(VietNamNet) - "Một hành khách bị cảm chết tối hôm qua khiến cả đám người bị nạn thêm một lần bàng hoàng, sợ hãi. Người chết nằm lạnh lẽo bên hiên nhà. Chủ nhà thương tình dùng tấm chăn chiên đắp kín người, nhưng vẫn không chắn được mưa hắt gió lùa. Không còn chỗ ở, nhiều người bạo gan nằm cùng người chết trong đêm đó và cả những đêm sau nữa..." - Anh Lê Đông Hà, một hành khách bị tắc nghẽn 3 ngày trên quốc lộ 6 (Sơn La - Hoà Bình) viết về những khoảnh khắc hãi hùng "vượt lũ".
>> Hậu lũ Tây Bắc: Vực dậy từ... mất trắng
>> Tây Bắc: Nhiều xã bị cô lập, giao thông ách tắc
>> Toàn cảnh trận lũ tháng 10/2007
Thót tim cùng... núi lở, đá rơi, đường ngập
Xe chúng tôi đi từ Sơn La về đến thị xã Mộc Châu vào lúc 5h chiều ngày 4/10 (thứ 5). Vượt đèo Mộc Châu trong những cơn mưa lớn an toàn, trong thâm tâm ai cũng cảm thấy may mắn vì con đèo đó là một trong những đoạn rất nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở rất cao. Nhưng qua Mộc Châu chừng 30km, mưa rất lớn. Nước từ trên núi đổ về đã bắt đầu phủ trắng xoá những mảnh nương hai bên đường.
![]() |
Hàng trăm người bị nạn vượt Thung Khe bằng cách đi bộ. |
Một trong những điểm như vậy đã tràn lên mặt đường, nước ào ào xối ngập qua mốc lộ giới giao thông. Tài xế không dám cho xe qua vì sợ chết máy giữa dòng nước lũ. Màn đêm đã phủ xuống. Mưa càng nặng hạt. Điểm dừng xe cách dòng nước lũ đó chừng 300 mét đã bắt đầu có hiện tượng đá rơi.
Hành khách trên xe động viên tài xế... đi liều. Anh tài xế lúc đầu còn kịch liệt phản đối, song sau lại thấy nếu nguy hiểm bị chết máy, nước cuốn còn ít hơn nguy hiểm hơn bị đá rơi trúng đầu nên cũng tặc lưỡi... làm liều.
Xe từ từ bám mép đường qua dòng lũ. Cả xe căng mắt nhìn xuống dòng nước, phán đoán đâu là mép đường, đâu là bờ vực. Tiếng máy chạy số nhỏ nóng ran. Ống xả ngập trong nước, phát ra tiếng kêu lục bục. Không ai còn ngồi yên được trên ghế. Năm đầu ngón chân bấm xuống sàn xe nín thở. Có người còn chắp tay lầm rầm cầu khấn. Anh lái xe tên Chiến, người Sơn La, có nhiều kinh nghiệm vượt ngầm nên cứ bám theo những "mốc" nước xoáy. Mắt nhìn đến "toé lửa", mồ hôi vã đầy trán.
Chiếc xe rùng mình chuyển số, tài xế thở hắt ra: "Nước xoáy vào cột mốc lộ giới, may mà vỉa đường chưa trôi mất miếng nào chứ nếu không thì bà con tha hồ mà... bơi!". Chờ một lúc, tưởng như câu doạ lạnh lùng đó hàm ý đã vượt qua được khúc nguy hiểm nhất, mọi người cười nhẹ nhõm. Có tiếng vỗ tay khen lái xe lái giỏi.
Nhưng đi được chừng mươi cây số nữa, xe dừng bánh hẳn. Lái xe buông thõng một câu: "Tắc đường, mời bà con xuống nghỉ". Nhìn ra ngoài cửa, trời đã tối đen. Chỉ thấy ánh đèn xi-nhan của hàng chục chiếc xe đang nhấp nháy trong màn mưa trắng xoá.
Nhiều câu hỏi vang lên: "Phải ngủ trên đường à?". "Tại sao dừng ở đây, tại sao không cố vượt". "Nốt đoạn này thôi, cố gắng chút đi bác tài ơi…". Lái xe nói như mếu: "Ở đây ít nhất 1 tuần!". Nhiều người không tin, vội rời xe nghe ngóng. Đi đến đầu đoàn xe đang chết tắc dọc đường, mới thấy dòng đất đá ngồn ngộn đã lao ra chắn ngang mặt đường, tưởng như nửa quả núi đã sập xuống.
