(VietNamNet) - Những ngày còn thơ bé, đêm đêm tôi thường được dẫn vào rừng theo bước chân của những chuyện cổ tích mộng mơ. Trong rừng lúc nào cũng đầy muông thú, thỏ sóc, chim bướm vui chơi ca hát, có ông chúa sơn lâm oai vệ và công minh. Rồi bỗng dưng trời sinh nắng hạn thế là có con cóc già vào rừng rủ hươu nai gấu hổ chồn cáo hành quân lên trời. Tít trong rừng sâu còn có nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, có con sói già nằm chờ cô bé quàng khăn đỏ và có nàng công chúa đang thiếp trong giấc ngủ. Ngày ấy rừng có nghĩa là ngôi nhà tuyệt đẹp của muông thú và con người.
"Kia là chỗ ngày xưa bố mình gặp hổ". |
Tuổi thanh niên lớn lên theo các bài ca ra trận. Bước hành quân đầu tiên là bước vào rừng để nghe suối hát, để ngắt một đoá hoa rừng gài lên mũ mà đi. Bên con suối rừng có các chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, có ông già làng dạy các chàng trai phóng lao diệt hổ báo, đặt bẫy cài chông bắt thú rừng. Ngày ấy cùng với các chàng trai dọc ngang trong rừng đại ngàn không chỉ có balô có súng mà còn có cả chim muông, khỉ vượn đồng hành.
Thế rồi không biết là tự bao giờ, thấy rừng đã thật là xa lạ. Và tệ hại thay, nhiều khi rừng chỉ còn được nhắc trên các đĩa thịt thú trong các bữa tiệc đãi đằng của cánh đàn ông mà thôi. Vì đã lạnh lòng với rừng, cho nên hôm nay đứng giữa thị trấn Tam Đảo, giữa san sát khách sạn, biệt thự và nhà hàng ăn uống máy lạnh, nhiều khi quên mất rằng chỉ cần bước có một bước là đã đến rừng, chỉ cần với tay ra xa một chút bên ngoài cửa sổ là có thể chạm vào lá rừng.
Cách đây chưa lâu, Tam Đảo là thiên đường của các quán thịt thú rừng. Những chiếc lồng sắt lèn chặt các chú cầy, sóc, nhím và đôi khi cả những con hoẵng cao lênh khênh. Làm thịt ngay trước bàn, tính tiền theo cân móc hàm. Chủ khách hể hả mời nhau nâng cốc. Đất nước ta giàu đẹp, đâu đâu cũng là rừng vàng biển bạc. Săn bắn và hái lượm vốn là hai nghề chính của tổ tiên chúng ta mà.
Kỳ 1: Tam Đảo nhìn từ xa và nhìn thật gần |
Rồi bỗng nhiên ở tận đẩu tận đâu bên trời tây xa xôi, người ta ùn ùn kéo đến đây và nhắc đi nhắc lại mãi rằng rừng là của quý, phá rừng là phá huỷ Trái Đất, giết thú là tự giết loài người. Nghe mãi rồi cũng hiểu và dần dần mới thấy là có lý. Thật là may mắn làm sao. Chỉ chậm chút nữa thì đã hoàn thành công cuộc xoá sổ rừng một cách toàn diện và triệt để trên toàn quốc (!) Nhưng than ôi, đến khi thật sự hiểu ra, nhìn vào thì thấy rừng đã tan hoang trơ trụi, chim thú biến đi đâu gần hết. Đến mức bây giờ ngay cả những người ở đây cũng tin là trong rừng Tam Đảo chẳng thể còn hổ báo.
