Chỉ tốn vỏn vẹn 120 ngàn đồng mua hóa chất tại chợ Kim Biên, các điểm sản xuất “chui” có thể cho ra đời đến… 200 lít nước rửa chén không nhãn hiệu! Bán giá nào cũng có lời. Nhưng mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe thì chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ.
Tin bài mới trên VNN:
Hà Nội: Dây điện cháy nghi ngút trên phố Nguyễn Du
Ôtô trong nước lại bứt phá
Khám phá làng lư đồng đệ nhất Sài thành
Hóa chất độc hại làm nước rửa chén
Xâm nhập một số cơ sở sản xuất nước rửa chén không nhãn mác, đập vào mắt là hàng loạt những bình nhựa chứa rất nhiều các thể loại hóa chất mà không được ghi rõ ràng công thức hay thành phần và xuất xứ. Có loại chỉ cần mở nắp, mùi hóa chất đã xộc lên mắt lên mũi gây cảm giác khó thở vô cùng.
Trên thị trường hiện nay có vô số các loại nước rửa chén không rõ xuất xứ, nguồn gốc.
Khi được hỏi thăm là sản phẩm được sản xuất như thế nào, các công nhân ở đây cho hay: “Liều lượng đã có sẵn, đổ vào một thùng to trộn lại rồi thêm màu, hương thơm là có thể mang đi bán”. Thế nhưng, khi được hỏi tỉ lệ, liều lượng từ đâu ra, thì hầu hết chỉ trả lời là cứ pha theo chỉ dẫn của nơi bán nguyên liệu hoặc do người trước chỉ lại, rồi trong quá trình làm ước chừng, thấy dung dịch có độ đặc, sệt sệt là được”.
Tiến sỹ công nghệ hóa học Phạm Thành Quân – Trưởng khoa Kỹ Thuật hóa học, trường đại học Bách Khoa cho biết: “Để chế biến các sản phẩm nước rửa chén trôi nổi trên thị trường hiện nay, chủ sản xuất thường sử dụng những hóa chất bán bừa bãi không nguồn gốc và xuất xứ nên thành phần hóa học cũng không được bảo đảm, cộng thêm các loại phẩm màu độc hại”.
“Để giảm giá thành tối đa, hầu hết các loại nước rửa chén trôi nổi không nguồn gốc hiện nay đều sử dụng kiềm và phẩm màu công nghiệp nhập từ Trung Quốc (trong khi lẽ ra nước rửa chén đạt chuẩn phải sử dụng phẩm màu thực phẩm). Hàm lượng hóa chất, công thức pha chế cũng không thể nào kiểm soát nổi. Bản thân các loại hóa chất này đã độc hại, nhưng nếu pha chế không đúng tiêu chuẩn, chúng sẽ tương tác với nhau để trở thành các chất độc hại hơn với sức khỏe con người”.
Một số người nội trợ cũng như nhiều hàng quán, đặc biệt là các quán ăn bình dân, vỉa hè như các quán ốc, phở, hủ tiếu… tìm đến loại nước rửa chén trôi nổi này với suy nghĩ đơn giản: Tiết kiệm được một phần chi phí. Tuy nhiên, họ lại không hề biết rằng đây chính là mối đe dọa với sức khỏe.
Nước rửa chén trôi nổi chứa nhiều kiềm nên có “đặc điểm” rất nhớt, muốn rửa sạch phải mất nhiều thời gian, không ít hàng quán bình dân, vỉa hè như các quán ốc, bún, phở, hủ tiếu… mang chén đĩa lên dùng chỉ sau vài lần tráng nước. Bằng cách đó, hóa chất độc hại chứa trong nước rửa chén trôi nổi sẽ dễ dàng bám lại trên bề mặt chén đĩa, sau đó xâm nhập vào cơ thể và tích tụ lại gây ra những bệnh nguy hiểm.
Lợi bất cập hại
Bác sỹ Trần Văn Ký - Ủy viên ban chấp hành Trung ương - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam - Phụ trách An toàn Vệ sinh Thực phẩm phía Nam cảnh báo: “Nhiều người cho rằng dùng nước rửa chén trôi nổi chỉ có bất lợi duy nhất là hay bị ngứa, hay bị ăn mòn da mà thôi. Nhưng thực tế là hóa chất ngoài tác động trực tiếp lên da, gây viêm da, dị ứng da, nổi mề đay, nó còn có thể thấm thấu qua da tích tụ trong người. Đặc biệt, nếu rửa không kỹ, các hóa chất này bám trên chén đĩa, thìa đũa rồi từ đó dính vào thức ăn đưa vào người. Nhẹ thì dẫn đến ngộ độc mãn tính, gây tổn thương nội tạng như tổn thương ruột, suy gan, suy thận hay nguy hiểm nhất là ung thư”.
Thấy rất rõ mối nguy hại này nên thời gian qua, khi các đoàn thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra các hàng quán, đặc biệt là các hàng quán bình dân, vỉa hè, lề đường… đoàn luôn chú ý đặc biệt đến việc kiểm tra nước rửa chén được sử dụng. Nếu phát hiện các quán hàng dùng nước rửa chén trôi nổi, không nhãn mác, không nguồn gốc sẽ lập tức tịch thu, tiêu hủy và tiến hành xử phạt nặng. Tuy nhiên, với các hộ gia đình thì không ít bà nội trợ vẫn đang dùng loại hóa chất độc hại đó để rửa chén bát cho chính người thân của mình ăn uống mỗi ngày!
Bác sỹ Trần Văn Ký cũng khuyến cáo thêm: “Người tiêu dùng không nên ham giá rẻ, mong tiết kiệm được một chút chi phí mà tìm đến những sản phẩm trôi nổi không nguồn gốc. Vì bớt được vài ngàn đồng nhưng cái giá phải đánh đổi lại chính là sức khỏe của bản thân và cả gia đình”.
- Thúy Ngà