Trong tai ương dường như "ông giời" cũng dành cho chúng tôi chút gì đó, gọi là may mắn. Sau này mới biết, đoạn sạt lở đó nằm ngay trước một khu dân cư hơn chục nóc nhà gọi là khu 81, cũng còn gọi theo một cái tên khác là khu Mỏ Nước thuộc tỉnh Hoà Bình, cách Hà Nội đúng 150km.
May mắn bởi gần dân, ít nhất là không phải chịu cảnh đói rét, ít nhất là đây cũng an toàn hơn nằm chơ vơ giữa đỉnh dốc.
Ngủ cùng... người chết!
Mò mẫm trong đêm, cuối cùng đoàn hành khách trong chuyến xe của chúng tôi cũng tìm được một căn nhà có thể tá túc qua đêm. Bà chủ nhà là một phụ nữ dân tộc Dao ở với một đứa cháu nội 6 tuổi. Căn nhà sàn hai bà cháu ở cũng bị dột nát nhiều, phải dùng áo mưa che đậy, dùng chậu dùng gầu hứng nước…
Nhưng vẫn còn may hơn nhiều nguời vẫn phải năm ngoài xe giữa trời đêm giá lạnh. Chỗ ngủ của chúng tôi là một chiếc nệm bông lau, được thuê với giá 50 nghìn đồng một tối, bao nhiêu người ngủ cũng được.
Nằm trong nhà, nghe tiếng mưa gió vật vã ngoài giời, thâm tâm ai cũng thầm hy vọng sáng mai sẽ thông đường, sáng mai sẽ có cứu hộ. Khu 81 nằm lọt trong 2 quả núi lớn, chẳng có sóng điện thoại di động. Cả khu có chừng 2 chiếc điện thoại bàn dùng sóng radio, nhưng cũng đã bị cắt sóng. Người ta mơ hồ lý giải, ở Đồng Bảng, nơi có điểm phát sóng đã ngập nước nên điểm này cũng đã nghỉ làm việc.
Đêm khắc khoải trôi trong mưa gió, ướt lạnh. Cứ nghe tiếng động cơ ô tô, có người lại chồm dậy chạy ra ngoài hi vọng đường đã thông. Nhưng rồi lại thất vọng...
Sáng sớm hôm sau, trời vẫn mưa như trút nước. Mưa hả hê đánh bật từng gốc cây ngọn cỏ. Mưa ứ đầy những mỏ nước trên đỉnh núi rồi ào ào phá phách như một cơn lũ quét cục bộ lôi tuột cả những thân cây to như chiếc xà nhà, vật cả những hòn đá cỡ bằng con nghé lăn ra đường. Một vài chiếc xe vòng về Mộc Châu, nhưng đường đã sạt thêm một khúc nữa, chặn ngay sau khu 81.
Có xe bị chặn ở dòng lũ chúng tôi đi qua hôm qua lên kể, đoạn đường đó đã sụt, đường bị cắt khúc dài khoảng 30 mét, sâu 10 mét. Họ đi bộ lên đây mua lương thực dự trữ. Nói đến ăn, chúng tôi mới nhớ từ hôm qua đến giờ chưa ăn gì. Vậy là hàng chục người nháo nhào đi tích trữ lương thực. Mì tôm vọt lên 8 ngàn đồng 1 gói, trứng gà, trứng vịt 5 nghìn đồng một quả. Và đến buổi trưa thì không còn gia đình nào bán, vì họ cũng phải tích trữ cho bản thân nữa.
Hung tin một hành khách bị cảm chết tối hôm qua khiến cả đám người bị nạn thêm một lần bàng hoàng sợ hãi. Chẳng ai biết người hành khách xấu số đó tên gì. Trong ví nạn nhân không có tiền, không một dòng địa chỉ, không một giấy tờ tuỳ thân. Người chết nằm lạnh lẽo bên hiên nhà cuối khu dân cư. Chủ nhà thương tình dùng tấm chăn chiên đắp kín người nhưng vẫn không chắn được mưa hắt gió lùa.
Không còn chỗ ở, nhiều người vẫn bạo gan nằm cùng người chết trong đêm đó và cả những đêm sau nữa!