Cái sự đoán chắc ấy được đinh ninh đến nỗi mấy tháng trước, hai mẹ con nhà chủ của một khách sạn đang xây nơi đầu dốc nhìn ra con đường đi xuống suối Bạc đã tận mắt trông thấy một con thú trông giống như con hổ con. Lúc xẩm tối bà chủ mở cửa ra ban công thì thấy con thú đang đứng lù lù trước mặt. Nghe tiếng hét của mẹ, đứa con trai chạy ra đóng sập cửa lại. Ngẩn ngơ một lúc, con thú mới lẳng lặng nhún người nhảy vút vào bóng đêm. Vậy mà khi họ kể không ai tin cả. May sao sáng hôm sau, mấy chàng thợ xây đã phát hiện dấu chân thú in rõ sâu trên mặt nền bê tông mới đổ còn chưa khô hẳn. Mọi người còn đang tranh cãi xem vết chân con gì thì gặp được một ông giáo sư chuyên về thú rừng đang dẫn sinh viên lên đây nghiên cứu. Sau khi đo đạc cẩn thận, nhà chuyên gia kết luận đó là các vết chân của một con báo lửa, dài chừng 5-60 phân, nặng trên 2 chục ký. Không hiểu vì sao chú ta lại mò vào nơi toàn là gạch cát sỏi đá thế này.
Khi gợi chuyện này với một anh bạn người Tam Đảo đã ba đời sống ở đây, anh ta cười mà bảo rằng chẳng có gì đáng sợ. Nói chung là hổ báo nó sợ người. Mình không gây sự, không định đánh, định bắn thì nó chẳng vồ mình bao giờ. Con gì mà chả sợ con người, thấy mình nó chạy cong đuôi. Ngày anh còn nhỏ, một hôm thấy ông bố chạy về, vứt cái xe đạp giữa sân, ngồi thở hồng hộc. Đến nửa tiếng sau mới hoàn hồn, ông bảo là suyt bị hổ vồ khi đang thả xe đi xuống dốc núi. Xe vừa tới khúc quặt gần ngôi đền Mẫu, bỗng nhiên phi ngang qua đầu ông là cả một con hổ to bằng con trâu, cái chân sau của nó tạt vào làm văng cả chiếc mũ cối trên đầu. Con thú khổng lồ ngoái cổ lại nhìn ông rồi cúp đuôi nhảy vọt vào rừng.
Nghe chuyện, mấy ông thợ săn kỳ cựu cười mà bảo rằng đấy là hổ nó sợ ông quá nó mới nhảy bừa nhảy đại đấy thôi. Ngày ấy làm gì đã có xe máy, khi đi xe đạp xuống núi, ông bố anh phải chặt một khúc cây có thật nhiều cành lá xum xuê, buộc vào đuôi xe để giảm tốc độ. Xe lao đến đâu là bụi bay mù mịt cuộn lên như có lốc, cành lá mài vào mặt đường kêu ào ào như tiếng thác đổ. Chắc hẳn chú hổ này đang định mò ngang qua đường sang sườn núi bên kia, gặp xe ông nó giật bắn mình mà nhảy vọt lên như bà già chạy qua đường cao tốc gặp phải ô tô. Lần sau nếu gặp hổ, cứ kiếm cái cái gậy hay cái đòn gánh giơ chếch lên trời là nó chạy liền. Cái giống này khi chạy trong rừng, chúng nó sợ nhất là bị các cành tre gãy chọc ngược vào ngực.
Mãi cho đến những năm 1971-1972, nhiều đêm hổ vẫn về thôn bắt lợn bắt bò. Mọi người chui hết vào trong nhà. Bà già trẻ con lấy soong nồi ra đập ầm ĩ, đàn ông ghếch nòng súng qua khe cửa bắn ì ọp dăm ba phát súng chỉ thiên, vui như có hội. Sáng ra thế nào các nhà trong thôn cũng có thịt ăn. Không phải thịt hổ mà là thịt của mấy con bò bị hổ cào què chân rách lưng đêm trước. Rượu thịt no nê, cánh đàn ông xách mấy tảng thịt xuống chân núi làm quà rồi rủ hội săn Sán Dìu vào rừng lần theo dấu chân hổ đói. Đó là vào những năm đang bom đạn dữ dội, hươu nai cầy cáo chạy đi đâu hết, không có gì để săn mồi, bất đắc dĩ lắm hổ mới phải vào thôn bắt trộm lợn, bò.
