300.000 camera an ninh được lắp đặt; 100.000 thành viên lực lượng chống khủng bố triển khai; 440.000 nhân viên an ninh; Tên lửa đất đối không ở những địa điểm chính; An ninh kiểu sân bay tại các ga xe điện ngầm; Kiểm tra kỹ càng xe buýt, ô tô; Thắt chặt quy định cấp visa...
Đó chỉ là những con số tiêu biểu mà Trung Quốc thực hiện với nỗ lực đảm bảo an ninh cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới - Olympic 2008.
Hơn 400.000 cảnh sát được triển khai tại Bắc Kinh. (Ảnh Reuters)
Hệ thống giám sát dày đặc
Xây dựng hệ thống giám sát mức độ cao trong thành phố, Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới sức mạnh "vượt tầm" khỏi Olympic mùa hè năm nay. Ở khắp thủ đô, có khoảng 300.000 hệ thống giám sát được lắp đặt, tại khu vực trung tâm, cứ 20 mét lại có một camera an ninh.
"Chúng tôi không hề lo lắng về an ninh, chính phủ đã tạo ra môi trường an toàn", một phụ nữ trung tuổi mặc áo tình nguyện Olympic nói. "Ở đây, chúng tôi nhìn thấy camera khắp mọi nơi".
Trung Quốc đã không phủ nhận rằng, an ninh là ưu tiên quan trọng hơn cả những lĩnh vực khác của Olympic như thể thao hay văn hóa. "Một Olympic an toàn là tiền đề cho một thế vận hội đầu tiên mang màu sắc Trung Quốc", ông Tập Cận Bình, phó Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.
Hơn 100.000 nhân viên an ninh được điều động tại Bắc Kinh, bóng quân phục của lực lượng cảnh sát vũ trang Nhân dân Trung Quốc giờ đây trở nên quen thuộc trên từng góc phố.
Khu vực quanh làng Olympic được bảo vệ bởi mạng lưới tên lửa đất đối không dày đặc, máy bay không người lái được huy động để tuần tra bầu trời.
Đảm bảo an ninh tại các thành phố Olympic là điều không còn mới mẻ, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ. Athens đã chi số tiền kỷ lục gần 1,5 tỉ USD riêng cho việc giữ trật tự Olympic. Trung Quốc không công bố con số cụ thể, nhưng ước tính ít nhất ở mức ngang bằng.
Những điểm kiểm tra an ninh "mọc lên như nấm" tại các ga tàu điện ngầm, ga xe lửa, mạng lưới xe buýt đường dài trong thủ đô.
Sân bay mới nâng cấp của Bắc Kinh đã thiết lập các điểm kiểm tra an ninh ở mọi lối vào nhà đón khách. Thậm chí chính quyền thành phố đã thông báo dừng mọi chuyến bay trong suốt thời gian diễn ra lễ khai mạc Olympic tối 8/8.
Xe cộ đi vào thủ đô phải xếp hàng dài ở các điểm kiểm tra an ninh. Một danh sách dài các vật dụng cấm mang trong bưu kiện mà bưu điện ban hành gồm cả chất lỏng và đồ điện tử. "Fed Ex không muốn cung cấp một hộp USB cho chúng tôi", một người Anh làm việc trong công ty giáo dục tại Bắc Kinh than phiền. "Ban đầu họ nói sẵn sàng, về sau lại không, và chúng tôi hiểu rằng, họ nghĩ nó giống như thùng đạn".
Quy định cấp visa chặt chẽ hơn được áp dụng. Bất cứ ai có hồ sơ "rắc rối" đều bị loại khỏi danh sách.
Báo chí và truyền hình Trung Quốc liên tiếp đưa tin, hình ảnh về nỗ lực chống khủng bố của Trung Quốc cho Olympic, những cuộc diễn tập với lực lượng đặc nhiệm mang súng máy, giải cứu con tin, đột nhập tòa nhà, bắn hơi cay, điều khiển chó nghiệp vụ...
Trên đường phố, người dân nói chung ủng hộ các biện pháp tăng cường an ninh của chính phủ, cho dù việc thường xuyên kiểm tra túi xách và chứng minh thư đôi khi gây ra bất tiện. "Chúng tôi chỉ muốn Thế vận hội diễn ra thuận lợi", Lưu Thụ Phương, một chủ cửa hàng rượu và thuốc lá tại Bắc Kinh nói. "Những biện pháp an ninh là rất quan trọng".
Thưởng cho thông tin tốt
Cơ quan Công an Bắc Kinh đã tuyên bố hình thức thưởng cho những thông tin giá trị về nguy cơ đe dọa an ninh trong suốt kỳ Olympic. Để huy động người dân tham gia việc duy trì đảm bảo an ninh, cũng như kiểm soát và loại trừ mọi nguy cơ với Olympic", mỗi người dân có thông tin giá trị về những mối đe dọa lớn trong suốt thời gian từ 10/7-31/10 sẽ được thưởng từ 10.000 nhân dân tệ (1.460 USD) đến 500.000 nhân dân tệ.
Lực lượng bộ binh thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đóng tại Bắc Kinh và quân ở ba khu vực lân cận sẽ cùng tham gia đảm bảo an ninh cho thế vận hội.
Những thành phố tổ chức Olympic cũng đã thiết lập vùng cấm bay, những khu vực cấm và hạn chế đi lại xung quanh địa điểm thi đấu trên mặt nước. Những nguy cơ trên không sẽ được cảnh báo và ngăn chặn, trước mọi sự kiện thi đấu trên mặt nước, người nhái sẽ kiểm tra an ninh kỹ càng.
