221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1069622
Báu vật để lại
1
Article
null
Báu vật để lại
,

Mai Văn Vinh nhắm mắt hít vào một hơi căng tràn lồng ngực rồi thở ra từ từ. Cuối cùng, anh đã trút bỏ được gánh nặng của những điều tiếng xung quanh cái chết của mẹ cách đây hơn một năm. Hơn nữa, anh và mẹ còn được vinh danh vì một nghĩa cử mà phải mất nhiều thời gian mọi người mới hiểu

Sống trong búa rìu dư luận

Chuyện bắt đầu từ đầu năm ngoái khi mẹ anh, cụ Nguyễn Thị Hoa sống ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ốm nặng. Lúc đó, Phạm Văn Sự, một người hàng xóm đến thăm bà với một lời đề nghị kỳ dị. Sự nói, cụ ơi, con ngàn lần dập đầu xin cụ cho con cặp giác mạc để cứu chị dâu khỏi mù. Anh Vinh nhớ lại, cả nhà anh đều cảm thấy “sốc” khi lần đầu tiên nhận được đề nghị đó.

1

Anh Mai Văn Vinh

Chị dâu của Sự, vốn là một người làng và lấy chồng là bạn thiếu thời của Vinh, đã phiêu bạt vào Dăk Lăk. Chị bị nạn khi mắt bị một cành cà phê quẹt qua hồi giữa năm 2006. Khi bệnh nhân ra viện Mắt trung ương ở Hà Nội, các bác sĩ nói rằng nguy cơ mù rất cao nếu không được thay giác mạc. Họ khuyên chị nên tìm xin trong những người quen biết. Đó là lý do Sự sang nhà cụ Hoa thường xuyên lúc đó với lời đề nghị kỳ lạ.

Cuối cùng thì cụ Hoa và anh Vinh, và tất cả con cụ đồng ý cho Sự giác mạc cứu chị dâu. Khi cụ mất, các kỹ thuật viên của viện Mắt đã về lấy giác mạc của cụ để cấy ghép cho hai bệnh nhân khỏi mù trong đó có chị dâu Sự. Vinh nói, anh thấy vui khi phần còn lại của mẹ mình đã giúp cho người khác sống.

Nhưng Vinh không ngờ cũng từ đó anh và người thân bắt đầu phải sống trong búa rìu dư luận. Người ta đặt câu hỏi về chuyện tiền nong, lương tâm, đạo đức của người con với mẹ quá cố. Áp lực lớn đến nỗi, Vinh trở nên sống âm thầm và lẻ loi suốt nửa năm sau đó. Anh Sự nhớ lại: “Anh Vinh đã rất khổ sở và thậm chí không dám đi đến chỗ đông người”. Một bác sĩ của viện Mắt trung ương nói thêm, anh Vinh đã phải sống trong dằn vặt một thời gian dài sau đó.

Nước ngoài cho được, Việt Nam không cho được

Ngày 5.4.2007, nhằm ngày giỗ của cụ Hoa, đã trở thành cột mốc lịch sử của ngành y khi các bác sĩ nhãn khoa nhận được giác mạc của người Việt Nam đầu tiên hiến tặng. Trong cả thời kỳ dài trước đó từ năm 1950 đến gần đây, phần lớn giác mạc mà Việt Nam có được đều từ Mỹ, do một tổ chức phi chính phủ là Orbis tài trợ. Một phần nhỏ còn lại được lấy từ nguồn không chính thống trong nước. Nhưng hai nguồn này như muối bỏ biển so với con số ước tính 300.000 bệnh nhân đang cần ghép giác mạc. Theo viện Mắt trung ương, nguồn giác mạc chỉ đủ để cấy ghép cho khoảng 150 người bệnh hàng năm.

Bác sĩ Châu bên di ảnh một người hiến giác mạc

Bác sĩ Châu bên di ảnh một người hiến giác mạc

Là người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày, bác sĩ Hoàng Minh Châu, phó giám đốc viện Mắt trung ương không khỏi băn khoăn. Không có lý gì mà người nước ngoài cho mình được mà người Việt Nam không cho nhau được. Ý nghĩ của bác sĩ Châu được Orbis ủng hộ bằng cách giúp lập một ngân hàng giác mạc, cung cấp trang thiết bị, và đào tạo kỹ thuật viên năm 2005. Nhưng mọi chuyện vẫn chỉ dừng ở đấy và ngân hàng vẫn không thể lấy được một chiếc giác mạc nào từ người Việt Nam tình nguyện.

