221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1130157
Tại sao khó đánh bại cướp biển Somalia ?
1
Article
null
Tại sao khó đánh bại cướp biển Somalia ?
,

Làm sao những tên cướp biển Somalia sử dụng tàu cao tốc lại cản được các chiến hạm từ những nước có hải quân mạnh nhất trên thế giới, để rồi tung hoành trên các tuyến hàng hải có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn cung cấp dầu của thế giới? Câu trả lời ngắn gọn: Đó là một đại dương lớn và không ai muốn làm cảnh sát trưởng.

Cướp biển Somalia trên những con thuyền nhỏ cạnh con tàu Faina bị cướp. (Ảnh: AP)

Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) và Hải quân Mỹ nói rằng, họ không thể kiểm soát khắp nơi trong khi các quan chức Mỹ đang kêu gọi tàu thuyền mua dịch vụ an ninh tư nhân. Các chiến hạm tuần tiễu ở ngoài khơi Somalia đã chặn thành công một số vụ tấn công của cướp biển. Tuy nhiên, các cuộc tấn công quân sự trực tiếp để giải thoát một con tàu nào đó rất nguy hiểm.

Khi bọn cướp biển đoạt được chiến lợi phẩm lớn nhất của chúng hồi cuối tuần qua - một tàu chở dầu thô của Ảrập Xê-út trị giá 100 triệu USD - sự việc này lại làm dấy lên tranh cãi. Bọn cướp biển đã tấn công ở vị trí cách bờ biển Đông Phi hàng trăm kilomet, nơi mà người ta cho rằng tàu bè sẽ được an toàn.

Các chính phủ, hải quân, các công ty dầu mỏ và các chủ tàu thuyền đang cuống cuồng tìm kiếm giải pháp và sẽ là lý tưởng nếu họ tìm thấy một vài lựa chọn.

Công ty an ninh tư nhân Blackwater Worldwide, có trụ sở ở bang Bắc Carolina, từng giành được các hợp đồng lớn từ chính phủ Mỹ để cung cấp dịch vụ an ninh tại Iraq, cho biết công ty dự định đưa tàu MV McArthur dài 55,7m với 14 thủy thủ và đường băng cho trực thăng tới Vịnh Aden để cung cấp dịch vụ hộ tống cho tàu bè qua lại nơi đây.

’’Một số chủ tàu đã liên hệ với chúng tôi, nói rằng họ cần chúng tôi giúp để đảm bảo hàng hóa tới nơi an toàn. Tàu McArthur có thể giúp chúng tôi đảm nhiệm việc đó’’, Bill Matthews, Phó Chủ tịch điều hành của Blackwater, nói trong một thông cáo gần đây.

Các hãng vận tải và các công ty bảo hiếm có xu hướng giảm thiểu các nguy cơ cướp biển. Trường hợp xấu nhất là trả một khoản tiền chuộc, lấy lại tàu, thuyền viên và hàng hóa. Tuy nhiên, những công ty này giờ đây đã thức tỉnh trước tác động kinh tế tiềm tàng mà cướp biển gây ra.

Sự hoành hành của cướp biển có thể buộc các tàu chở hàng và chở dầu đi theo những tuyến hàng hải dài hơn quanh châu Phi, làm gia tăng chi phí và có thể đẩy giá dầu lên cao mặc dù điều đó vẫn chưa xảy ra.

Tự vệ vẫn là cách tốt nhất

’’Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ cướp biển là vấn đề nhỏ, chỉ là những vụ việc lẻ tẻ bị thổi phồng mà thôi. Tuy nhiên, tình hình hiện này đã khác. Tôi không thể tin nổi là máy bay AWACS của chúng ta có thể phát hiện những vật di động song rõ ràng là chúng ta không thể phát hiện những con thuyền nhỏ đầy những tên cướp mang súng máy’’, Giles Merritt, Giám đốc của tổ chức Security & Defence Agenda, nói.