Ngày thứ 2 trôi qua trong nặng nề buồn bã. Mọi người đội mưa lên núi hi vọng tìm được chút sóng điện thoại di động. Có người đi xong về báo "Có sóng Viettel bà con ơi". Tôi cũng vội vàng khoác chiếc áo mưa đi "tìm sóng". Quả thực may mắn, cách chỗ chúng tôi trú chân chừng 2km, ngay dưới chân núi đã chập chờn có sóng điện thoại. Vậy là có thể nhắn tin về với gia đình, và cơ quan.
Chúng tôi chờ đợi trong khắc khoải, hy vọng một tiếng ầm ĩ của động cơ, tiếng phành phành rồ ga của chiếc máy xúc. Hy vọng ngửi được mùi dầu đi-ê-zen khét lẹt. Nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhiều người hỏi nhau, liệu người ta có biết chúng tôi đang kẹt ở đây không? Đến bao giờ mới có cứu hộ? Họ bắt đầu tìm đường thoát ra khỏi tình trạng hiện tại.
Chiều đó, những nguời bị nạn đã bắt đầu rời chỗ ở yên ấm, và an toàn (ít ra là đến lúc đó) để đi về những thị trấn lớn.
Suýt chết ở... "phễu bùn"
Một nhóm 3 người là sinh viên cho tôi biết: Đi ngược về Đồng Bảng mất khoảng 10km, rồi từ đó đi ra bến đò trên lòng hồ Hoà Bình, xuôi thuyền về Hoà Bình rồi bắt xe về Hà Nội. Phương án này có vẻ mạo hiểm. Bởi dưới mưa bão, phải cắt đường tránh những đoạt sạt lở, đi xuống dưới thung lũng rồi lại vòng lên đường 6, và chưa có ai đi thực tế để biết rằng đường sạt bao nhiêu đoạn.
Đi vòng bao nhiêu xa? Có nhà dân không? Có chỗ trú chân qua đêm không? Đám thanh niên cả quyết: cứ đi thì sẽ tới, quyết không chịu chấp nhận hoàn cảnh hiện tại! Tôi bắt tay từng người chúc họ may mắn khi lên đường. Họ đi khuất sau làn mưa, những người ở lại dõi mắt trông theo đến khi họ mất dạng sau hẻm núi.
Chờ đợi. Chờ đợi trong vô vọng. Đám người di tản đi qua nơi trú ẩn của chúng tôi nhiều dần. Chúng tôi ùa ra hỏi đường. Một người nói: "Tắc ít nhất là nửa tháng. Tôi làm máy xúc tôi biết, với khối lượng đất đá này, không có chiếc xe xúc mỗi gầu 3 tấn thì đừng hòng thoát khỏi đây. Cách đây chừng 4km, có một cái khe, đã đổ ra ăn mất đường rồi, chân đường cũng mất, khắc phục cái khe đó là rắc rối nhất. Chúng tôi phải đi vòng xuống thung lũng rồi đi lên đường". "Vòng tránh khó đi không?". "Khó lắm, bùn ngập tới đùi, nhưng dân bản đã bỏ mấy khúc gỗ ra làm cầu rồi. Khéo thì qua được" - Anh thanh niên chỉ vết bùn ăn tới bẹn như để chứng minh.
Chúng tôi lắc đầu ngao ngán. Lại có người từ Mộc Châu xuôi về. "Đường lên Mộc Châu thế nào?". "Sụt hết rồi, có đoạn sâu đến 30, 40 mét. Phía dưới bùn nhão như một bãi sình, ngập đến ngang bụng, có người thử đi nhưng không được. Chúng tôi phải vòng lên đỉnh núi. Đường trơn lắm".
Hết hi vọng thông đường! Ở đây đã 2 hôm. Tiền cũng đã cạn. Chúng tôi quyết định sáng hôm sau bằng mọi giá phải xuôi về Hà Nội. Đó là ngày thứ 3 nằm trên đường, sáng thứ 7, trời đã bắt đầu hửng nắng. Tôi chia tay anh tài xế, cùng với một người trong đoàn đi theo đám người xuôi về Hà Nội. Mục tiêu đặt ra là hôm đầu tiên phải tới được ngã ba Tòng Đậu, hôm thứ 2 vượt đèo Thung Khe, Thung Muối dài 14km. Nhưng nghe nói đèo Thung Khe cũng bị sạt lở rất nghiêm trọng.
