221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
758448
“Nợ nước ngoài của Việt Nam tương đối thấp”
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
“Nợ nước ngoài của Việt Nam tương đối thấp”
,

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lê Đức Thuý cho biết tổng nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đối thấp: chiếm khoảng 34% GDP và 46% tổng các khoản thu trên tài sản vãng lai.

Soạn: AM 684709 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý.

- Thưa Thống đốc, xin ông cho biết những kết quả chính mà ngành ngân hàng đạt được trong 2005?

- Năm 2005, ngành ngân hàng làm được mấy việc:

Thứ nhất, kiểm soát tỷ giá hối đoái tốt. Mới đây, cơ quan xếp hạng thị trường mới nổi thông báo rằng đã tăng mức xếp hạng dài hạn theo ngoại tệ của Việt Nam từ B+ lên BB- và xác nhận mức xếp hạng ngắn hạn theo ngoại tệ của Việt Nam là B.

Hãng này cũng đưa mức xếp hạng theo tiền Đồng là BB cho dài hạn và B cho ngắn hạn. Việc nâng hạng này phản ánh những triển vọng thuận lợi cho việc đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và một vị thế đối ngoại khá mạnh của một quốc gia đang ở mức xếp hạng dưới tiêu chuẩn đầu tư.

Thứ hai, đó là thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát thông qua điều chỉnh tăng lãi suất nhưng không để ảnh hưởng quá nặng đến tăng trưởng.

Thứ ba, áp dụng những tiêu chuẩn mới, tiến bộ mới gần với thông lệ quốc tế trong việc phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro.

Thứ tư, tạo ra sự bùng nổ về các dịch vụ tiện ích ngân hàng, nhất là sử dụng thẻ thanh toán, mở tài khoản cá nhân nhằm giảm bớt giao dịch tiền mặt trong lưu thông. Tốc độ tăng dùng thẻ ở Việt Nam là 300%/năm. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đã giảm từ mức xấp xỉ 24 - 25% xuống còn 21% trong 2005. Đây là một tiến bộ của hệ thống ngân hàng nhờ phát triển các dịch vụ thanh toán.

Thứ năm, nhiều ngân hàng làm ăn hiệu quả và đang thu hút ngày càng tăng sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước. Những ngân hàng vừa thoát khỏi kiểm soát, đặc biệt như Eximbank, năm ngoái mới bán cổ phần là 1 ăn 1,4 thì năm nay cổ phần ấy đã được mua gấp đôi. Techcombank bán cổ phần cho HSBC là 1 ăn 4,5 và trên thị trường không chính thức, giao dịch đã lên tới 1 ăn 4.

Điều này chứng tỏ kỳ vọng của người đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường ngân hàng rất lớn, cũng như sự đánh giá tích cực của họ đối với lĩnh vực đầu tư này.

- Thưa ông, trong vòng một năm, Ngân hàng Nhà nước 3 lần thay đổi lãi suất cho vay để kiềm chế lạm phát. Có ý kiến cho rằng kiềm chế lạm phát chưa thấy nhưng đã làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp và ngân hàng; hạn chế doanh nghiệp tiếp cận vốn; tăng chi phí, gây áp lực lên mặt bằng giá và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng giai đoạn sau. Xin Thống đốc cho biết quan điểm của mình?

- Để đối phó với lạm phát, dù bắt nguồn từ nguyên nhân gì, ở bất cứ quốc gia nào người ta vẫn sử dụng biện pháp chủ yếu là thắt chặt tiền tệ.

Mà đã thắt chặt tiền tệ thì sẽ có một hệ quả trực tiếp là lãi suất tăng. Còn từ chỗ lãi suất tăng để có tác động tích cực, tiêu cực như thế nào thì có rất nhiều mặt. Đối với người gửi tiền thì đó là ảnh hưởng tích cực và nguồn vốn thu hút vào ngân hàng tăng lên, khuyến khích hạn chế việc tiêu dùng trong ngắn hạn để hưởng lợi từ tiết kiệm chi tiêu.

Đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp, đương nhiên chi phí trả lãi cao hơn, buộc họ phải cân nhắc nên vay vốn đầu tư hay không, vào những dự án nào để có thể hoàn trả nợ với mức lãi suất mới. Như vậy, sẽ loại bỏ bớt những dự án ít hiệu quả.

Nhiều người nói, nếu tăng lãi suất thì giá cả hàng hoá tăng và như vậy dường như không có sự ràng buộc nào. Tôi nghĩ, thị trường có mối tương quan giữa cung - cầu: giá tăng thì cầu giảm! Kể cả trong lãi suất ngân hàng cũng vậy. Lãi suất tăng thì cầu vay ngân hàng giảm; giá cả hàng hoá tăng thì cầu hàng hoá sẽ phải giảm. Cầu giảm, đương nhiên giá hàng hoá phải giảm xuống. Đấy là những nguyên lý của thị trường, độc lập với mong muốn của chúng ta.

Còn đối với Ngân hàng Nhà nước thì không có biện pháp nào khác, trong khi Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 6,5%. Nếu không có những nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó có nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ thì lạm phát còn có thể cao hơn.

Điều quan trọng, dù thắt chặt nhưng nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%, cao nhất trong vòng 9 năm qua. Vậy thì liệu những biện pháp thắt chặt tiền tệ có ảnh hưởng quá tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng?

- Thưa Thống đốc, nợ xấu trong xây dựng cơ bản hiện lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu của các doanh nghiệp ngành giao thông là 19.500 tỷ. Ngân hàng đang ngoảnh mặt với các doanh nghiệp này trong khi nhiều dự án dở dang và khát vốn. Ông có kế sách gì để khai thông bế tắc này?

- Chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của nợ đọng thì mới giải quyết được. Loại thứ nhất là công trình làm theo dự án, đã hoàn thành khối lượng nhưng chưa được thanh toán, thì Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan phải thanh toán cho chủ đầu tư để chủ đầu tư thanh toán cho bên thi công.

Loại thứ hai là công trình đã có kế hoạch về vốn, đang triển khai nhưng trong khi vốn chưa rót về thì doanh nghiệp thi công đi vay vốn ngân hàng. Nếu chưa kịp trả nợ, ngân hàng căn cứ vào khả năng trả nợ của những công trình đang có vốn kế hoạch và có nguồn trả nợ để xem xét điều chỉnh lại kỳ hạn nợ.

Loại thứ ba là loại nợ của những chủ đầu tư cam kết sẽ chạy vốn nhưng chưa có kế hoạch mới là vấn đề nan giải. Có những công trình tuỳ tiện quyết định khi chưa có vốn và hứa với nhà thi công: "Anh cứ làm đi, vốn tôi lo... " và nhà thi công đi vay ngân hàng.

Điển hình như các công trình xây dựng của Hà Giang chẳng hạn. Chính phủ vừa mới họp và thống nhất nguyên tắc: nếu công trình hoàn thành, Chính phủ thấy có lợi ích kinh tế - xã hội trên địa bàn đó, thì sẽ hỗ trợ cho tỉnh thông qua con đường ngân sách.

Còn đối với những công trình quyết định đầu tư tuỳ tiện, không hiệu quả, dù ngân hàng cho vay với bất cứ lý do gì thì phải chịu tổn thất và trả giá cho sai sót của mình. Trong trường hợp như vậy thì lấy dự phòng rủi ro để bù đắp. Đó là nguyên tắc kinh doanh và cả sự công bằng!

Thái độ của Ngân hàng Nhà nước là: không ai bỏ tiền công ra bù đắp những khoản nợ này. Nên giải quyết nó theo nguyên tắc: người nợ thì phải trả, còn người cho vay kém hiệu quả thì cũng phải lãnh đủ giá phải trả để lần sau đừng cho vay như vậy.

- Tình trạng "đôla hoá" tràn lan đang lấn lướt đồng nội tệ, đó là do quản lý ngoại hối lỏng lẻo hay sự chênh lệch tỷ giá quá cao giữa ngân hàng và chợ "đen"?