Phó giám đốc cơ quan cứu hỏa Bắc Kinh cho hay, lần đầu tiên, lực lượng cứu hỏa thành phố được yêu cầu cùng với những đơn vị khác chia sẻ nhiệm vụ chống tấn công khủng bố và những trường hợp khẩn cấp khác. Thành phố cũng lên kế hoạch bốn bước nhằm khống chế hỏa hoạn trong vòng 10 phút.
Nhân viên an ninh cùng chó nghiệp vụ chuẩn bị kiểm tra Sân vận động Quốc gia (còn gọi là sân vận động Tổ chim - Ảnh AFP)
Tại những điểm giao thông chính trong thành phố, cảnh sát vũ trang luôn trong tình trạng báo động. Họ được hỗ trợ bởi những người tình nguyện mang băng đỏ là thành viên đội tuần tra an ninh Olympic.
Chi phí kỷ lục
Theo tờ Time, Hiệp hội Công nghiệp An ninh (SIA), tổ chức có trụ sở tại Washington đã đưa ra báo cáo cho hay, việc Trung Quốc đầu tư cho hệ thống camera giám sát và những biện pháp khác - 300 triệu USD tại các địa điểm Olympic và 6,5 tỉ USD cho Bắc Kinh - sẽ khiến cho Bắc Kinh trở thành một thành phố được bảo vệ lớn nhất trong lịch sử Thế vận hội. Athens, nơi tổ chức Olympic mùa hè đầu tiên sau vụ 11/9, chi chưa đầy 1/4 so với Bắc Kinh cho đảm bảo an ninh (khoảng 1,5 tỉ USD).
Báo cáo của SIA có sự kết hợp với một hãng nghiên cứu thị trường tại Trung Quốc. Theo đó, gần một nửa quỹ chi cho các địa điểm Olympic là đổ vào đảm bảo an ninh phòng tập, khu vực thi đấu, cơ sở huấn luyện, khách sạn, nhà ở của vận động viên và trung tâm y tế. Lối vào những khu vực này được kiểm soát chặt chẽ bởi những thiết bị điện tử và sinh trắc học.
Trung Quốc đã thiết lập lực lượng chống khủng bố và xử lý bom để đối phó với những nguy cơ đe dọa Olympic, mặc dù không đưa ra chi tiết về quy mô hay chi phí. Gần 30 triệu USD được chi vào việc lắp đặt video giám sát ở những địa điểm Olympic.
“Hệ thống giám sát mà Trung Quốc triển khai cho Olympic bao gồm việc sử dụng công nghệ tối tân phương Tây là hệ thống tinh vi và đắt giá nhất từ trước tới nay”, James C. Mulvenon thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích tình báo tại Washington cho biết.
Giao thông ùn tắc vì kiểm tra an ninh
Ngoài hàng loạt biện pháp an ninh được áp dụng, Trung Quốc yêu cầu mọi xe cộ vào thành phố Bắc Kinh đều phải qua kiểm tra.
Kế hoạch an ninh mang tên "Tuyến phòng thủ" được bắt đầu từ 15/7 bao gồm hàng trăm điểm kiểm tra với sự hiện diện của cảnh sát vũ trang xung quanh thủ đô. Trung Quốc cam kết sẽ ngăn chặn bất kể hàng hóa và người nào thuộc diện tình nghi vào Bắc Kinh dịp trước và trong Olympic diễn ra từ 8-24/8 và Paralympic từ 6-17/9.
Nước này cũng khuyến cáo người dân kiên nhẫn trước mọi biện pháp an ninh được áp dụng. Kế hoạch an toàn giao thông cũng diễn ra với hàng trăm điểm kiểm tra tương tự ở Hà Bắc, khu vực lân cận Bắc Kinh.
Riêng trong ngày đầu tiên áp dụng kiểm tra xe, ít nhất sáu tuyến đường chính vào thành phố đã bị tắc nghẽn. Một dòng xe ô tô dài chừng 2km "chết dí" tại điểm kiểm tra trên đường quốc lộ Bắc Kinh - Thiên Tân. "Tôi không thể nào dịch chuyển trong suốt hai giờ, tôi chỉ ngồi và chờ đợi", một tài xế họ Lâm cho biết. "Phải mất khoảng 20 phút để kiểm tra một xe".
Xe cộ không đăng ký tại Bắc Kinh phải có giấy phép ra vào thành phố, trong khi các xe đăng ký ở thủ đô thì phải vượt qua kiểm tra lượng khí thải nhằm hạn chế ô nhiễm. Từ ngày 20/7, cảnh sát tại các điểm kiểm tra ở Bắc Kinh và Hà Bắc còn tăng cường kiểm tra kỹ lưỡng hơn nữa "những xe và người tình nghi".
“Tôi tin là Olympic Bắc Kinh hiện nay thực sự phải đối mặt với nguy cơ tấn công khủng bố", Lý Vệ, một chuyên gia chống khủng bố thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc nói. “Tôi cho rằng, Olympic là sự kiện thể thao quốc tế quan trọng nhất trong bốn năm, nó sẽ là sự thu hút lớn nhất với báo chí quốc tế, và vì đó cũng là tâm điểm của các nhóm khủng bố".
Bóng ma khủng bố luôn hiện diện ở mỗi kỳ Olympic kể từ khi trong Thế vận hội mùa hè 1972 Munich, 11 vận động viên Israel đã bị giết chết.
Lễ khai mạc Olympic tới gần, và khắp thế giới đều hướng tới Bắc Kinh cùng mong muốn một Olympic bình yên...
- Kỳ Thư (tổng hợp)