(VietNamNet) - Dọc theo 10 km đường núi có đến 5 ngôi đền và 1 ngôi chùa. Tất cả đều mới mẻ khang trang, tất cả đều được trông nom hương khói chu đáo sạch sẽ trong khi ngay giữa trung tâm thị trấn du lịch Tam Đảo, nơi đất đắt hơn vàng, vẫn còn rất nhiều khu bỏ hoang, nhiều khách sạn xuống cấp, nhiều đổ nát chưa ai dọn dẹp. Nghe các vị thủ từ kể chuyện, ta có thể nhận ra những mạch ngầm bền bỉ đã giữ cho các tín ngưỡng dân gian được lưu truyền suốt mấy ngàn năm, bất chấp các thăng trầm thế cuộc.
Ấy là vào những năm 1980 khi đời sống hàng ngày còn vô cùng khó khăn. Thi thoảng công đoàn cấp cho một suất ô tô, thế là cơ quan rủ nhau đi nghỉ mát. Một xe ca Ba Đình nhét đủ tất cả nhân viên kèm thêm ông bà già, trẻ con, ngót nghét sáu chục. Cửa sổ mở toang, xe chạy bon bon, nói cười hả hê vui bất tận. Hôm ấy xe leo lên Tam Đảo đến lưng chừng dốc núi thì chết máy.
Chờ còn lâu, ai khoẻ thì cứ việc leo bộ mà đi, già nửa tiếng sau xe mới nổ máy chạy tiếp được. Hăm hở theo dốc mà lên, thấy một ông già đang gò lưng đẩy xe đạp, tụi tôi xúm vào cùng đẩy. Cụ xuống núi bán ít củ thuốc trong vườn đổi cho mậu dịch lấy gạo và bột mì. Ông cụ sống trong căn nhà nhỏ xinh có hàng rào chè xanh tươi mát, nằm trong một cái thôn vắng tanh vắng ngắt lưng một quả đồi rậm rì nhìn ra bốn bề rừng núi. Trên tường toàn là bằng khen với huân huy chương lồng trong khung kính. Hoá ra đây chính là ông Hoàng Cầm, người đã sáng chế ra kiểu bếp củi đốt giữa rừng mà không có khói dùng trong chiến dịch Điện Biên hồi đánh Pháp và trên khắp tuyến đường mòn Hồ Chí Minh hồi đánh Mỹ.
Ông cụ hiền như đất, tủm tỉm ngồi nhìn chúng tôi đùa nghịch. Con cháu cụ bỏ Tam Đảo đi về các thành phố sinh cơ lập nghiệp. Chúng mời mãi nhưng cụ không đi. Xa rừng là cụ không chịu được. Vả lại, ở đây còn có ngôi đền thờ Đức Thánh Trần, cụ đi nốt thì ai trông nom.
Men theo con đường mòn xuyên qua các đám cây rừng, cụ tháo lạt mở lối đi qua một lớp rào tre gai, đưa chúng tôi lên đền. Ngồi giữa những bức tường đá hộc mát lạnh bên trong ngôi đền âm u tối, ẩm mốc xiêu vẹo như sắp đổ sập xuống bất cứ lúc nào, ông cụ chỉ lên mái ngói kể rằng, hồi tây ta đánh nhau quảng 1952-1953, lính Pháp dưới chân núi bắn đạn cối vung vãi khắp nơi, dân trong thôn chạy cả vào rừng. Nhà cửa tan hoang đổ nát, vậy mà khi lên đến đền, mọi người giật mình khi thấy nằm chềnh ềnh ngay trước tượng Đức Thánh là một quả đạn mortier to đùng nằm lăn lóc. Quả đạn pháo xuyên qua mái ngói, rơi ngay vào giữa điện thờ nhưng mà không nổ. Đức Ngài linh thiêng thế đấy, đến súng đạn cũng phải kính nhường, không dám vô lễ.
Kể cũng lạ, đền được xây từ thế kỷ 15, ngày ấy rừng rú hoang vu khủng khiếp mà sao đã có người lên tận đây xây đền. Mà tôi cũng đâu có biết là cách đây hai ngọn núi còn có ngôi chùa Tây Thiên cổ kính nằm chon von bên một dòng suối gập ghềnh các ngọn thác dốc đứng, ầm ào bọt trắng giữa rừng sâu núi cao.
