Olympic Bắc Kinh còn hai năm nước rút và không chỉ có các vận động viên và người dân Trung Quốc mới đang nỗ lực xây dựng một ''tinh thần thể thao''.
Sẽ có hai A1 Grand Prix tại Trung Quốc trong mùa đua tới |
Khởi động chiến dịch
Không tính đến những địa điểm thi đấu, hệ thống bể bơi, sân tập... đội ngũ chuyên gia marketing được đào tạo thành thục từ rất nhiều công ty đại gia trên thế giới đều đang ''quăng mình'' vào chiến dịch nghiên cứu lớn - thị trường tiềm năng với 1,3 tỉ người tiêu dùng đại lục.
Tốc độ tăng trưởng mạnh về kinh tế của Trung Quốc đang làm thu nhập và mức sống của người dân ngày một nâng cao, đặc biệt là khu vực thành thị.
Người ta chứng kiến để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc đã chú trọng hơn nhiều vào thể thao, kể cả việc tăng thời lượng phát sóng truyền hình các chương trình đá bóng, bóng bàn, đua mô tô, bóng rổ, bóng chuyền.
Và các công ty thì ra sức tìm kiếm đối tác trong những sự kiện thể thao hoặc tăng sức cạnh tranh, nói một cách khác là mở rộng đường tiếp cận với thế hệ người hâm mộ thể thao Trung Quốc.
Quy định
Nhà tổ chức, đội ngũ kinh doanh muốn xâm nhập thị trường phải luôn chú ý tới những quy định mà chính quyền Trung Quốc đưa ra.
Tìm ra một chiến lược thành công ở Trung Quốc không phải điều dễ dàng, đặc biệt trong việc thiết lập quan hệ với đối tác địa phương. Trung Quốc là một nước có sự khác biệt vùng miền rất lớn với chừng 171 thành phố trên một triệu dân.
Gần đây, hội thảo C-Zone đã được tổ chức ở sân vận động Stamford Bridge của câu lạc bộ Chelsea thuộc London. Đại biểu tham dự là các nhà lãnh đạo thể thao cùng giới doanh thương (kể cả quan chức tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008), mở ra một số cơ hội kinh doanh mới tại Trung Quốc.
"Phải nhớ rằng, thể thao ở Trung Quốc có sự tác động của chính quyền'', Mark Thomas, Giám đốc nhà tổ chức hội nghị S2M, một hãng chuyên nghiên cứu về thể thao và lối sống Trung Quốc, nói. "Không có hợp đồng nào có thể ký kết mà không có sự chấp thuận của chính quyền trung ương hay địa phương. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng khổng lồ cho marketing thể thao".
Người hâm mộ
Adidas là một trong những hãng tìm kiếm sự thuận lợi để chinh phục thị trường đại lục. Chiến lược của họ bao gồm cả việc ủng hộ đội bóng chuyền nữ Trung Quốc hay sử dụng tên tuổi David Beckham.
Danh tiếng Beckham tại Đông Á khá phổ biến, và ở Trung Quốc, đại gia thể thao đến từ nước Đức đã tung ra loạt quần sao với hình cầu thủ này đang chơi bóng.
Với những người hâm mộ bóng chuyền, chiến lược của Adidas được sử dụng kiểu như ''virut quảng cáo internet'' để hướng tới lượng fan trẻ tuổi. "Một hình thức thông thường là có riêng blog để người hâm mộ giao lưu với vận động viên. Chúng tôi còn sản xuất một seri hoạt họa mang phong cách Nhật Bản để giới thiệu các thành viên đội tuyển với công chúng'', Marcus Kam, đứng đầu bộ phận marketing tại Adidas Trung Quốc cho biết.
Một hoạt động cũng hay áp dụng nữa là ký kết tài trợ trang thiết bị cho đội tuyển Trung Quốc tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.
Quảng bá xuyên quốc gia
Một hãng khác được coi là ''đối tác hàng đầu'' chính thức của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) là hãng máy tính Trung Quốc Lenovo.
Theo Tạ Long, người phụ trách mảng tài trợ Olympic của công ty thì: "Chúng tôi tin rằng, thể thao - đặc biệt là Olympic - là cách thức mạnh nhất để chúng tôi quảng bá Lenovo với toàn thế giới".
Hãng này đang nỗ lực đưa tên tuổi mình vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc bằng cách hợp tác quảng bá với những đối tác IOC khác như Visa, Coca-Cola và Kodak. Lenovo cũng đã ký hợp đồng với danh thủ Ronaldinho để tiếp cận thêm với người tiêu dùng đại lục.
Một biện pháp xâm nhập thị trường Trung Quốc còn là ''cúp đua motor thế giới'', A1 Grand Prix. Cuộc đua bắt đầu từ năm ngoái với các đội tuyển quốc tế - kể cả Trung Quốc. Cuộc đua ở Thượng Hải được đánh giá cao, và một cuộc đua tại Bắc Kinh đã giúp cho Trung Quốc trở thành nước chủ nhà duy nhất tổ chức hai cuộc đua 2006/2007.
Theo Tổng giám đốc A1 Grand Prix, Stephen Watson, yếu tố thành công bắt nguồn từ một số nhân tố: "Chúng tôi nhằm tới màu cờ sắc áo, cổ xúy người hâm mộ nữ giới, có quan hệ đối tác địa phương chắc chắn... Điều này là rất quan trọng. Chúng tôi cũng thiết lập được sự tiếp cận tốt với đội ngũ truyền hình quốc gia và thành phố. Và chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng, thương hiệu quốc gia là mục tiêu bảo trợ hàng đầu của chúng tôi''.
Thách thức
Nỗ lực của những nhà đầu tư thể thao có thể bị đổ xuống sông xuống biển nếu bản quyền, quyền quảng bá... của họ bị xâm phạm. Các thành phố Trung Quốc ''nổi tiếng'' với việc bán hàng ''nhái'' phương Tây, nhiều logo dễ dàng được ''tái sản xuất''.
Trong suốt mùa World Cup vừa qua, người ta đã thấy nhiều quả bóng Adidas bày bán ở Bắc Kinh.
Rebecca Ordish, một chuyên gia nghiên cứu sở hữu bản quyền Trung Quốc tại Rouse International, nói: "Một số người cho rằng, nỗ lực bảo vệ bản quyền ở Trung Quốc chẳng có giá trị gì, nhưng nếu làm được việc này, đặc biệt có văn bản pháp lý là rất ích lợi. Đó là thách thức lớn và các hãng phải có kế hoạch riêng. Phải chuẩn bị tốt, có các hợp đồng rõ ràng, sử dụng tư vấn địa phương, thiết lập quan hệ đối tác tốt...''.
Và Trần Phong, phó giám đốc Uỷ ban tổ chức Bocog Bắc Kinh 2008 thì nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng Olympic sẽ nâng cao được ý thức của công chúng và giới doanh nhân về vấn đề bảo vệ bản quyền. Đó sẽ không chỉ là bài học cần kế thừa từ Olympic mà còn cung cấp cho chúng tôi cơ hội lớn để kinh doanh hàng hóa Trung Quốc với các đối tác, những công ty nước ngoài''.
- Kỳ Thư (Theo BBC)