Những tên cướp biển Somalia, tự do hoành hành tại một đất nước không có chính phủ ổn định trong hai thập kỷ qua, đã tấn công hơn 90 tàu thuyền trong năm 2008 và đã bắt giữ thành công 36 tàu, từ tàu chở dầu cọ, tàu chở hóa chất cho tới những chiếc thuyền buồm sang trọng. Chúng đã thu về hàng triệu đôla tiền chuộc và đang đàm phán về số phận của hơn 15 con tàu hiện đang bị giữ tại các sào huyệt của chúng dọc bờ biển Somalia.

Ngày càng có nhiều áp lực sử dụng nhiều chiến hạm để tuần tiễu. Ngoại trưởng Ảrập Xê-út là Hoàng thân Saud al-Faisal nói hôm 18/11 rằng quốc gia này đã sẵn sàng cùng hành động với quốc tế. Ảrập Xê-út có 18.000-20.000 lính hải quân song chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào trên biển. Các quan chức từ Djibouti, Ai Cập, Jordan, Ảrập Xê-út và Sudan sẽ gặp gỡ vào thứ Năm tới tại Cairo để vạch ra một chiến lược chống cướp biển.

TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, NATO, Hải quân Mỹ và các nước khác nói rằng không dễ dàng chút nào để phát hiện ra thuyền cao tốc của bọn cướp biển và chặn mũi chúng.

Theo các quan chức quân sự, khu vực biển mà tàu bè dễ bị bọn cướp biển tấn công rộng 6,5 triệu km2, do vậy không thể tuần tra một cách hiệu quả.

Cướp biển sử dụng ’’các con tàu mẹ’’ lớn hơn để kéo những chiếc thuyền nhỏ và nhanh hơn mà chúng sử dụng trong các cuộc tấn công cách bờ biển hàng trăm kilomet. Vấn đề là những con tàu mẹ lại là những tàu đánh cá bị cướp, do vậy không thể nhận ra chúng trong số hàng nghìn tàu bè đi lại ở vùng biển này.

Giới quân sự nói rằng radar của họ phát hiện được bọn cướp biển đang lảng vảng và họ báo động cho thủy thủ của những con tàu bị đe dọa. Tuy nhiên, Ấn Độ dương và vịnh Aden quá lớn. Tàu chiến không thể hộ tống mọi tàu thuyền và không thể lúc nào cũng phát hiện kịp thời các cuộc tấn công của cướp biển.

Trọng tâm của các tàu chiến là vịnh Aden, nằm giữa Somalia và Yemen, nơi 20.000 tàu thương mại đi qua mỗi năm trên đường vào, ra kênh đào Suez - tuyến hàng hải nhanh nhất từ châu Á tới châu Âu và châu Mỹ. Ba tàu của NATO và Nga, cũng như 15 tàu chiến từ lực lượng hải quân đa quốc gia đang tuần tiễu ở đó, cùng với một số tàu không xác định được của Hải quân Mỹ.

Các tàu chiến này đã thiết lập một hành lang bảo vệ chạy qua vịnh Aden. Tuần trước, các tàu của NATO đã đọ súng với những tên cướp biển đang tìm cách cướp một tàu Đan Mạch. Mặc dù vậy, hôm 18/11, cướp biễn đã bắt giữ thành công một tàu của Hong Kong đang chở lúa mỳ tới Iran.

Việc bọn cướp biển cướp tàu chở dầu Sirius Star của Ảrập Xê-út đã mở ra một mặt trận hoàn toàn mới, xa hơn nữa ở Ấn Độ dương, cách vịnh Aden một quãng đường ngang bằng khoảng cách từ Paris tới Moscow. Vụ việc nêu bật mối đe dọa đối với một tuyến hàng hải quan trọng khác. Đó là tuyến hàng hải đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi mà các tàu quá lớn, không thể qua kênh Suez, sử dụng.