Mấy ngọn đồi của các thôn làng ngày xưa nay đã thành một quần thể quây quần của những ngôi biệt thự khang trang, những con đường đủ rộng cho cả ô tô và những vườn xu xu xanh mát. Thấp thoáng dưới tán thông vươn cao trên mỏm đồi bên kia là màu đỏ rực rỡ của ngôi đền Đức Thánh Trần mới tinh khôi dán ngói mũi hài. Vết cũ chỉ còn lại có mấy khúc tường đá là vẫn còn nhận ra. Thăm ngôi đền mới được tu bổ sơn thếp tinh tươm đường bệ, khác hẳn ngôi đền cũ âm u đổ nát, tôi nghĩ chắc hẳn cái ngày xa xưa, khi mà người ta xuyên rừng lên đây lập đền phải là thời thái bình no đủ, quốc vượng dân an chứ không thể là vào cái thời đói kém loạn lạc triền miên được.
Ông cụ thủ từ hiện nay cũng là người gốc mấy đời trong thôn. Các con cụ cũng phương trưởng cả. Cụ mới xây được một ngôi biệt thự hai tầng đúng kiểu kiến trúc thực dân, phòng ốc rộng rãi có bốn bề hành lang bao quanh với các dãy cột thẳng đều tăm tắp mà kể cả những người sành sỏi trông thấy cũng phải nể vì. Nhưng suốt ngày cụ bỏ nhà lên đền trông coi tận tuỵ. Trông cụ cũng hiền khô và thật thà như đếm. Nhìn cụ ngồi bó gối bên cạnh điện thờ, chẳng ai có thể nghĩ được cụ có một ngôi nhà đẹp như mơ và có anh con trai đang là Bí thư Đảng uỷ thị trấn.
Nổi tiếng nhất ở Tam Đảo bây giờ là đền thờ Bà Chúa thượng ngàn. Nghe nói là do một ông phụ thầu làm đường ở Tam Đảo hồi đầu thế kỷ 20 đã bỏ tiền ra xây. Ngôi đền nằm ở một địa thế rất hữu tình ven sườn núi phía bên trên thị trấn. Du khách lên đây rất đông và hầu như tuần nào cũng có các đoàn con nhang đệ tử từ khắp nơi về đây hầu đồng, cầu cúng. Phía sau đền có ngôi đền Tiên Kiều vốn xưa kia nằm ở gần mép đường, khúc rẽ vào thôn Hai. Ngày phát động phong trào bài trừ văn hoá phong kiến, người ta rủ nhau phá mất ngôi đền ấy. Vài người trong thôn bí mật gói tượng thờ mang lên đền Bà Chúa thượng ngàn giấu đi.
Rồi khi “đổi mới - mở cửa”, dân làng quyên góp được đôi ba chục triệu xây lên ngôi đền nhỏ trên mảnh đất phía sau đền Bà Chúa. Thế là đền Tiên Mẫu nằm nhờ trên đất đền con mình là bà Chúa Thượng ngàn. Vậy là mẹ con về gần nhau, quây quần ấm cúng. Năm ngoái có một cô người Hà Nội sống ở Đức về cúng 500 triệu và vợ chồng chủ khách sạn Thế giới xanh cúng 200 triệu cùng thập phương công đức thêm vào, xây lại to tát như bây giờ.
Hồi mới mở lại cửa đền thì chẳng còn ai biết cách thờ cúng lễ bài gì cả. Chỉ có hai phụ nữ đều là con dâu quê dốc dưới xuôi là biết võ vẽ chút ít, vì thế được mời ra giữ đền. Lúc đầu còn bỡ ngỡ vụng về nhưng rồi chẳng phải đi đâu học cả, khách thập phương lên lễ rồi người này bảo một tí người kia bảo một tí, thế là biết tất. Kêu thay lạy đỡ, khấn khứa đầy đủ bài bản, xóc thẻ, gieo quẻ cái gì cũng thạo. Mà lạ thay da dẻ các bà càng ngày càng sáng nhuận, mát mẻ, phúc hậu hơn xưa.
