Đó là chưa kể đến, còn rất nhiều những đường mòn tiểu ngạch khác nằm dọc biên mà dân buôn quặng lậu luôn tìm cách “khai thông”.
Bài 1: Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Chợ quặng giữa rừng
Sau một đêm kinh hoàng theo ngựa đưa quặng lậu vượt biên, ngày hôm sau, 20/4, chúng tôi quyết định vẫn nằm lại xã Tri Phương (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) để đi tìm câu trả lời: Vì sao những con đường quặng lậu dọc biên vẫn ngang nhiên tồn tại?
Điểm khai thác quặng thổ phỉ tại đỉnh núi có tên Bãi Sàng (địa danh này được đặt tên từ việc trước đây, ngay dưới chân núi này là điểm sàng quặng của một Cty khai thác quặng).
Tri Phương là xã nghèo của huyện vùng biên Trà Lĩnh. Trên tấm bảng ghi kế hoạch làm việc của xã, vẫn có nội dung “Họp cứu đói khẩn cấp”. Với phần lớn dân cư là người dân tộc Tày. Theo trưởng công an xã Ngô Văn Tuân, nghề chính của người dân địa phương làm nông nghiệp, một năm một vụ lúa và một vụ hoa màu.
Những tháng nông nhàn, đa phần người dân trong xã đều đổ xô đi mót quặng. Một bộ phận đứng ra thu mua và trở thành các “đầu nậu” tập kết quặng thô của dân khai thác tự phát.
Dân cư sống dọc theo con đường cấp phối của xã. Những thung lũng hiếm hoi được dành cho nông nghiệp. Phần lớn còn lại là diện tích núi đá nghèo nàn. Chính vì thế, ở những xã miền núi, cùng với các con suối, đất nông nghiệp là tài sản vô giá nuôi sống người dân.
Đó cũng là nguồn thu chính khi rừng ngày càng bị cạn kiệt và bị đóng cửa.
Dọc hai bên đường, những đống quặng thô được chất thành từng đống trong các bao tải, chứa trong các bồn xây gạch ba-vanh quây kín.
Điểm khai thác quặng nhìn từ xa hệt như một tổ ong khổng lồ... Với địa hình này, việc leo lên đã khó chứ chưa nói mang theo những tải quặng nặng hàng tạ xuống chân núi...
Có hàng chục các điểm tập kết quặng ở dọc hai bên đường vào thôn Nà Dốc, cách núi Đông Tăm án ngữ cửa ngõ đường biên giới Việt – Trung ở điểm xã Trà Lĩnh vài trăm mét. Những chiếc xe Jiulong tải trọng 3 – 4 tấn ban ngày “nằm ngủ”.
Đây là những phương tiện vận chuyển quặng thu mua từ các xã Quang Trung, Thông Huề, các xã của huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình đưa sang.
Đi thêm một con dốc để tiến sâu vào vùng biên, chúng tôi bàng hoàng khi bắt gặp điểm thu mua quặng lậu của các tư thương đang nhộn nhịp giữa ban ngày nơi khoảng đất trống giữa rừng, dưới chân đỉnh núi cao sừng sừng, một bên núi nham nhở và đỏ quạch vì bị người dân đào bới khai thác quặng.
Chợ quặng nhìn gần và nhìn phía mặt trước. Cửa vào "chợ quặng" được rào bằng những cây nứa tép, và dường như có người "canh gác" ngay lối vào.
Sau này chúng tôi được biết, “chợ” thu mua quặng lậu nói trên có tên là Bãi Sàng, thuộc xã Tri Phương. Quả núi khổng lồ cũng là một mỏ quặng lớn của Tri Phương được khai thác mấy thập kỷ qua.
Tuy nhiên, phần mé núi nham nhở những tảng đá tai mèo, đá hộc khiến phương tiện khai khoáng cơ giới không tiếp cận được, đã trở thành địa chỉ để người dân trong xã thi nhau ra khai thác quặng trái phép.
Chợ quặng “họp” giữa ban ngày và giữa khu đất khá bằng phẳng, nhìn tuy hoang sơ nhưng khá nghiêm ngặt. Những cây nứa tép được rào xung quanh, dù sơ sài nhưng cũng như ngầm đánh dấu ranh giới với bên ngoài.
Hai thanh niên ngồi trên xe máy “chốt” ngay lối vào. Bên phải, một dãy xe máy vài chục chiếc dựng cạnh nhau.
