– Tại thị trường Việt Nam hiện nay, có một câu chuyện “ngược đời” nhưng có thật là các hãng kinh doanh hàng hiệu thật coi tình trạng hàng giả tràn lan là yếu tố thuận lợi trong chiến lược phát triển thị trường (!?). Từ đây dẫn đến thái độ các thương hiệu lớn “thờ ơ” với hàng giả và không mặn mà hợp tác với cơ quan chức năng.
Bài 1: "Hàng hiệu" giá rẻ "chềnh ềnh" giữa trung tâm thương mại
Bài 2: Tìm nguồn gốc hàng hiệu, mời "thượng đế"... lên trời!
Bài 3: Hàng hiệu rởm vào shop "xịn", thượng đế nhắm mắt chi tiền
Chủ sở hữu thương hiệu thờ ơ với hàng giả
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và liên hệ với chủ sở hữu hoặc đại diện pháp lý của các thương hiệu lớn có sản phẩm bán tại Việt Nam (như Lacoste, Louis Vuitton, D&G, Gucci, …) nhưng không thành, ông Hoàng Đại Nghĩa, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (đội chuyên chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ), thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội tỏ ra cảm thông và chia sẻ: “Chính chúng tôi – với tư cách quản lý - còn gặp khó khăn trong vấn đề này, đừng nói là các phóng viên tìm đến họ để đề nghị hợp tác thông tin”.
Chủ sở hữu các thương hiệu lớn tỏ ra không "mặn mà" với việc chống hàng giả ở Việt Nam, bởi ở thị trường Việt Nam, hàng giả quá nhiều (?). Thậm chí, có hãng lớn còn coi tình trạng hàng giả tràn lan là "cơ hội" tốt để đầu tư cho hàng thật của mình |
Theo ông Nghĩa, việc các thương hiệu lớn không có đại diện pháp lý ở Việt Nam xuất phát từ 2 lý do: Một là luật pháp Việt Nam không bắt buộc họ phải đăng ký bảo hộ thương hiệu khi triển khai các hoạt động thương mại ở Việt Nam; hai là đối với các hãng lớn, mục tiêu kinh doanh luôn đứng hàng đầu.
Thậm chí, họ còn coi tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan ở Việt Nam là … cơ hội để đầu tư cho hàng thật (?!). Bởi trong điều kiện thật giả lẫn lộn, khách hàng thực sự của hãng càng tin tưởng và chỉ đến những nơi bán sản phẩm chính hãng để mua.
Ông Nghĩa cho biết, năm 2009, sự hợp tác giữa các thương hiệu lớn với cơ quan quản lý càng lỏng lẻo và kém hiệu quả hơn. Do hậu quả của suy thoái kinh tế, các hãng lớn trước đây hay hợp tác thì nay có điều chỉnh về tính chất và phạm vi hoạt động: Văn phòng đại diện (nếu có) hoặc hoạt động thương mại bị thu hẹp lại, kéo theo việc cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý bị hạn chế.
“Có hãng còn có chính sách tạm thời hạn chế hoặc dừng hẳn mảng bảo vệ hàng thật của họ, bởi bản thân họ phải lo chống đỡ suy thoái và tiêu thụ hàng thật đã”, ông Nghĩa nói.
Thậm chí, khi liên hệ với chủ sở hữu thương hiệu lớn có tên tuổi (về thời trang, mỹ phẩm, nước hoa), ông Nghĩa còn nhận được câu trả lời: “Hãng chưa có chủ trương chống hàng giả ở Việt Nam, vì hàng giả ở Việt Nam hiện giờ nhiều quá, có chống hàng giả thì người tiêu dùng Việt Nam cũng không biết được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật”.
“Vì thế, tại thị trường Việt Nam, họ tự nguyện, chấp nhận và thoải mái sống chung với hàng giả để làm thị trường và thậm chí cho rằng hàng giả lại chính là yếu tố “thuận lợi” trong quá trình làm thị trường cho hàng thật của hãng. Họ có định hướng hẳn hoi như thế đấy”, ông Nghĩa thông tin.
Mà một khi chủ sở hữu thương hiệu đã thờ ờ thì coi như cuộc chiến chống hàng giả sẽ không đem lại một kết quả nào, bởi theo ông Nguyễn Đắc Lộc (Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) thì: “Nếu chủ sở hữu thương hiệu đó không có khuyến cáo, không thông báo trên thị trường có hàng giả, hàng nhái và không hợp tác thì cơ quan quản lý không thể làm gì được”.
Đại lý độc quyền cũng ngoảnh mặt làm ngơ
Rất logic với thái độ “thờ ơ” của chủ sở hữu các thương hiệu nổi tiếng là thái độ “ngoảnh mặt làm ngơ” với hàng giả của các đại lý phân phối độc quyền.
