Theo tục lệ, dù muốn hay không, ngư dân nào phát hiện “ông lụy” cũng phải chịu tang 3 năm, ăn chay nằm đất và phải kiêng cữ nhiều điều. Tuy vậy, mọi ngư dân đều mong trong đời mình có cơ duyên được một lần gặp “ông lụy”, bởi họ quan niệm rằng như vậy sẽ được “ông” phù hộ, độ trì cho sức khỏe, công việc làm ăn.
Lão ngư Út Hoạch vẫn nhớ như in ngày 23/5/1995, ngày mà ngư dân đảo Hòn Đá Bạc - Cà Mau phát hiện “ông Nam Hải” đâm vào đây và sắp “lụy”. Biết là có điềm lành đưa đến xóm đảo nghèo khó này, ngư dân ở đây vô cùng mừng rỡ, bởi ai cũng tin tưởng từ nay đời sống sẽ bớt cơ cực.
Trang trọng hơn cả người thân
“Hôm đó, cả xóm đảo rộn ràng như ngày hội vì mấy chục năm mới được một lần hân hạnh đón ông vào lụy” - lão ngư Út Hoạch nhớ lại. Sau khi tổ chức an táng tươm tất, 6 tháng sau, người dân Hòn Đá Bạc mang hài cốt “ông” về và lập miếu thờ trên đảo cho đến nay. Hiện nay, chuyện chăm lo thờ cúng “ông” được xóm đảo giao phó cho ông Út Hoạch.
Dù đã bước sang tuổi 81 nhưng với vóc dáng khỏe mạnh, rắn chắc. Ông Út Hoạch cho rằng được vậy là nhờ ăn chay trường và kiêng cữ nhiều chuyện, như bất kỳ ai được gặp “ông lụy” hoặc giữ trọng trách hương khói cho “ông”.
![]() |
Ông Út Hoạch, người chăm lo hương khói cho “ông” hơn 10 năm nay tại miếu thờ trên Hòn Đá Bạc - Cà Mau. Ảnh: H.Nhân |
Ông Hùng đã kể rõ chuyện mình cùng 4 ngư dân trên tàu được “Nam Hải đại tướng quân” cứu như thế nào.
Tại mọi vùng biển khác ở VN, cá voi chết được ngư dân lo phần hậu sự như con người, thậm chí còn trang trọng hơn người thân trong gia đình. Ngày “ông lụy” như ngày đại tang của cả làng biển, mọi người phải bỏ hết công việc để tập trung lo việc chôn cất. Người phát hiện “ông lụy” phải choàng áo tang, phải làm sao bày tỏ lòng tiếc thương, sau đó phải thờ phụng, nhang khói cho “ông”.
Ngư dân tin rằng gặp “ông lụy” là một cơ duyên tốt đẹp nên ai cũng mong mỏi chờ dịp may. Năm 2002, vợ chồng bà Huỳnh Thị Khanh (56 tuổi, ngụ làng Đông Tác, phường Phú Đông, Tuy Hòa - Phú Yên) trong một lần đi bộ tập thể dục buổi sáng đã phát hiện “ông” đâm vào bờ. Thấy “ông” còn sống, vợ chồng bà Khanh hì hụi cố đẩy ra biển.
Bà Khanh nhớ lại: “Song, đi chừng vài trăm mét, vợ chồng tôi lại thấy “ông” đâm vào bờ trước mặt, như chặn chúng tôi lại. Nghĩ là “ông” sắp “lụy”, chồng tôi ở lại canh giữ, còn tôi về làng thông báo. Khi cả làng chạy ra đông đủ, ông “lụy” ngay”. Ba năm sau đó, vợ chồng bà phải lo chuyện hậu sự, cúng giỗ “ông”. Bà Khanh còn bảo chúng tôi rằng, đến giờ bà và nhiều ngư dân địa phương vẫn không thể giải thích nổi vì sao hôm ấy bờ biển có hàng trăm người mà chỉ có vợ chồng bà được gặp “ông” đâm vào bờ để “lụy”.
Ở các vùng biển được nhiều “ông Nam Hải” ghé vào “lụy”, ngư dân còn xây dựng cả nghĩa địa chuyên dành để chôn cất “ông”. Tại đây cũng đầy đủ nhang đèn, hương khói trang trọng chẳng khác gì nghĩa trang của người.
Canh giữ, hương khói quanh năm
Cá voi chết được ngư dân chôn cất rất chu đáo gần bờ biển nơi tấp vào. Sau 3 năm, ngư dân đem hài cốt “ông” về lăng, miếu thực hiện nghi thức xả tang, chuẩn bị lo việc thờ phụng. Nhiệm vụ bảo quản hài cốt, thờ phụng “Nam Hải đại tướng quân” thường được giao một người đứng tuổi trong vùng. Lăng, miếu thờ “ông Nam Hải” được canh giữ, hương khói quanh năm.
Tại Phú Yên, lăng, miếu thờ cá voi nổi tiếng nhất là miếu Ông Nam Hải ở làng Phú Câu, phường 6 - TP Tuy Hòa, được xây dựng từ năm 1879. Người canh giữ hài cốt “ông”, lo việc hương khói là lão ngư Lê Bồng, 75 tuổi. Ngư dân địa phương cho biết tuy ông Bồng đã lớn tuổi nhưng cả vùng tìm người thay thế vẫn chưa ra, bởi đảm trách công việc này phải là người có đạo đức, am tường nhiều thứ và đứng tuổi.
Gặp chúng tôi, ông Bồng khoe: “Tôi đã làm công việc này 20 năm nay. Miếu này có hàng trăm bộ hài cốt của “ông”. Trong đó, bộ hài cốt mà ngư dân gọi là “ông lớn”, được xem là lớn nhất miền Trung, đã có từ hàng chục năm nay”. Chúng tôi vào căn phòng rộng chừng 20 m2 - nơi bảo quản hài cốt “ông lớn”. Bộ xương “ông” gom thành đống khổng lồ, choán gần hết căn phòng, được xem là chốn linh thiêng và là niềm hãnh diện của cả vùng Phú Câu.
Ông Bồng nhớ lại, khi “ông lớn” đâm vào bờ, cả làng tuy rất mừng rỡ nhưng thật vất vả lo chuyện hậu sự. “Ông lớn” dài đến 30 m, ngang 8 m, ước chừng nặng 30 tấn. “Cả làng phải huy động hết mọi người nhưng không cách nào di chuyển được “ông lớn” đến nơi chôn cất. Chúng tôi phải dùng tre đan thành một chiếc giỏ khổng lồ đường kính hàng trăm mét, bao bọc “ông lớn” nơi bờ biển. Chừng vài mươi ngày sau, khi da thịt “ông lớn” rữa ra, chúng tôi mới lấy được hài cốt đem về thờ phụng” - ông Bồng kể.
Mùa tôn vinh “ông”
Trong lễ hội Nghinh Ông, có rất nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, như lễ tế, rước hài cốt “ông” về lăng, hát bá trạo, hát bội, biểu diễn võ thuật... |
- Theo Nguyễn Thạnh – Xuân Thu (NLĐ)