Những người phụ nữ gồng gánh quặng sau một ngày đào đãi ra tập kết tại chợ quặng bán cho các đầu nậu thu mua...
Đám đông và ồn ào nhất là khu vực rìa bên trái, nơi khoảng đất cao ráo và bằng phẳng nhất có cả trăm người đàn ông, phụ nữ đang nhấp nhổm ngồi đợi những người dân lũ lượt gánh từng bao quặng từ trên mỏm núi xuống, từ trong xóm đi ra hoặc những chuyến xe máy chở quặng xuống đây tập kết.
Cân tạ, đòn cân, bao tải chất từng đống. Tiếng dân tộc ít người râm ran làm xao động cả góc rừng. Ở giữa bãi đất trống, một vũng nước to như một cái hồ lớn. Trên cao, mép núi nham nhở hiện màu đất gan gà, xen lẫn giữa điệp trùng những đá tảng, đá hộc xám xịt.
Phải nhìn thật lâu chúng tôi mới thấy những bóng người lẫn vào với đá đang miệt mài trên những hố quặng để bòn quặng tận thu…
Ông Hoàng Văn Mèo (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, nguyên trưởng công an xã Tri Phương), cho biết: Núi Bãi Sàng được Công ty khai thác khoáng sản Cao Bằng khai thác từ những năm 1980, sau đó doanh nghiệp này hết thời hạn khai thác, được chuyển cho công ty Đại Việt. Hiện tại, doanh nghiệp Tây Giang - đơn vị mới bước chân vào lĩnh vực khai thác khoáng sản được 3 - 4 năm nay, đang vào khai thác tận thu.
Tình trạng khai thác khoáng sản tự phát của người dân Tri Phương “nóng” nhất vào trước những năm 2000. Sau giai đoạn đó, nạn “quặng tặc” dịu bớt thì Tri Phương trở thành con đường biên mậu sầm uất cho những chuyến chở quặng lậu bằng ngựa vượt đêm như chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, nhất là khi các điểm vận chuyển quặng lậu xuất thô qua xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) bị “cấm cửa”.
Chiều 17/4, trước khi rời Trùng Khánh sang Trà Lĩnh để dò tìm con đường xuất lậu tiểu ngạch tại Trà Lĩnh, chúng tôi được biết, nhiều người dân của xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, xã có con thác đẹp nhất Việt Nam – thác Bản Giốc), đã bắt đầu tìm đường sang Tri Phương để móc nối với dân đầu nậu quặng để vận chuyển thuê.
Toàn cảnh xóm Nà Dốc vào ban ngày. Ban đêm, tại đây là nơi tập hợp hàng trăm ngựa thồ chở quặng khiên con đường mòn vùng biên trở nên sôi động và sầm uất.
Theo trưởng thôn Lý Văn Khâm (thôn Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy), khi điểm nóng khai thác quặng tại đây được Trùng Khánh quét bỏ, hàng ngàn con lồ (lừa)- phương tiện chở quặng lậu trước kia của người dân địa phương, đã trở nên “thất nghiệp”.
Nhiều người dân của Đàm Thủy muốn “tạo công ăn việc làm” cho đàn lồ của mình nên đã sang Tri Phương để liên hệ trước.
Tới đây, hàng trăm con lồ của Đàm Thủy sẽ có mặt tại Tri Phương để tham gia vào đoàn quân vận chuyển quặng lậu qua biên với giá 20 tệ cho một tạ quặng tập kết thành công tại điểm thu mua quặng bên Trung Quốc, nếu như việc “chắp mối” thực hiện được.
Trà Lĩnh và Trùng Khánh là hai huyện giàu khoáng sản mangan. Đây cũng là “mặt hàng” chủ yếu dân đầu nậu thu mua chuyển qua Trung Quốc ở đường biên Tri Phương. Hiện tại, giá thu mua của nhà nước đối với quặng mangan tuyển (quặng to, không vụn) là 2.800đồng/kg. Quặng nhỏ, vụn, xấu hơn nhiều khi bị loại.
Trong khi đó, các đầu nậu thu gom quặng không phân loại và trả giá cao hơn giá thu mua của nhà nước. Tại điểm thu mua của đầu nậu bên Trung Quốc, giá mỗi kg quặng là 3.300đồng/kg.
Như thế, tính chênh lệch, 1 tấn quặng mangan thô bán sang Trung Quốc, các đầu nậu ăn chênh lệch 5 giá. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân không “mặn mà” bán quặng cho nhà nước và các đầu nậu rốt ráo thu gom quặng để chuyển vượt biên.