’’Các công ty vận tải phải hiểu rằng lực lượng hải quân không thể có mặt ở mọi nơi. Các biện pháp tự vệ là cách tốt nhất để bảo vệ tàu thuyền của họ’’, Phó Đô đốc Bill Gortney của Mỹ, chỉ hủy các lực lượng hải quân phối hợp trong Hạm đội 5, phát biểu sau khi tàu Sirius Star bị bắt giữ.

Trì hoãn tấn công quân sự

Tàu Sirius Star (Ảnh: AP)

Cướp biển thường tấn công bằng những tàu cao tốc cỡ nhỏ, sử dụng dây và thang để leo lên thành tàu rồi bắt giữ các thủy thủ. Ngay khi chúng đã chiếm được tàu, hành động quân sự nhằm giải thoát tàu rất nguy hiểm. Cướp biển là những chiến binh được huấn luyện, có nhiều vũ khí tự động, súng phóng lựu và chúng cầm giữ các thủy thủ làm con tin.

Hôm 18/11, NATO và Hải quân Mỹ nói rằng sẽ không cố can thiệp để giải cứu tàu Sirius Star và bọn cướp biển đã đưa con tàu này cùng 25 thủy thủ tới Harardhere, một trong số các hang ổ của bọn cướp biển trên bờ biển Somalia.

Người ta biết rõ các sào huyệt của bọn cướp biển trên bờ biển này. Tuy nhiên, chẳng có chính phủ nào đề xuất sử dụng quân đội để triệt phá những hang ổ này, không muốn dính líu tới những bất ổn ở Somalia. Ngoài ra, một cuộc tấn công đẫm máu có thể gây bất lợi cho chính phủ trung ương của Somalia, vốn đang bị các chiến binh Hồi giáo bao vây.

Những chiến binh này còn là một mối nguy khác. Cho tới nay, cướp biển vẫn chưa liên kết với các chiến binh al-Qaeda ở Somalia song tình hình có thể thay đổi.

’’Nếu cướp biển có súng máy có thể cướp tàu chở dầu, bạn có thể tưởng tượng việc al-Qaeda có thể làm nếu chúng thực sự muốn’’, Olivier Jakob, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường dầu mỏ Petromatrix của Thụy Sĩ, nói.

Giải pháp

Giải pháp của quân đội Mỹ là khuyên tàu bè thuê dịch vụ an ninh tư nhân. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành vận tải lại chần chừ, lo sợ lính gác có vũ trang sẽ kích động cướp biển gia tăng bạo lực. Cho tới nay, bạo lực vẫn ở mức thấp.

Cướp biển có tổ chức gần như chưa từng làm hại các con tin và hiếm khi đánh cắp hàng hóa. Chúng thích các khoản tiền chuộc hơn. Và một số chuyên gia nói rằng tiền chuộc có thể lên tới 2 triệu đôla.

Một giải pháp khác có thể là lập các nhóm an ninh không vũ trang. Sử dụng các vòi nước để chống lại những tên cướp biển đang tấn công đã tỏ ra có tác dụng trong quá khứ. Thậm chí bôi dầu trơn để cướp biển không thể leo lên tàu cũng có thể thành công.

’’Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu trong 24 giờ qua từ các chủ tàu và các nhà quản lý của những công ty dầu mỏ Ảrập Xê-út để triển khai các nhóm an ninh trên tàu’’,  Nick Davis thuộc công ty Các giải pháp an ninh hàng hải chống cướp biển ở Anh, nói.

Các công ty hàng hải đang thử những giải pháp khác, trong đó có việc tránh sử dụng kênh Suez để khỏi đi vào vịnh Aden. Điều đó có nghĩa là họ phải đi vòng qua châu Phi với tuyến đường dài hơn.

Cho tới nay, giá dầu đang giảm do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được nguy cơ cướp biển, tình hình có thể thay đổi, Jakon, chuyên gia marketing dầu mỏ cảnh báo.

  • Minh Sơn (theo Newsweek)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,