Ngày ấy anh nhớ rằng hầu như nhà nào cũng nuôi một đàn chó, chẳng cần ai dạy chúng cũng biết vào rừng đuổi thú. Thường thì các nhóm thợ rủ nhau lùa chó đi săn. Được con thú nào, xẻ nhỏ chia đều cả người cả chó, mỗi suất một tảng thịt bằng nhau. Con chó đầu đàn săn giỏi nhất thì được cái đầu, đó là sự tự hào của các tay thợ săn. Nhà anh không thạo đi săn nhưng khi thấy tiếng la hét trong rừng, biết là người ta đang dồn thú to, thế là anh cũng thả đàn chó nhà mình ra cho chúng tham gia. Dù chủ không đi nhưng khi chia thịt, chó nhà anh vẫn có phần như nhà khác.
Kỳ 2: Ngàn mây Tam Đảo |
Nhiều nhất là săn lợn rừng. Những đàn lợn chạy nhung nhúc, con to con bé xông cả vào vườn dũi khoai sắn, dũi củ cây thuốc trong vườn nhà. Thế là lại hò nhau thả chó ra đuổi. Anh để ý thấy lần nào các toán thợ săn trở về cũng chỉ bắn được lợn to, không thấy có lợn bé. Mấy đứa bạn tinh khôn trong thôn giảng giải rằng, khi bị các đàn chó tấn công, những con lợn già không chạy mà quây lưng lại chống trả, dành lối cho lũ lợn con trốn thoát ra ngoài vòng vây. Chúng chấp nhận hy sinh đời bố để củng cố đời con, vì thế mới không bị tuyệt diệt. Thấy người ta bắn được lợn là cả thôn chạy ra xem và chia phần, nhưng ngày ấy anh rất sợ ăn thịt lợn rừng. Bì vừa dày vừa dai, thịt thì cứng, nhai mãi rồi cũng đành trệu trạo mà nuốt chửng. Các nhà thường bảo nhau bắt chước tụi Tây khi xưa, hầm thịt với cà chua, thuốc bắc, tra thêm rượu sắn làm món sốt vang để dành ăn được cả tuần. Những ngày ấy, nhà nào cũng phải đổ thuốc nhồi đạn, nạp vào súng treo sẵn trên cột, phòng lũ lợn rừng quay lại phá vườn trả thù.
Còn bây giờ, ở Tam Đảo có bói cũng không thấy ai có súng săn trong nhà. Ngay đến việc kể lại chuyện đi săn người ta cũng tránh nói ở chỗ đông người. Thật là ái ngại. Khi xưa ai săn bắn giỏi mới là người can trường gan góc, được mọi người vì nể. Vậy mà bây giờ nói đến chuyện ấy cứ thấy như thể là người có tội. Vì thế nói ra cứ như là chuyện cổ tích. Chứ thật ra đã lâu la gì, chỉ mới chừng dăm bảy năm trước, thi thoảng lại thấy mấy mẹt thịt gấu bầy bán ngay giữa chợ. Ngày ấy người Tam Đảo đi rừng mà gặp gấu cũng không phải là chuyện lạ.
Vào cữ tháng sáu, mùa cây hạt dẻ, cây khấu rơm ra quả, đi rừng thường rất hay thấy các cành cây to gần bằng bắp đùi bị bẻ gẫy gập, cành lá vương vãi. Đấy là vết gấu vừa đi qua. Gấu ngựa rất thích các chùm quả khấu rơm chín mọng, mỗi chùm to hơn quả bóng đá, chi chít những quả là quả. Ăn no, gấu tìm lên các cành chĩa ngang, nằm úp sấp mà ngủ, trông vừa sợ vừa buồn cười. Tai vạ nhất là đi rừng vào đúng những nơi mà gấu vừa mới đi qua để kiếm mật ong. Bám chân trèo lên các hốc cây có tổ ong mật, gấu dùng đôi bàn tay hộ pháp với các móng vuốt khoẻ hơn gọng kìm mà đập tới tấp cho đến khi thân cây vỡ cả ra, rồi chúng thọc tay vào mà móc lấy các tổ ong đầy mật ngọt. Gấu bỏ đi rồi, ai lơ mơ đi qua là bị đàn ong vỡ tổ tức tối nhào vào tấn công. Mùa ấy đi rừng người ta phải mang theo cái màn để cuốn mỗi khi bị ong đuổi. Chờ chừng một tiếng cho cả đàn ong bay đi, leo lên mót lại cái tổ vẫn còn vô khối là bọng là sáp, có khi được đến hai ba lít mật tươi. Nếu gặp những bọng lộ thiên treo tòng teng trên cành thì phải chặt tre làm đòn mà gánh về.