Ba ngày đi gom quặng lậu
Lý do mà trưởng công an xã Tri Phương, anh Ngô Văn Tuân lý giải, vì sao các đầu nậu thu mua quặng nhiệt tình đi gom quặng và con đường vận chuyển quặng tiểu ngạch luôn ngang nhiên sầm uất, đã được chứng thực bằng những thông tin quý giá mà chúng tôi có được trong 3 ngày theo chân một chủ quặng đi móc nối gom quặng của những người dân khai thác tự phát tại huyện Nguyên Bình.
Bức tranh khai thác khoáng sản cũng không mấy sáng sủa ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Đường vào Nguyên Bình luôn trong tình trạng bụi mù mịt vào những ngày nắng ráo và sền sệt, đặc quánh như cháo quẩy vào những ngày mưa nhớp nháp. Hàng chục các điểm khai thác quặng tự phát dọc theo con suối vào huyện đã bị dẹp bỏ, để lại hiện trường là những bãi đất đá ngổn ngang khiến lòng suối lúc nào cũng đục ngầu và đỏ quạch màu đất gan gà, những máy móc, dụng cụ sàng quặng vứt bỏ chỏng chơ.
Có hàng trăm những đống quặng chưa “di lý” bày ngổn ngang hai bên đường.
Ông chủ thu mua quặng có tên M. cho biết: Nguyên Bình là huyện giàu tài nguyên khoáng sản nhất của Cao Bằng, và cũng phong phú với đủ các loại khoáng sản như quặng thiếc, quặng sắt và vàng sa khoáng.
Người ta thi nhau lật tung, cày xới lòng suối, ruộng lúa để mót quặng.
M. khẳng định chắc như đinh đóng cột: tại các xã Thể Dục, Quang Thanh, Phan Thanh, Thành Công, Hoa Thám, Hưng Đạo, Tam Kim, thò xẻng xúc bất kỳ một chỗ đất nào cũng có quặng. Quặng có ở dọc suối, có trong ruộng trồng lúa, thậm chí dưới nền nhà cũng có quặng.
Toàn bộ thị trấn Nguyên Bình cũng nằm trên một mỏ quặng trữ lượng lớn và chưa bị khai thác. M. cười hô hố rằng, nếu có quyền, anh ta sẽ di dời toàn bộ trung tâm hành chính và dân cư thị trấn Nguyên Bình sang một địa điểm khác để biến nơi đây thành một khai trường trong nhiều năm mà vẫn chưa khai thác hết những mỏ quặng này.
Những đống quặng vứt ngổn ngang hai bên đường chờ tư thương đi thu gom...
Thông tin từ M: quặng thiếc đang là khoáng sản có giá trị nhất. Giá thu mua của nhà nước là 800.000đồng/tấn quặng thiếc. Nếu thu gom từ người dân khai thác quặng lậu và đưa sang được bên kia biên giới, giá sẽ lên đến 1.700.000đồng/tấn, gấp hơn 2 lần giá quặng thu mua trong nước. Nhưng, điều quan trọng nhất là phải vận chuyển được ra khỏi địa bàn huyện.
Tối 14/4, chúng tôi theo M. vào một nhà người dân ở ven thị trấn Nguyên Bình. Ngôi nhà nhỏ bé nằm giữa khu ruộng đang bắt đầu vào đòng. Chủ nhà là một người dân tộc Tày thấp đậm như một cái chày giã cua, mang đèn pin ra tận đường xóm đưa chúng tôi vào nhà vì phải băng qua những bờ ruộng.
Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh đề tài quặng. M. dự định nhờ người đàn ông này đứng ra gom quặng giúp và sẽ được ăn chênh lệch. Mọi việc vận chuyển quặng sẽ do M. đảm nhiệm.
Trong câu chuyện của M. với người chủ nhà, cái khó nhất là vận chuyển, vì việc gom quặng không khó khăn bởi ở Nguyên Bình, nhà nhà, người người đều làm quặng, và quặng có ở khắp nơi, nên một ngày có thể gom được hàng chục tấn quặng các loại.
“Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì các xe chở quặng sẽ bị thu giữ, và như thế coi như đi đứt cả chuyến hàng. Tuy nhiên, nghề nào nghiệp nấy. Nếu đã đi làm quặng lậu thì cũng phải tính đến “cửa ra” trót lọt” – M. cho biết.
- Nhóm PV điều tra
(Còn tiếp)