- Đôla hoá ở Việt Nam đương nhiên là nặng. Nhưng theo đánh giá của quốc tế thì chỉ ở mức trung bình so với trình độ Việt Nam, chứ không quá nặng như chúng ta hay nói. Nhưng tình trạng này đang giảm bớt rõ rệt.

So với 10 năm trước, đồng tiền Việt (VND) đã có thế và có giá hơn: việc giữ và tiêu dùng đồng tiền Việt đang là phổ biến, bên cạnh giữ và tiêu dùng USD, chứ không phải người dân từ chối tiêu VND.

Thứ hai, tỷ lệ tiền gửi bằng VND vào hệ thống ngân hàng rất cao. Đồng thời, tỷ lệ tiền gửi bằng USD vào ngân hàng cũng cao. Các chuyên gia Nhật Bản tiến hành khảo sát và khẳng định: tình trạng "đôla hoá" ở Việt Nam đang giảm đi. Số liệu cho thấy: năm 1995, chỉ thu hút được 1,5 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, con số này của hiện tại đã lên 9 tỷ USD.

Nói nguyên nhân "đôla hoá" là do tỷ giá quá chênh lệch giữa trong Ngân hàng Nhà nước và tỷ giá thị trường chợ đen thì tôi cho rằng có yếu tố đó, nhưng không phải là tất cả. Các vị biết sự chênh lệch này chỉ khoảng 20 VND - 30 VND/1 USD và muốn có sự an toàn, theo tôi tìm đến ngân hàng vẫn hơn.

- Là người trực tiếp ký các khoản nợ nước ngoài, vậy tổng nợ nước ngoài hiện tại là bao nhiêu? Theo Thống đốc, hạn mức vay nợ nước ngoài nằm ở giới hạn nào được coi là an toàn đối với nền kinh tế?

- Tổng nợ nước ngoài của Việt Nam tương đối thấp: chiếm khoảng 34% GDP và 46% tổng các khoản thu trên tài sản vãng lai, trong đó trên 80% là nợ khu vực công. Trong 2005, tài sản có ngoại tệ ròng là nợ nước ngoài của khu vực công dự kiến ở mức 17% tổng thu trên tài khoản vãng lai.

Đa số nợ nước ngoài ở khu vực công là các khoản vay ưu đãi. Dự kiến các khoản phải trả nợ nằm trong khả năng ở mức dưới 80% các khoản thu trên tài khoản vãng lai.

Từ năm 2002 đến nay, dự trữ ngoại hối chính thức theo USD tăng hơn gấp đôi và hiện đủ trang trải 4 lần các khoản nợ nước ngoài đáo hạn trong 12 tháng tới. Cán cân thanh toán có triển vọng khả quan trong điều kiện giá dầu thế giới cao, các khoản tiền, chuyển tiền vào trong nước ổn định. Các luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh và nguồn trợ giúp lớn với chi phí thấp từ các chủ nợ chính thức.

- Năm 2006, chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ theo hướng nào để đảm bảo ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, vừa kiềm chế lạm phát vừa đóng góp cho tăng trưởng?

- Năm 2006, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chính sách điều hành tiền tệ một cách linh hoạt, thận trọng, khôn khéo, để kiểm soát lạm phát thấp hơn mức tăng trưởng do Quốc hội đề ra. Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, theo đúng chuẩn quốc tế, nhất là đối với ngân hàng thương mại quốc doanh.

Đồng thời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho tăng trưởng nhanh kinh tế, giải quyết tốt hơn bài toán vốn cho công trình trọng điểm quốc gia, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ dân cư.

Để kiểm soát những hoạt động của ngân hàng, nhằm đảm bảo sự an toàn của hệ thống, chúng tôi đang xúc tiến mũi đột phá có sự hỗ trợ tư vấn nước ngoài trong cải tổ hoạt động thanh tra ngân hàng.

(Theo TBKT)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,