Vào rừng gặp gấu sợ hơn gặp hổ, nhưng nếu biết thì rất đơn giản. Gấu ngựa có bộ bờm sau gáy rất dài, lông thường rủ xuống đâm cả vào mắt mũi. Vì thế mối khi chạy xuống dốc hoặc chạy xuôi chiều gió, nó thường phải dừng lại lấy tay mà vuốt bờm thì mới trông thấy đường đi. Nếu bị gấu đuổi, cứ lao xuống dốc hay theo chiều gió mà chạy. Đuổi được dăm bước là nó thôi ngay, tóc tai xoã hết cả vào mắt, chán chả thèm đuổi tiếp.
Đấy là theo chuyện kể lại của một ông già xưa kia săn gấu rất giỏi. Ông biết, đôi bàn tay gấu cực khoẻ. Một lần ông bắn trúng ngực một con gấu ngựa nặng có lẽ đến hơn một tạ, nó điên lên dùng bàn tay móc vào một nhánh rễ cây to rồi giật ngược làm thân cây bị xé toạc cả ra. May mà ông chạy thoát. Ông đã giải nghệ từ lâu, suốt ngày ngồi trên phản với đôi chân cụt đến trên đầu gối. Không phải vì bị gấu tát mà vì đầu đạn cao xạ nổ lúc ông đang cưa lấy thuốc làm đạn đi săn.
Đấy là chuyện thú dữ của cánh đàn ông, còn chuyện thú lành thì các bà các chị đều có thể kể được. Cũng chỉ mới có ba bốn năm trước thôi, những đêm sáng trăng, nai hoẵng kéo ra sau nhà ăn su su, tiếng nhai rồm rộp cả đêm. Nằm ôm con trên giường nghe rõ mồn một. Đuổi cũng chả được. Sườn núi dốc chênh vênh, những dàn su su nối tiếp nhau rộng mênh mông, muốn đi phải khom thật thấp mà chui cả đầu xuống dưới. Đêm hôm chạy ra có khi ngã lăn xuống vực cũng nên. Vả lại nghe thì xót nhưng mỗi con chỉ ăn mươi quả là no là chán thôi mà, chưa hết số quả trên một nhánh sào. Nai về ăn mãi đâm quen, đêm trăng nào không nghe tiếng nai nhai quả lại đâm thấy lạ, lại nghĩ hay là hổ beo đang về. Khỉ vượn thì nhiều vô kể. Đánh đu hái quả, kêu hót râm ran cả một vạt sườn núi. Ăn chán rồi còn lấy quả ném vào đầu người đi bên dưới. Ấy vậy mà có ai giấu súng đi từ tít xa là đã hò nhau kêu oai oái, thoắt một cái là đã biến hết vào rừng sâu.
Ngồi nghe các câu chuyện vẫn còn rõ mồn một, vẫn còn nóng hôi hổi như thế này, mới giật mình thấy là tất cả mọi thứ, cả rừng cả con người đều đã thay đổi quá nhanh. Nhìn ra bên ngoài cửa sổ, rừng vẫn xanh ngan ngát như thể từ ngàn xưa rừng vẫn là như thế. Nhìn xuống các con đường quanh co bên dưới, người ta vẫn hớn hở đi lại nườm nượp như thể từ bao nhiêu đời nay, mọi sự vẫn như bây giờ.
Những con thú này bây giờ chỉ có thể thấy ở bảo tàng:
-
Bài và ảnh: Hoàng Đại Dương