(VietNamNet) - Từ 2 - 9/11 tại TP.HCM, số người mắc bệnh tiêu chảy đã tăng hơn 3 lần dù chưa có ca nào được xác định là tiêu chảy cấp...
Bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy cấp (Ảnh: VNN) |
Chưa có "tiêu chảy cấp"
Theo thông tin mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, ngày 9/11/2007 có đến 70 người bị tiêu chảy nhập viện. Con số này tăng gấp nhiều lần so với 19 người ngày 2/11/2007.
Tất cả người mắc bệnh là những ca thông thường, chưa có biểu hiện liên quan dịch tiêu chảy cấp.
Riêng hai trường hợp bệnh tiêu chảy cấp nhập viện BV Bệnh Nhiệt đới và BV Gia Định vào tối 8/11 có những dấu hiệu nghi ngờ cao về tiêu chảy cấp. Nhưng kết quả soi phân không có vi trùng phẩy tả, chưa thấy mối liên hệ với tiêu chảy cấp. Trường hợp bệnh nhân ở BV Nhân dân Gia Định đã xuất viện vào sáng 9/11.
Tuy TP.HCM chưa xuất hiện người mắc tiêu chảy cấp nhưng TP.HCM đã tăng cường công tác truyền thông phổ biến thông tin về bệnh tiêu chảy cấp qua đài phát thanh, truyền hình, qua loa phóng thanh khắp 24 quận, huyện. |
Trường hợp ở BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân đã được lưu ý cấy phân nhưng kết quả âm tính sau 12 giờ đầu nên đến nay, chỉ mới xác nhận là trường hợp mắc tiêu chảy thông thường. Kết quả cấy phân sẽ tiếp tục được theo dõi. Bệnh nhân đã được chuyển xuống khu điều trị dành cho bệnh nhân tiêu chảy thông thường.
Giải thích về hai trường hợp “nghi ngờ cao” này, BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TP.HCM cho biết, do bệnh nhân quá lo lắng thông báo thông tin cho người nhà sai lệch (30 lần tiêu chảy trong vài giờ đồng hồ), lại tự chữa trị ở nhà tới lúc quá yếu mới vào viện. Do vậy, nên khi đo huyết áp và thấy tình trạng nạn nhân đuối sức thì bác sĩ có sự nghi ngờ cao. Những biểu hiện này ở bệnh nhân rất giống tiêu chảy cấp.
Không vắc-xin, phập phồng chờ tiêu chảy cấp
BS Trần Tịnh Hiền Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCMcho rằng, sắp tới, TP.HCM khó tránh khỏi "tiêu chảy cấp"!
BS Hiền cho biết, vắc-xin ngừa tả hầu như chưa có trong thực tế. Trước đây, đã có vắc-xin uống ngừa bệnh tả do BS Đặng Đức Trạch, nguyên viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu. Loại vắc-xin này đã từng được công bố trên y văn thế giới từ năm 1996, đạt hiệu quả ngừa bệnh là 65%.
Tuy nhiên, BS Hiền nói: "Theo tôi biết, loại vắc-xin uống này chưa có trên thị trường, các nhà thuốc và bệnh viện".
BS Hiền cũng cho biết thêm, trước đây, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện loại vắc-xin ngừa tả dạng tiêm nhưng do gây nhiều biến chứng nên không còn được sử dụng. Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang nghiên cứu một số vắc-xin nhưng tác dụng chưa cao, chưa có kết quả mới!
Còn BS Phan Văn Nghiệm lại cho rằng, hiện có vắc-xin tiêm ngừa tả có giá 100.000 đồng/liều, nhưng chưa phổ biến tới nhiều người dân. Nếu phải đồng loạt tiêm phòng cho toàn dân thì chi phí không nhỏ...
Quán ăn vỉa hè nếu không đảm bảo vệ sinh thật tốt sẽ là nguy cơ lớn dễ làm lây lan nhanh tiêu chảy cấp (Ảnh: VNN) |
Trước tình hình bệnh tiêu chảy lan nhanh, BS Phan Văn Nghiệm khuyến cáo người dân đến ngay bệnh viện khi có triệu chứng tiêu chảy.
Theo vị BS này, đến bệnh viện và được điều trị càng sớm, bệnh nhân càng mau hồi sức.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, bác sĩ sẽ soi phân và có kết quả ngay để biết có phẩy trùng tả hay không. Tuy nhiên, muốn xác định chính xác nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do vi khuẩn, bác sĩ sẽ phải cho thực hiện cấy phân của bệnh nhân để xét nghiệm. Thời gian cho kết quả từ khoảng sau 24 giờ tới 72 giờ.
Theo BS Nghiệm, cần phân biệt tiêu chảy thông thường và "tiêu chảy cấp". Tiêu chảy thông thường thường là do ăn uống không hợp vệ sinh hoặc rối loạn tiêu hoá dẫn tới tiêu chảy. Đôi khi, có trường hợp do lo sợ quá về một chuyện gì đó trong đời sống, hồi hộp hay bị stress cũng gây tiêu chảy. Những trường hợp này, thời gian tiêu chảy không kéo dài nhưng vẫn mất sức do mất nước.
Khác với tiêu chảy thông thường, bệnh "tiêu chảy cấp" là do vi trùng gây bệnh, kéo dài ngày hơn, biểu hiện mất nước nhanh, nếu không kịp bù nước điện giải, có nguy cơ tử vong cao. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Một người bị nhiễm có thể lan nhanh tới hàng trăm, hàng ngàn người khác.
Bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống, lan từ tỉnh này sang tỉnh khác rất nhanh.
Các bác sĩ cho rằng, tiêu chảy cấp là bệnh dễ phòng ngừa. Người dân chỉ cần ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh, chú ý xử lý nước khi sử dụng, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Chén đũa dùng nên rửa sạch, để cao ráo và tốt nhất là được dội qua nước sôi.
-
Vinh Giang