Theo lời các bà thì thi thoảng Mẫu và Thánh có về, đi qua đi lại trong giấc ngủ. Đặc biệt là hễ có ai làm bậy chửi tục trong đền là các bà bỗng thấy uất nghẹn trong lòng mà phải quay ra mắng mỏ, xua đuổi tức thì. Không sao kìm giữ được, cứ như là có ai khác sống trong người mình vậy.
Người ta đồn rằng đền này rất thiêng về chuyện cầu tự và tình duyên. Ai lên thăm đền cũng thấy giữa sân có một cái cột vuông thẳng đứng màu trắng, bốn mặt ghi các dòng chữ “Nguyện xin hoà bình đến với toàn thể nhân loại trên thế giới” bằng các thứ tiếng Nhật, Việt, Anh, Pháp. Chiếc cột này là của một đôi vợ chồng Ấn Độ cúng tiến, vì họ đã sinh được một đứa con sau khi lên đền cầu xin.
Lạ lùng nhất là chuyện của ngôi đền Tiên Thiên Thánh Mẫu hay còn gọi là đền Tiên Kiều, đền Mẫu Giao Trì mới được dựng lên trên nền cũ của ngôi đền bị phá khi xưa. Người ta kể lại rằng, sau khi đền bị phá mấy năm thì những người đập đền đều lần lượt gặp phải tai nạn, bệnh tật khốn khổ, mỗi người mỗi kiểu. Người trong thôn ai ai cũng biết chuyện này. Sau nhiều năm bỏ hoang, khu đất rộng quanh đền được giao cho Bưu điện xây làm trụ sở. Thế nhưng ai ngủ ở đây cũng đều hoảng sợ vì nhiều lần bị thánh thần hiện về dựng cả giường chiếu lên không cho nằm yên. Vì thế khu nền cũ của đền lại bị bỏ hoang.
Chúng tôi ngồi trên hiên đền nhìn ra bốn bề núi non tuyệt đẹp, nghe bà cụ Khánh say sưa kể chuyện xây đền. Giọng bà sang sảng, nghe ra nửa hư nửa thực, nửa hoang đường nửa hiện hữu, làm cho không gian thấm đẫm vẻ thần thoại:
“Ngày xưa nhà bà ở 11 hàng Ngang, buôn vàng giàu lắm. Thế rồi bị cải tạo mất hết của nả, mất toi cái nhà. Chán đời bà đi làm công đức. May quá nếu còn cơ ngơi thì đã chả đi lễ đi bái được như bây giờ.Thế rồi một hôm nằm mộng thấy Thánh hiện về sai đi tìm lại đền cũ. Khăn gói bí mật bà ra đi một mình, cứ theo mộng mà đi. Đến đâu hỏi xin đất xây đền người ta cũng đuổi, bảo là mê tín dị đoan. Ấy là từ hai chục năm trước. Chồng con tìm về lại trốn mà đi, bao nhiêu năm trời. Dọc đường nhiều người tốt lắm. Có anh công an tốt quá, có cái xe biển đỏ cọc cạch đưa đi khắp nơi, bà chỉ phải chi tiền xăng. Anh lại còn đọc hộ, viết hộ đơn từ. Thế nào loanh quanh mò lên tận đây. Ngày ấy bà có biết Tam Đảo là ở đâu đâu. Anh chàng này bây giờ giàu lắm, lên nhà 5-6 tầng giữa phố Hà Nội.