Anh tài xế giúi vào tay tôi hai quả trứng, một gói mì tôm nói: "Chưa biết đường đất thế nào, cầm tạm vậy nhỡ tối nay không tới được chỗ nào có dân". Tôi bùi ngùi cảm ơn anh, song cũng chỉ dám nhận một túi mì tôm, người đi thì chưa biết thế nào nhưng người ở thì cũng rất cần lương thực.
Đi ngang qua ngôi nhà có người bị cảm chết, chúng tôi lầm rầm khấn vái: "Anh linh thiêng thì gạt giúp chúng tôi đá lở, đất rơi".
Trời sáng rõ, chúng tôi đã đi được một quãng đường, chẳng biết là bao nhiêu km. Thi thoảng, hai bên đường vẫn có những chiếc xe trú nạn. Một chiếc xe BKS 33 chở ngô từ Sơn La về đang nằm chênh vênh rìa vực thẳm. Mấy người tài xế, phụ xe nằm ngồi ngay bên đường nhắn: "Về bảo với xuôi là trên này đang chờ nhé!".
Vô cùng may mắn cho chúng tôi khi không phải vòng tránh cái khe nằm ở Km146. Sau một đêm ngớt mưa, mặt bùn đã se lại, các vách sạt lở trông có vẻ đã ổn định. Đứng trên cao nhìn xuống, cốt đường đã bị lở mất chừng 100 mét, loe ra như hình cái phễu. Đỉnh phễu có một dòng thác bùn ào ào đổ xuống. Hơi lạnh rợn người. Hai bên thành phễu, đất bùn nhão nhoẹt. Tôi giơ máy ảnh chụp, thao tác chừng một vài giây đã bị lún xuống đến đầu gối. Tôi loay hoay nhấc chân thì càng thụt xuống tợn. Trong lúc hoảng hốt tôi đã kêu cứu mà tiếng chẳng vang ra. Người đi trước đã bỏ cách chừng 50 mét, quay lại cũng khó, người đi sau thì chưa thấy bóng dáng đâu. Tôi nhoài người, ôm lấy một tảng đá chênh vênh trước mặt. Tảng đá đen trùi trũi như con lợn cũng bập bềnh trên bùn nhão.
Lúc đã hết hy vọng thì bàn chân tôi dường như được nâng đỡ. Lún thêm chút nữa, nhưng cái điểm tựa kia vẫn vững chắc. Cảm giác ở lòng bàn chân cho biết đó là một khối trụ vuông bằng bê tông. Tôi đoán đó là một mốc lộ giới bị bùn bao phủ. Tôi vội vàng choàng người ôm lấy "tảng đá hình con lợn", nó chìm nghỉm xuống bùn… Dồn hết lực bình sinh, tôi leo lên nó, cầu trời khấn phật cho nó không lăn xuống vực, không chìm xuống bùn.
Từ trên mình "tảng đá hình con lợn", tôi nhảy phóc trên đầu những tảng đá tròn lông lốc như chiếc đầu nhẵn thín. Nhảy như bị ma đuổi. Đất sạt, kệ. Đá trơn, kệ. Quáng quàng, cuống cuồng dùng tất cả những gì có thể bám, nắm, quắp, bấu để thoát ra khỏi cái phễu chết người. Dòng thác đổ ào ào trước mặt. Chiếc cầu đá bập bênh. Một bên là nước cuốn, một bên là vực sâu. Mặc. Tôi đi như điên dại. Leo lên đến thành phễu bên kia vẫn không nhìn lại. Đến nơi được nơi an toàn, chân tay bủn rủn, tôi quỵ xuống vì mệt, vì sợ…
Chắp tay lạy sơn thần, thổ địa đã không "nuốt" lấy cái mạng này. Tôi biết chắc chắn một điều, nếu còn người đi qua, nguy cơ tai nạn vẫn còn rình rập. Chỉ một cái sảy chân thôi, hay một hòn đá chơ vơ rơi xuống, là sụp đổ tất cả. Người không chết vì đá rơi, sa vực thì cũng chìm trong bùn lầy không lối thoát.