Khi được hỏi thông tin về tình hình hàng giả tại Việt Nam của các thương hiệu cao cấp như Dolce&Gabbana, D&G, Roberto Cavalli, Dsquared2, Blumarine, Blugirl, Moschino, Tod’s, Janeke, ToyWatch và thương hiệu hàng đầu thế giới Gucci, bà Đặng Tú Anh, phụ trách truyền thông và đối ngoại của Milano Việt Nam – công ty đầu tiên và độc quyền phân phối các sản phẩm trên khẳng định:
“Hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu trên là có rất nhiều nhưng thực sự chúng tôi chẳng quan tâm, bởi nếu đã là khách quen rồi thì rất hiếm khi mua nhầm. Chúng tôi chỉ chuyên tâm chăm sóc khách hàng quen thuộc thật tốt, phát triển khách hàng tiềm năng thật tốt, chăm lo thương hiệu thật tốt”.
Đại diện Milano Việt Nam cho biết họ không quan tâm xem ở đâu đang bán hàng giả, hàng nhái mà chỉ tập trung chăm sóc khách hàng thật tốt và mở rộng thị trường. Hiện Milano chuẩn bị ra mắt showroom tại Hà Nội. Bước đệm cho lần "Bắc tiến" này là giai đoạn quảng bá bán hàng hiệu online tại Trung tâm thương mại Vincom. |
Cũng chính vì biết bị làm nhái, làm giả nhiều nhưng bà Tú Anh không thể chỉ các địa điểm bán hàng giả, hàng nhái bởi “có quá nhiều địa điểm như thế, Milano Việt Nam cũng không quan tâm là ở những đâu đang bán hàng hiệu nhái các thương hiệu chính hãng của chúng tôi”.
Ông Hoàng Anh, phụ trách PR của Louis Vuiton Việt Nam thì khẳng định: “Bên Louis Vuitton không muốn đưa ra thông tin hoặc bình luận gì về chuyện hàng giả, hàng nhái. Bản thân chúng tôi cũng không có thông tin gì về vấn đề này. Chúng tôi chỉ quan tâm đến thông tin về các bộ sưu tập mới của hãng mà thôi!”.
Bà Trần Minh Phương, bộ phận Marketing của công ty Tam Sơn, đơn vị nhập khẩu một số thương hiệu thời trang như Kenzo, Hermes… thì cho rằng: “Tại các nước khác không có việc hàng hóa bày bán ở ngoài thị trường trôi nổi như thế ở Việt Nam. Bên Quản lý thị trường sẽ sử dụng Luật về bảo vệ thương hiệu và một số vấn đề liên quan để thực hiện việc đó. Còn ở Việt Nam, nếu đứng ra kiện các cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái thì biết kiện thế nào?
Chúng tôi không thể kiện tất tật mọi thứ được. Và với những mặt hàng cao cấp hẳn thực sự thì khách hàng của chúng tôi cũng đủ hiểu để biết các giá trị đích thực của nó là bao nhiêu”.
Bà Phương còn cho rằng, liên quan đến hàng giả, hàng nhái, nếu có biết thì bên hãng cũng không muốn làm gì vì “Công ty hoặc hãng luôn nhấn mạnh không chịu trách nhiệm về bất cứ các loại sản phẩm hàng hóa nào mang thương hiệu của hãng nhưng đựơc bày bán ngoài các cửa hiệu của công ty, của hãng. Rõ là mười mươi tôi biết đó là hàng giả thương hiệu của hãng nhưng nếu nói là giả thì sẽ liên quan rất nhiều đến các vấn đề giấy tờ”.
Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng, PV VietNamNet cũng gặp đựơc bà Phạm Tú Cầu, giám đốc công ty thời trang Thanh Bắc, đơn vị nhập khẩu mặt hàng Levi’s. Bà Tú Cầu tin rằng hàng nhái thương hiệu của hãng có thể tràn vào Việt Nam, lấn át thị trường hàng chính hãng Levi’s của công ty.
Bà Cầu khẳng định, 90% lượng khách hàng dùng sản phẩm của Levi’s đều tìm đến các cửa hàng chính hãng để mua sản phẩm. Và con số 90% đó đủ để cho công ty bà tự tin vào lượng khách hàng của mình.
“Bên công ty cũng kiện nếu cần thiết bởi vì công ty có bản quyền và có luật sư. Tuy nhiên, thay vì lo phần kiện cáo đó thì chúng tôi nghĩ mình nên tập trung vào kinh doanh”, bà Cầu nói.
-
Nhóm PV Điều tra
(Còn tiếp)