(VietNamNet) - Trong bản Báo cáo hoạt động kinh doanh toàn cầu 2006, Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước cải cách mạnh mẽ nhất trong năm 2005. Tuy nhiên, những phân tích từ nhiều góc độ lại cho thấy đó không phải là thông tin đáng mừng.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sáng nay (14/9) đã họp báo công bố báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2006 của Ngân hàng Thế giới toàn cầu với chủ đề "Tạo việc làm". Nội dung báo cáo được công bố từ Washington (Mỹ) qua các đầu cầu video trực tuyến tới các phóng viên tại Manila (Philipines), Phnompenh (Campuchia), Bắc Kinh, Thành Đô, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hà Nội (Việt Nam).
Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước cải cách mạnh mẽ nhất trong năm 2005 mặc dù xuất phát điểm thấp. |
Cải cách mạnh mẽ, nhưng...
Bà Carlee McLiesh, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, cho biết, báo cáo hoạt động kinh doanh 2006 cho thấy Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước cải cách mạnh mẽ nhất trong năm 2005 mặc dù xuất phát điểm thấp. Việt Nam được đánh giá cao với những cải cách trong đăng ký kinh doanh, ra mắt Luật phá sản mới, các phương thức hợp lý hoá việc thực hiện hợp đồng và giảm chi phí đăng ký tài sản.
Ông Trần Thanh Sơn - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết thứ hạng nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ cải cách nhanh nhất, cũng là một thứ hạng nhảy vọt so với vị trí thuộc nhóm 50 nước trong báo cáo năm 2005. Sự tiến bộ của Việt Nam có được là nhờ những cải cách về luật pháp trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, bảo vệ các nhà đầu tư, cưỡng chế tuân thủ hợp đồng, và phá sản doanh nghiệp. Trong những lĩnh vực này Việt Nam được xếp trong nhóm hàng đầu về cải cách trong năm 2004.
Tuy sự đánh giá của báo cáo hoạt động kinh doanh năm nay với Việt Nam là rất đáng khích lệ, nhưng theo ông Sơn, báo cáo chỉ tập trung đánh giá mức độ cải cách trong mỗi lĩnh vực chứ không phải hiện trạng của lĩnh vực đó. Ví dụ như thủ tục để phá sản một doanh nghiệp ở Việt Nam cần trung bình tới 5 năm, đứng vào hàng thứ 133/155. Nhưng do Việt Nam năm 2004 đã đưa ra được Luật phá sản mới với nhiều điểm tiến bộ so với Luật phá sản 1993 nên vẫn được xếp vào nhóm hàng đầu về cải cách trong lĩnh vực này.
Một điều đáng chú ý nữa là khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia dẫn đầu trong nhóm ASEAN vẫn còn rất xa. Trong khi các nước trong khu vực như Sigapore, Thái Lan và Malaysia được xếp vào nhóm 30 quốc gia tạo điều kiện dễ dàng nhất cho hoạt động kinh doanh thì Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 60 quốc gia khó khăn nhất cho các hoạt động này.
Mỗi DNVN phải mất 1.000 giờ/năm với thủ tục thuế
Theo bà Carlee McLiesh, thuế là một rào cản lớn với các DN tư nhân tại Việt Nam. Hệ thống chính sách thuế của Việt Nam hiện đang quá phức tạp với nhiều mức thuế suất khác nhau, làm tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp. Theo thống kê của WB, một doanh nghiệp mỗi năm phải mất 1.000 giờ để có thể đảm bảo tuân thủ được các thủ tục, quy định về thuế của Nhà nước. Tình trạng này đã dẫn tới các tệ nạn "phong bì, phong bao" hòng giảm bớt những khoảng thời gian lãng phí không cần thiết, tiết giảm chi phí...
Nếu so với các nước trong khu vực, thuế suất của Việt Nam không phải ở mức cao nhất (31,5% so với thu nhập của DN), nhưng hệ thống thuế lại quá phức tạp. Theo số liệu điều tra của WB và IFC, một doanh nghiệp tại Việt Nam phải nộp tới 44 khoản thuế khác nhau, trong khi ở Hồng Kông, họ chỉ phải thanh toán làm 8 lần trong 1 năm.