Trở về với... an toàn
Bên đường 6, ở những đoạn bị chia cắt, nhiều gia đình cũng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Ở Km139, có một cụm 3 nóc nhà gia đình người Thái vừa bị sụt nhà. Mất 5 cái xe máy. Con trâu nằm dưới sàn nhà, cũng bị sụt chân xuống vực, đá đè chết. Anh thanh niên chủ nhà họ Hà, dân tộc Thái kể rằng vừa thấy các thanh xà nhà chuyển răng rắc, cả nhà vội lao ra ngoài giữa trời mưa bão…
Đến bây giờ chẳng ai còn dám ở trong nhà, cứ đứng ngoài trời dầm mưa đã 2 ngày. Sáng nay, trời hửng sáng, đám thanh niên mới dám vào nhà dọn đồ đạc. Mấy gia đình còn lại cũng đang tính chuyển chỗ ở, nhưng cũng chẳng biết chuyển đi đâu cho an toàn.
Phía dưới, khoảng 1km hướng Hà Nội, núi sạt một khúc dài chừng trăm mét đã có một chiếc máy xúc lên làm việc. Nhìn chiếc gầu con con, nhiều người lắc đầu ngao ngán. Với tiến độ này thì có đến 1 tháng cũng chẳng xong, nói gì đến chuyện thông đường.
Qua thị trấn Đồng Bảng, nhìn những thung lũng ngập đầy bụng nước, hỏi dân mới biết, từ 3 hôm trước nước đã lên như vậy rồi tràn xuống lòng đường. Sập đường lở lói, đường 6 thành một dòng suối lớn. Đám thanh niên bắt cá ngay trên đường cũng được kha khá. Có người bắt được cả con cá nặng đến 3 cân, chẳng biết có phải từ lòng hồ Hoà Bình tràn lên không.
Con đường từ Đồng Bảng về bến đò bên lòng hồ Hoà Bình đã sập hoàn toàn. Tôi chợt nhớ mấy cậu sinh viên hôm trước tính đi thuyền về Hà Nội, thầm cầu mong cho họ đừng đi vào đường đó, lỡ vào rồi thì không biết ra sao...
Ngã ba Tòng Đậu nằm ở chân đèo Thung Khe, nơi có đường đi vào thị trấn Mai Châu giờ đã thành một cái hồ lớn. Mấy người dân bị lụt mất nhà đã có "sáng kiến" ghép săm ô tô thành những cái bè để đưa khách qua đường. Khách qua đường ở đây chính là những người bị tắc đường như chúng tôi đi bộ đến ngã ba Tòng Đậu trong mệt lả, rét mướt và túng quẫn. Mỗi chiếc bè như vậy đi được 2 người. Giá xuôi là 50 nghìn/1 người/ 1 lượt, giá ngược là 100 nghìn (vì bơi ngược nước mệt hơn - mấy người đưa "đò" bảo vậy). Khách ngồi trên bè phao.
Người "lái đò" nhảy xuống bơi, vừa bơi vừa kéo vừa đẩy. Ngẫm ra cũng đáng công, cho một quãng nước lội chừng 300 mét. Anh Long, chủ bè chở chúng tôi vừa bơi vừa kể: "Chỉ có 3 tiếng đồng hồ thôi nước đã ngập đến mức này rồi. Nhà tôi không kịp chạy tý tài sản nào. May mà không có ai chết đuối. Mấy chiếc xe ô tô đậu sát lề đường bị chìm hết".
Có chiếc xe "din 3 cầu" chở hàng sắt thép giờ chỉ còn thấy lờ mờ in hình dưới đáy nước. Có nhiều người ở trên nóc cây xăng ngã ba Tòng Đậu đã 3 ngày (rồi chẳng biết sẽ còn phải ở đó đến bao lâu nữa) ăn mì tôm sống uống nước lã.
Hành trình về Hà Nội của chúng tôi từ khu 81 về ngã ba Tòng Đậu hết đúng 1 ngày. May mắn là đèo Thung Khe, Thung Muối nhiều đoạn vẫn còn đi được, chỉ mất khoảng vài Km đường sạt đã có xe đón về Hà Nội. Mức giá 100 nghìn một lượt là quá rẻ cho chặng đường trở về với gia đình, với an toàn.
![]() |
QL biến thành sông! |
Có lẽ, ai đã từng có 3 ngày đêm khủng khiếp trên QL6 những ngày mưa lũ như tôi, khó có thể quên những khoảnh khắc hãi hùng, mong manh giữa sự sống và cái chết...
-
Lê Đông Hà
Sẻ chia của bạn?