Đến 1992 thì mua được khu đất này vốn là nền cũ của đền. Nếu mấy cậu bưu điện không bị thánh vật thì họ đã chẳng chịu bán. Xây rồi bà mới được báo Thánh Bà là vợ vua Hùng thứ 16, có con là Bà Chúa thượng ngàn. Nếu ngày ấy bà không mua đất này thì bà đủ tiền mua ba bốn cửa hiệu to ở hàng Ngang hàng Đào, đấy là tiền bà giấu được khi bị cải tạo. Rồi mọi người biết chuyện, họ cho bà tiền. Thế là có tiền đến đâu bà xây vung tí linh khắp khu đằng sau này. To đẹp thế đấy. Bây giờ mới đang xây cái cổng lớn nhìn ra mặt đường cho khách dễ tìm. Ngày mới xây có một anh chàng trên thị trấn suốt ngày giúp bà đi mua vật liệu, nghèo mà ngoan lắm. Bây giờ thì giàu nhất Tam Đảo rồi, ba bốn cái khách sạn to đùng, chắc là Đức Bà phù hộ…
Bà ấy à, hơn 80 rồi, chẳng ốm đau bao giờ. Bà mở cửa đền theo đúng giờ hành chính. Thánh thần cũng phải có giờ có giấc, cũng phải được nghỉ ngơi chứ. Ở đây không có đồng bóng, âm dương, xóc thẻ gì cả, chỉ có lễ thôi. Bà thờ tất, cả Phật cả Thánh, cả cha trời Ngọc hoàng thượng đế, cả mẹ đất Mẫu Bà, cả bao nhiêu các chư vị thánh thần. Cứ tốt là bà thờ hết. Có một ông to lắm lên lễ, bảo là nghe nói ngày xưa chỉ thờ Thánh Mẫu sao bây giờ bà thờ nhiều tượng thế kia. Bà bảo là các ông cứ phân chia Phật trong chùa, Thánh trong đền, Mẫu trong phủ thế là sai toét, đâm ra mâu thuẫn lục đục chứ các vị có phân tách nhau bao giờ. Từ ngày bà xây đền, các ông có thấy đất nước an khang thái bình hẳn lên không? Bà bỏ nhà cửa chồng con, bỏ cơ nghiệp gia sản lập đền chỉ là để mong được nước giàu dân mạnh…”
Nghe chuyện cụ kể, mấy “nhà nghiên cứu” bức xúc bảo rằng cụ này “chập mạch”, IC hỏng nặng lại còn điếc không sợ súng. Ban thờ bày đặt linh tinh sai hết cả. Ngay từ thời Gia Long, đền chùa đã phải theo đúng quy cách, từng ly từng tí cấm có lơ mơ. Khách thập phương thì lại cũng dốt nát, gặp gì cũng lễ, thấy gì cũng vái.
Mới nghe có vẻ có lí, nhưng nghĩ lại một chút thì mới nhớ ra là chính các “nhà nghiên cứu” này đã một thời hăng say lên án “hủ tục thờ cúng”, kêu gọi đóng cửa đền chùa. May mà còn có những người ít học như bà cụ Khánh và các ông bà đang trông nom đền miếu quanh đây, nếu không thì ai giữ, ai tìm, ai xây lại đền chùa để các vị còn có chỗ đến mà nghiên cứu, mà lập ra các dự án nhiều tỷ lấy tiền nhà nước mà tiêu. Rồi còn lạ hơn nữa là vua Gia Long vừa mới lên ngôi bộn bề trăm công nghìn việc mà đã biết đưa ra bao nhiêu là quy định của triều đình, chi ly đến mức đền nào thờ gì, rồng phượng ra sao, cả nước đều theo răm rắp. Còn bây giờ đâu đâu cũng vẫn tuỳ tiện mơ mơ hồ hồ đến nỗi các “nhà nghiên cứu” cả đời ăn lương nhà nước vẫn ngồi dửng dưng mà chê bai như đấy là chuyện của thiên hạ vậy.
Thật may mắn là, dù ở đâu, dù bao giờ và bất chấp mọi thế cuộc đổi thay, vẫn luôn luôn âm thầm bền bỉ tồn tại những mạch chảy trong dân gian để mà qua bao thế kỷ loạn ly, những di sản ẩn tàng như tâm linh, tử vi, dịch lý, đông y dược, võ thuật cổ truyền v.v…, vẫn luôn được truyền thừa lưu giữ mà không bao giờ và không ai có thể chặt đứt đi được. Đấy chính là cái nhìn rõ nhất mà các bạn có thể dễ dàng nhận ra khi đi thăm các ngôi đền chùa đang hân hoan hồi sinh một cách hồn nhiên quanh khu du lịch Tam Đảo nói riêng và trên khắp đất nước nói chung.
-
Hoàng Đại Dương
Kỳ 1: Tam Đảo nhìn từ xa và nhìn thật gần
Kỳ 2: Ngàn mây Tam Đảo