"Do vậy, thay vì có nhiều loại thuế với nhiều mức miễn giảm (ưu đãi) khác nhau, Việt Nam nên tiến tới áp dụng thuế theo đúng ngành, đúng nghề; bãi bỏ các loại phí và lệ phí rườm rà, các khoản thuế ở địa phương... nhằm tạo lập một hệ thống thuế minh bạch hơn, dễ dàng tuân thủ hơn. Chính điều này cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn thu và tăng diện thu cho ngân sách nhà nước", bà nói.
Trả lời các phóng viên, bà Chi Lan - Ban nghiên cứu của Thủ tướng - cũng đồng tình rằng hệ thống thuế ở Việt Nam đang còn quá phức tạp với rất nhiều loại phí, phụ phí. Cần có hệ thống tập trung để DN chỉ cần đóng 1 khoản thay vì nhiều khoản. Hiện chúng ta có quá nhiều khoản thuế bỏ bớt và miễn trừ. Điều này khiến hệ thống thuế càng rối rắm. "Các DN không cần miễn trừ mà chỉ cần một hệ thống thuế đơn giản, công bằng hơn giữa DN tư nhân và DNNN", bà Chi Lan nói.
Tiến trong thế đứng yên
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu nhìn một cách tổng thể và khái quát hơn, Việt Nam hiện vẫn đứng trong nhóm 60 nước cuối của bảng xếp hạng về hoạt động kinh doanh và tình hình này vẫn chưa được cải thiện trong 3 năm qua. Năm 2005, Việt Nam được xếp hạng thứ 99/155 nước. Điều này cho thấy, mặc dù đã đạt được những cải cách mạnh mẽ, nhưng Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải cách hơn nữa. Điều tra trong báo cáo chỉ ra rằng, để khởi sự một doanh nghiệp ở Việt Nam phải mất tới 50 ngày, trong khi đó tại Thái Lan hay Malaysia chỉ mất khoảng dưới 30 ngày; việc đăng ký có tài sản đảm bảo mất tới từ 60-70 ngày trong khi việc tương tự ở Thái Lan chỉ mất có 2 ngày... Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã cho rằng, Việt Nam trong bản báo cáo này là "tiến trong thế đứng yên".
Cái giá phải trả để đăng ký được một doanh nghiệp quá tốn kém. Ở Việt Nam, chi phí đăng ký một doanh nghiệp chiếm tới 1/2 thu nhập bình quân đầu người nên nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không nhất thiết phải "xuất đầu lộ diện" làm gì.
Cũng chính vì các thủ tục kinh doanh quá khó khăn, phức tạp nên mới có nhiều DN tại Việt Nam hoạt động "ngầm", tức hoạt động khi không đăng ký và chưa đăng ký kinh doanh. Có những doanh nghiệp tuy đã đăng ký, nhưng lại không tuân thủ đẩy đủ các quy định của pháp luật thì cũng không được coi là một doanh nghiệp chính thức. Tuy nhiên, chính điều này đã hạn chế họ và làm giảm cạnh tranh đối với các doanh nghiệp chính thức khi phải tiếp cận vốn vay ngân hàng hay khi có tranh chấp xảy ra (do họ không có tư cách pháp nhân).
Bà Chi Lan cũng cho rằng, trong báo cáo, Việt Nam vẫn chưa thu ngắn lại được khoảng cách với các đối thủ cùng khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia. "Không thể tăng trưởng tốt nếu chúng ta không tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh", bà nói.
Bà Caralee McLiesh nói: "Trong cải cách cũng có kẻ được người mất và cũng không loại trừ có một bộ phận công quyền muốn các quy chế phức tạp hơn để họ được hưởng lợi. Nhưng nếu Chính phủ không nhìn nhận được thực tế này thì sẽ vẫn còn rất nhiều "đất" để cho tệ tham nhũng, tiêu cực, quan liêu nảy sinh. Cái giá phải trả nếu không cải cách sẽ lớn hơn rất nhiều nếu so với chi phí bỏ ra để thực hiện cải cách".
Mặc dù Việt Nam đang cải cách rất nhanh chóng nhưng vẫn đứng thứ 99 trong 155 nước. Philippines đứng thứ 113 và Indonesia 115. Trung Quốc đứng thứ 91 với một vài chỉ số rất tốt song còn tồn tại nhiều khó khăn trong môi trường pháp lý đối với thị trường tín dụng và giấy phép kinh doanh.
Đây là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam được đưa vào báo cáo hoạt động kinh doanh, một series báo cáo được Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thực hiện hàng năm tại hơn 150 quốc gia.
· Hồng Phúc