(VietNamNet) - "Món nào qua lửa thì xơi, chưa qua lửa thì kiếu! Cẩn thận vẫn hơn!". Không lắc đầu trước các món khoái khẩu, nhưng thực khách Hà Nội bắt đầu nghĩ đến chuyện từ giã chúng khi "bóng ma" đại dịch gõ cửa. Một vòng khảo sát quanh đường phố Hà Nội chiều 25/10 của PV VietNamNet.
Làm thịt vịt ngay gần giữa ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Khuyến - Hai Bà Trưng. |
Giã từ món khoái khẩu
Quán Ngan Khoa (77 Hai Bà Trưng) 12h trưa 25/10. Vẫn nhiều khách ra vào, nhưng không còn nhộn nhịp như trước. Chị thu ngân buồn bã nhìn ra bãi xe càng ngày càng vắng. Đội quân phục vụ bàn đứng chơ vơ chờ việc. Theo quan sát của VietNamNet, mọi người đến đây chủ yếu ăn các món thịt; không thấy ai gọi tiết canh. Hai anh bạn ngồi cạnh chúng tôi bảo: "Món nào qua lửa thì xơi, chưa qua lửa thì kiếu! Sợ thì chẳng sợ nhưng cẩn thận vẫn hơn!". Mấy chị khác ngồi bàn cạnh đó nói thêm: "Tiết canh thì mê lắm, nhưng lại sợ dịch. Mấy hôm nay suốt ngày nghe đài báo ra rả, đành chia tay món khoái khẩu vậy".
Để khách hàng quay lưng với tiết canh không từ chối thêm món nào khác, quán ăn nổi tiếng này dẹp hẳn cảnh nhếch nhác thường ngày. Hàng dãy thùng, nồi đựng ngan đã luộc chín ngâm trong nước lạnh choán hết đường lên gác, vào nhà vệ sinh giờ không thấy đâu. Trong thời buổi ngấp nghé dịch, nhà hàng đã phải giảm một lượng ngan đáng kể. Một số khách hàng ruột cũng phải kìm nén dần thú ăn ngan.
Có những người đã chuyển hướng lựa chọn sang món ăn khác, đó là lòng lợn. Quán ăn số 7 Lê Duẩn - đặc sản về lòng lợn của Hà Nội gần đây tự nhiên đông hẳn. Bà chủ quán cho biết dạo này khách đến tấp nập hơn, chắc là do sợ cúm gia cầm. Những bát tiết canh được ngụy trang kín dưới những tờ báo. Bà chủ bảo quán không bầy bán tiết canh, chỉ ai lên tiếng thì mới bưng ra. Theo quan sát của PV. VietNamNet, hầu hết khách ăn tại quán cũng không dùng tiết canh.
Dường như người dân Thủ đô bắt đầu ý thức được nguy cơ đại dịch cúm gia cầm đang đến gần.
Nỗi lo này lan đến cả điểm bán, giết mổ tại chỗ chim, gia cầm nổi tiếng trên phố Núi Trúc. Hà - một nhân công mới 20 tuổi ở đây, thở dài: "Em cũng biết là có dịch. Lo lắm, nhưng chẳng biết ngừa cách nào, phát hiện người bị lây bệnh dịch từ gà ra sao?". Cả chục thanh niên làm công ở đây đều nói rằng, họ chẳng có cách nào phòng chống dịch, bởi gia cầm do dân buôn đưa đến đây từ Bắc Nình đều đặn hàng ngày. Họ cũng không có cách nào tránh đụng vào gia cầm: ngoài vặt lông bằng máy, các công đoạn khác (cắt tiết, mổ, làm ruột) đều dùng dao, tay trực tiếp, rất khó thực hiện khi đeo găng.
"Sống chết có số"?
Ở một chợ cóc như chợ phố Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Nga, một người bán gia cầm sống cũng bán đươc ít nhất dăm con ngan, vài ba chục con gà một ngày. Ngan, gà được làm từ chiều tối hôm trước. Thỉnh thoảng nhà trên xóm dưới có đám hỉ, hiếu, sinh nhật... thì cả nhà chị chong đèn làm đến khuya. "Không giết mổ gia cầm thì trông vào đâu để sống? Mà có ai cấm đâu, cả thành phố này người ta vẫn giết mổ, bày bán rầm rầm. Tôi mấy năm nay hàng ngày vẫn giết mổ gia cầm, chẳng thấy bệnh tật gì. Chị chỉ mua về ăn, sợ nỗi gì?"
Ngay cạnh ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến, PV. VietNamNet bắt gặp hình ảnh ông chủ quán Vịt cỏ Vân Đình và đội quân của mình đang "tẩy trần" cho khoảng 20 con vịt. Nước thải, phân, những chất thừa của vịt vung vãi khắp nơi, chảy xuống rãnh của lòng đường. Không ai đeo bao tay, khẩu trang hay có thiết bị bảo hộ. Tất cả đều "tay không bắt giặc". Nước rửa vịt đỏ ngầu.
Giữa phố Núi Trúc (Ngọc Khánh - quận Ba Đình), ngôi nhà số 91 cả chục năm nay như một trạm trung chuyển bán và trực tiếp giết mổ gia cầm sống. Ngoài gà, ngan, vịt, ở đây còn bày bán và giết mổ cả chim bồ câu, thỏ, phục vụ cho mọi loại nhu cầu. Hầu hết gà được mua từ Bắc Ninh. Sau khi cắt tiết, nhúng nước sôi, được vứt vào máy tự vặt lông. Ngay lập tức, chúng được lôi ra mổ trong một chậu nước nhỏ toen hoen. Tất cả đều làm bằng tay trần, không khẩu trang, không găng tay.
Đằng sau những nụ cười này là nỗi lo không biết dịch cúm gia cầm có buông tha họ không? |
Mỗi ngày, điểm bán gà phố Núi Trúc này cho "xuất xưởng" khoảng vài trăm con cả thảy. "Xưởng" chỉ rộng hơn 10m2, nền đỏ ối tiết gà, vịt, loang ra khắp phần vỉa hè. 4-5 lồng gà lớn cùng bằng ấy nhân công đứng ngồi chen chúc giữa những chậu nước đầy máu được xối thẳng ra cống vỉa hè. Lông gà, chim bồ câu lẫn với chất thải của chúng vương vãi khắp nhà. Vinh - chú bé tay vừa thoăn thoắt nhúng gà vào nước sôi, vừa nói: "Sống chết có số chị ạ, anh nào đường sống ngắn thì toi trước, có gì đâu!".
Bà Nguyễn Thị Bích, một khách hàng mua gà, nói: "Tôi sống ở phố này cả mấy chục năm nay, ăn gà của cửa hàng này từ ngày nó khai trương, dễ đến chục năm rồi. Mùa dịch trước, vẫn ăn gà bình thường, chẳng ai làm sao cả. Làm gà mới sợ chứ làm gì đã có ai ăn gà mà chết đâu!".
Chẳng biết có an toàn như lời bà Bích nói và vẫn yên tâm không, khi chúng tôi hỏi gia cầm ở đây có được chứng nhận kiểm dịch không, một nhân công lúng túng... gật đầu.
-
Bài, ảnh: Hà Yên