221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1130415
Cướp biển - nghề... hốt bạc ở Somalia
1
Article
null
Cướp biển - nghề... hốt bạc ở Somalia
,
Những tên cướp biển ngày càng táo tợn ở Somalia đang biến đổi các làng mạc nơi đây thành... những thị trấn phát triển. Chúng xây dựng các ngôi nhà bằng đá trắng, đi lại trong những chiếc xe hơi sang trọng, cưới các phụ nữ xinh đẹp và thậm chí thuê cả đầu bếp khách sạn chuẩn bị món ăn kiểu phương Tây cho các con tin.

Và tại một đất nước nghèo khổ như Somalia, nơi mọi cơ quan chính quyền đều đã sụp đổ, cướp biển đã trở thành "anh hùng" tại các sào huyệt của chúng. Lí do, cướp biển chính là nguồn khách hàng duy nhất cho việc kinh doanh tại các thị trấn.

Chiếc tàu đánh cá FV Tian Yu 8 của Trung Quốc cùng toàn bộ thủy thủ đoàn đã bị hải tặc bắt giữ ngoài khơi Somalia hôm 17/11. (Ảnh: Reuters)

"Các tên cướp biển phụ thuộc vào chúng tôi còn chúng tôi thu lợi nhuận từ họ", Sahra Sheik Dahir, một chủ cửa hàng tại làng Harardhere nói. Harardhere là ngôi làng gần nhất với nơi một chiếc tàu chở dầu thô trị giá tới 100 triệu USD của Ảrập Xêút mà hải tặc đang bắt giữ, đã neo đậu hôm 19/11.

Làm ăn phát đạt

Những thị trấn đang phát triển thịnh vượng như Harardhere là điều gây sửng sốt trong bối cảnh bạo lực và nghèo đói tại Somalia. Các phần tử Hồi giáo cực đoan đang nắm quyền kiểm soát phần lớn khu vực miền nam đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoành hành của bọn tội phạm.

Somalia cũng không có bất kỳ chính quyền trung ương hiệu quả nào trong gần 20 năm qua, đẩy quốc gia châu Phi vốn đã kiệt quệ vì nghèo đói này lâm vào tình cảnh hỗn loạn.

Tuổi thọ trung bình tại Somalia chỉ là 45 tuổi. Một phần tư trẻ em chết trước khi lên 5 tuổi.

Tuy nhiên, ở các thị trấn duyên hải miền bắc như Harardhere, Eyl và Bossaso, nền kinh tế cướp biển đang lớn mạnh nhờ nguồn tiền dồi dào từ các khoản tiền chuộc dành cho bọn hải tặc, vốn lên tới 30 triệu USD chỉ tính riêng năm nay.

Sugule Dahir, chủ một cửa hàng quần áo tại Eyl, cho rằng: "Ngày càng có nhiều cửa hàng và việc kinh doanh tiến triển nhờ nạn cướp biển. Các quán cà phê Internet và cửa hàng điện thoại đã được khai trương. Mọi người đều cảm thấy hạnh phúc hơn trước kia".

"Móc túi" hải tặc

Tại Harardhere, các cư dân kéo thành đoàn tới ăn mừng khi chiếc tàu chở dầu khổng lồ dần ló dạng ở ngoài khơi bờ biển bất ổn.

Hải quân Mỹ đã chụp được ảnh của một số tên cướp biển Somalia. (Ảnh: AFP)

Các thương nhân tập hợp thuốc lá, lương thực và các chai soda cam lạnh, dựng quán để bán cho những tên cướp biển gần như vào bờ hàng ngày để mua nhu yếu phẩm dự trữ.

Dahir tiết lộ cô thậm chí đã bắt đầu xúc tiến một kế hoạch ghi nợ dành cho những tên cướp biển. Người phụ nữ này cho biết: "Hải tặc luôn mua chịu đồ và chúng tôi ghi vào sổ nợ. Sau đó, khi họ nhận được tiền chuộc, họ sẽ trả cho chúng tôi rất nhiều".

Các cư dân địa phương luôn bảo đảm rằng bọn cướp biển được cung cấp đầy đủ lá khat - một loại lá gây nghiện thông dụng. Họ cũng không e ngại bòn rút thêm của những tên tội phạm này chút ít tiền.

Abdulqadir Omar, một cư dân ở Eyl, bộc bạch: "Tôi có thể mua một bao thuốc với giá khoảng 1USD nhưng tôi sẽ đòi các tên cướp biển 1,3USD".

Trước kia, ở các ngôi làng cướp biển từng chỉ tồn tại những ngôi nhà được dựng bằng tôn. Tuy nhiên, hiện giờ tại đây đang sừng sững mọc lên những ngôi nhà làm bằng đá trắng.