“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ không biết đến bao giờ mới lấy được cái giác mạc đầu tiên. Người dân hoàn toàn xa lạ và định kiến với việc này. Nhiều anh em trong ngân hàng mắt đã cảm thấy ngã lòng”, bác sĩ Châu kể lại.

Theo một chuyên gia tôn giáo của Mặt trận tổ quốc, công việc của bác sĩ Châu là cực kỳ khó khăn trong bối cảnh nhiều người Việt Nam tin vào kiếp luân hồi. Điều này ngăn cản họ hiến tặng giác mạc bởi niềm tin sẽ ảnh hưởng đến những lần đầu thai về sau. Và còn vô vàn lý do tương tự khác. Bác sĩ Châu cũng thừa nhận điều này.

Nhưng cơ may đầu tiên của bác sĩ Châu và đồng nghiệp đã đến bất chợt khi họ gặp bệnh nhân là chị dâu của Sự. Anh Sự, vốn là một người Công giáo ở xứ đạo Kim Sơn, Ninh Bình, đã kiên trì thuyết phục gia đình cụ Hoa, những người cũng theo đạo. Và những người nông dân thuần tuý của câu chuyện này đã không ngờ họ đã tạo nên một cột mốc lịch sử của ngành y Việt Nam.

- Theo bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 1 triệu người thị lực kém, 200.000 người bị mù một mắt và có 400.000 người bị mù cả hai mắt. Ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 2 triệu người cần được điều trị các bệnh về mắt.

- Trong khi đó, theo viện Mắt trung ương, một chiếc giác mạc từ Mỹ cho Việt Nam có giá 300 USD, và được tổ chức Orbis tài trợ hoàn toàn. Giá một giác mạc của Mỹ bán cho Singapore là 2.000 USD và cho Nhật Bản là 6.000 USD.

Giúp ích những người còn sống

Sau lễ tang cụ Hoa không lâu, bác sĩ Châu đã may mắn gặp được linh mục Anton Đoàn Minh Hải, phụ trách giáo xứ Cồn Thoi. Là một người đầy uy tín, ảnh hưởng và hiểu biết, cha Hải ngay lập tức đồng cảm với ý tưởng của bác sĩ Châu. Và ông quyết định hành động theo cách của mình. Trong nhiều lần thuyết giảng, cha Hải luôn nói với giáo dân rằng, việc hiến giác mạc là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc và không có tiền. Đó chính là để lại phần gì đó cho đời để giúp những người bệnh còn sống. Thậm chí, trong lễ xức dầu lúc lâm chung, cha luôn là người có mặt và vận động giáo dân làm việc nhân nghĩa này. “Các cha rất thông hiểu việc này và đã giúp đỡ viện rất nhiều”, bác sĩ Châu nói.

Chỉ một thời gian sau đó, có thêm bảy người nữa ở xã Cồn Thoi đã tự nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời. Tất cả họ đều là giáo dân, người ít tuổi nhất là 37, cao tuổi nhất là 97. Đã có thêm nhiều cụ đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Còn các bác sĩ của viện Mắt trung ương giờ đây đã trở thành người nhà của nhiều người dân trong xã. Họ thường xuyên tổ chức các chuyến khám chữa mắt từ thiện để giúp những người dân trong xã. Chỉ trong vòng hơn một năm nay, đã có 21 người dân của bảy tỉnh miền Bắc tự nguyện hiến giác mạc cho ngân hàng. Kết quả là có 42 người nhìn thấy ánh sáng trở lại. “Đấy là ngoài sự mong đợi của chúng tôi”, bác sĩ Châu thú nhận.

Ngày giỗ cụ Hoa tháng 4 vừa rồi, Nguyễn Thị Khuy, chị dâu anh Sự đã không thể về thăm. Người phụ nữ năm nay 40 tuổi nhưng có tới 10 người con sống ở Dăk Lăk quá nghèo để làm việc đó. Nhưng anh Vinh không hề trách. “Mẹ tôi làm việc thiện nguyện đó đâu cần trả ơn. Điều quan trọng, là phần còn lại của cụ đã giúp ích được những người còn sống”, anh Vinh nói.

  • Theo Tư Giang (SGTT)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
Trang trước Trang sau
,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,