221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1131191
Vì sao hải tặc Somalia vẫn hoành hành?
1
Article
null
Vì sao hải tặc Somalia vẫn hoành hành?
,

Một tháng trước đây, để đối phó với sự hoành hành của cướp biển Somalia, Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) đã lần lượt tuyên bố điều tàu chiến tới vùng biển gần Somalia để tuần tra, giám sát, bảo vệ tàu buôn qua lại.

Tuy nhiên, hải tặc Somalia không những không hề vì động thái này mà buông tay, trái lại chúng còn hoành hành nhiều hơn, thậm chí mở rộng phạm vi hoạt động ra cả những vùng biển ngoài xa.

Chiếc tàu chở dầu Sirius Star của Arập Xê-út. (Ảnh: THX)

Chỉ trong vòng 12 ngày ngắn ngủi, từ 7-18/11, bọn cướp biển đã bắt cóc ít nhất 8 tàu buôn nước ngoài. Tính riêng ngày 18/11, đã có tới 3 chiếc tàu lọt vào tay bọn cướp biển.

Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ chiếc tàu chở dầu cỡ lớn của Arập Xê-út mang tên Sirius Star” bị bắt cóc trên vùng biển Ấn Độ Dương. Sirius Star có thể chở được tới 2 triệu thùng dầu, là con tàu lớn nhất bị hải tặc Somalia bắt cóc từ trước tới nay.

Từ một loạt vụ cướp bóc này cho thấy, tác dụng uy hiếp của tàu chiến quân đội nước ngoài tới nay vẫn còn rất hạn chế, không thể bảo vệ an toàn cho các tàu buôn khi phải đi qua vùng biển phụ cận Somalia.

Cướp biển Somalia sở dĩ có thể tung hoành ngang dọc bất chấp sự hiện diện của tàu chiến nước ngoài là bởi một số nguyên nhân dưới đây:

Trước hết, vịnh Aden, nơi xảy ra nhiều vụ bắt cóc nhất trong thời gian qua, hàng ngày có rất nhiều thuyền bè qua lại, trong khi chỉ có một vài tàu chiến nước ngoài hiện diện nên rất khó kiểm soát được toàn bộ an ninh trong vùng biển này, không thể đảm bảo an toàn cho mọi con tàu đi qua đây. Và điều này đã tạo cơ hội cho hải tặc lộng hành.

Vịnh Aden bao quanh Somalia và Yemen nằm giữa Ấn Độ Dương và Hồng Hải (Biển Đỏ), là yết hầu trên biển từ Ấn Độ Dương qua Hồng Hải cùng kênh đào Suez tiến vào Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Đây là khu vực có vị trí chiến lược rất quan trọng.

Vịnh Aden có chiều dài từ đông sang tây khoảng 750km, chiều rộng từ nam qua bắc khoảng 250km, tổng diện tích vào khoảng 180.000km2. Theo số liệu thống kê, hàng năm số lượng tàu đi qua kênh đào Suez vào khoảng 18.000 chiếc, trong đó phần lớn phải đi qua vịnh Aden.

Thứ hai, các vụ cướp biển thường bí mật nên rất khó phòng bị. Một khi cướp biển đã khống chế được tàu và người, thì tàu chiến của quân đội nước ngoài có trang bị vũ khí tối tân cũng khó mà phát huy được tác dụng. 

Hải tặc Somalia thường sử dụng các loại tàu dân dụng đã được ngụy trang để làm “tàu mẹ”, ra những vùng biển xa để tìm kiếm con mồi. Khi phát hiện được đối tượng thì chúng dùng xuống cao tốc để bao vây con mồi.

Trước khi chúng ra tay, các tàu chiến nước ngoài từ xa quan sát rất khó phát hiện đâu là tàu của cướp biển. Sau khi hải tặc lên thuyền khống chế thuyền viên, vì lo ngại vấn đề an toàn của các con tin nên cho dù các tàu chiến nước ngoài có tới ngay hiện trường thì cũng không dám tùy tiện sử dụng vũ khí tấn công.    

Thứ ba, do số tàu chiến quân đội nước ngoài đến vịnh Yemen ngày càng nhiều, nên hải tặc đã bắt đầu thay đổi sách lược, tìm đến những vùng biển khác để tập kích.

Chẳng hạn chiếc tàu cá “Thiên Dụ số 8” của Trung Quốc bị hải tặc tấn công ở khu vực ven biển Kenya, phía nam Somalia, cách vịnh Aden, nơi bọn chúng thường hoạt động hơn 2.000km. Hay như chiếc tàu chở dầu của Arập Xê-út bị bắt cóc tít ở Ấn Độ Dương cách thành phố cảng Mombasa của Kenya hơn 700km về phía đông.

Từ hai vụ bắt cóc trên cho thấy, trình độ trang bị của hải tặc Somalia đã được nâng cao khá nhiều, phạm vi hoạt động cũng rộng hơn. Điều này càng khiến cho hoạt động chống cướp biển của tàu chiến nước ngoài càng trở nên khó khăn hơn.

Cuối cùng, cũng là nguyên nhân căn bản nhất, đó là mặc dù vấn đề hải tặc Somalia xảy ra trên biển nhưng căn nguyên thực tế vẫn là ở trên đất liền.

Sở dĩ hải tặc Somalia dám dùng thuyền viên và tàu bị bắt cóc làm con tin để đàm phán với chủ tàu trong suốt một thời gian dài là bởi chúng có những căn cứ an toàn trên mặt đất, có thể neo nhốt các tàu bị bắt cóc mà không gặp bất cứ sự đe dọa nào.

Chúng còn dám tiêu xài thoải mái số tiền chuộc. Ở một đất nước chiến tranh kéo dài suốt 17 năm như Somalia, cướp biển đã trở thành một nghề hấp dẫn nhất đối với người dân bản xứ. Theo thống kê, chỉ trong năm nay, hải tặc Somalia đã kiếm được hơn 30 triệu USD tiền chuộc từ các vụ bắt cóc.

  • Quang Vững (theo Tân Hoa xã)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;