Shamso Moalim, 36 tuổi, mẹ của 5 đứa con tại Harardhere, nhấn mạnh: "Không cần quan tâm tới việc số tiền đó đến từ đâu, bằng cách hợp pháp hay phi pháp, tôi có thể nói rằng nó đã tạo dựng nên một cuộc sống mới trong thị trấn của chúng tôi.

Con của chúng tôi hiện không phải lo lắng về thức ăn. Chúng tới các ngôi trường Hồi giáo học vào buổi sáng và chơi bóng đá vào buổi chiều. Chúng rất hạnh phúc".

Cách thức hoạt động

Bọn cướp biển thường đối xử với các con tin của chúng khá tốt, thậm chí thuê cả các đầu bếp khách sạn trên bờ nấu những món ăn phương Tây hấp dẫn như spaghetti, cá nướng và thịt quay cho họ với hy vọng sẽ được đền bù hậu hĩnh. Và khi ngày nhận tiền chuộc tới, số tiền thỉnh thoảng thấp một cách bất ngờ.

Bọn cướp biển tiết lộ các khoản tiền chuộc tới tay chúng trong những bao bố, đôi khi được thả xuống từ các trực thăng bay liệng trên bầu trời hoặc trong những chiếc va ly không thấm nước, được chất trên các thuyền nhỏ trong vùng biển hoạt động của chúng.

Aden Yusuf, một tên cướp biển ở Eyl, kể: "Người đàn ông lớn tuổi nhất trên tàu thường nhận trách nhiệm đi lấy tiền vì chúng tôi coi điều đó ít nguy hiểm hơn. Ông ấy sau đó sẽ nhận tiền bồi dưỡng thêm cho hành động của mình".

Các tên cướp biển cũng dùng máy đếm tiền - đồ công nghệ được sử dụng rộng rãi tại các văn phòng thu đổi ngoại tệ khắp thế giới - để đảm bảo rằng đó là tiền thật. Tất cả các khoản chi trả cho hải tặc đều bằng tiền mặt vì Somalia không có hệ thống ngân hàng.

5 trong số 8 nghi can cướp biển bị truy tố ở Kenya. (Ảnh: AP)

Yusuf quả quyết: "Đối với chúng tôi, có được trang thiết bị trên khá dễ dàng. Chúng tôi có quan hệ làm ăn với những người ở Dubai, Nairobi, Djibouti và nhiều nơi khác. Vì vậy, chúng tôi gửi tiền cho họ và họ sẽ gửi ngược lại bất cứ thứ gì mà chúng tôi muốn".

Thực trạng báo động

Bất chấp sự tăng cường hiện diện của các lực lượng an ninh quốc tế, hải tặc Somalia tiếp tục bắt giữ các tàu thuyền, bắt ép chúng di chuyển ra ngoài khơi xa và đòi các khoản tiền chuộc lớn hơn.

Các toán cướp biển hoạt động chủ yếu quanh vùng bán tự trị Puntlnowd, nơi các nhà lập pháp địa phương bị buộc tội đã hỗ trợ chúng và lấy một phần tiền chuộc. Tuy nhiên, phần lớn các quan chức trong vùng đều khẳng định họ không có đủ thẩm quyền truy quét hải tặc.

Trong khi đó, các thị trấn từng bị tàn phá trong nhiều năm vì nghèo đói và hỗn loạn hiện đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà hàng, xe hơi Land Cruiser và quán cà phê Internet. Cư dân địa phương cũng sử dụng phần tiền kiếm được để mua máy phát điện dùng cả ngày - một việc từng được xem là xa xỉ và không thể nào tưởng tượng được tại Somalia.

Hiện chưa có tính toán đáng tin cậy nào về số tên cướp biển đang hoạt động ở Somalia, nhưng nhiều người cho rằng chúng phải lên đến hàng nghìn. Và mặc dù những tên hải tặc đôi khi bị tóm cổ nhưng nghề cướp biển nhìn chung được coi như một sự đánh cược chắc chắn cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hải quân Mỹ nhận định cướp biển không thể có mặt ở khắp mọi nơi. Giới chức Mỹ đang yêu cầu tàu thuyền thuê bảo vệ an ninh tư nhân.

Các tàu chiến tuần tra ngoài khơi Somalia đã ngăn chặn thành công một số vụ tấn công của hải tặc. Tuy nhiên, các vụ tập kích quân sự nhằm giành lại một chiếc tàu bị cướp có tính mạo hiểm rất cao và cho tới giờ vẫn là chuyện hiếm.

  • Thanh Bình (Theo AP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,