thu nhập quốc dân của mỗi nước, rồi giá nguyên vật liệu đầu vào... sẽ bị tác động tiêu cực và tệ hại thay cho các các nền kinh tế mới nổi và ít phát triển - đó lại là thế mạnh tạo tăng trưởng của họ.

Nói cách khác, thế mạnh tạo tăng trưởng của các các nền kinh tế mới nổi và ít phát triển đang và sẽ bị cuộc khủng hoảng "Sản xuất tại Hoa Kỳ" ăn mòn tệ hại, đặc biệt là các nền kinh tế có quan hệ thương mại, đầu tư gần gũi với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, GS Joseph E.Stiglitz có cho rằng, những nước chưa tự do hoá dòng vốn hoàn toàn, như Trung Quốc chẳng hạn, sẽ đỡ bị tác động hơn vì họ không bị cuốn theo từng cú ra chiêu của ông Henry Paulson ở Mỹ.

GS Joseph E.Stiglitz cũng nhắc đến một thực tế đáng buồn hiện nay là đang có nhiều nước đã phải viện tới sự giúp đỡ không lấy gì làm dễ chịu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dù biết rằng đi kèm gói trợ cứu tài chính luôn là những gì đó tương tự như mất công bằng trên trường quốc tế. Bởi trong khi các nước phát triển cố tạo ảnh hưởng, ghi dấu ấn riêng vào IMF và các chính sách của định chế này, thì các nước viện tới sự trợ giúp của IMF lại là người phải áp dụng các chính sách ấy,

Như vậy, sau một năm 2008 đầy mỏi mệt, nhiều khả năng Mỹ và theo đó là cả thế giới sẽ phải gồng mình chống đỡ rất nhiều trong năm 2009 sắp tới.

  • Nhật Vy (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,